Ban Bí thư Trung ương vừa xem xét thi hành kỉ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa cùng một số cán bộ ở các tỉnh Khánh Hòa, Hà Giang, Hòa Bình và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Sự việc không làm dư luận ngạc nhiên, bởi đây là hệ quả tất yếu với các hành vi vi phạm của các cá nhân, đơn vị nêu trên.
Biệt thự xây dựng trái phép trên núi Cô Tiên. Ảnh: Tấn Lộc.
Quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ của Đảng, đã được Nhân dân rất đồng tình, nhiệt liệt hoan nghênh. Đồng thời, trước việc hàng loạt cán bộ cao cấp, chủ chốt ở một số địa phương như Khánh Hòa bị kỷ luật, người ta không khỏi băn khoăn, trăn trở về đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở địa phương, việc quản lý, thi hành pháp luật ở các địa phương nói chung và Khánh Hoà nói riêng trong những năm qua. Liệu từ những Khánh Hòa, Hòa Bình, Hà Giang... đã là những bài học, hồi chuông lớn cảnh tỉnh, nhắc nhở các địa phương khác trong cả nước?
Với Khánh Hòa, những vi phạm, sai phạm của các lãnh đạo ở đây là cực kỳ nghiêm trọng. Như Ban Bí thư đã nhận xét, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa hai nhiệm kỳ trên đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế- xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng…
Khánh Hòa là một địa bàn trọng yếu, một tỉnh có bờ biển dài hơn 300 km, đẹp nhất Việt Nam, với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ và các đảo san hô của quần đảo Trường Sa...Cam Ranh là vịnh lớn, là cảng biển có điều kiện tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á. Nha Trang- thủ phủ của Khánh Hòa- được coi là thành phố của du lịch và sự kiện, từng diễn ra nhiều sự kiện lớn trong nước và quốc tế.... Đất đai, điều kiện tự nhiên nơi đây đều được coi là vàng. Từ năm 2006 và các năm sau đó, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể, chi tiết về phát triển kinh tế - xã hội nơi đây đảm bảo nguyên tắc phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, của Vùng miền Trung; xây dựng Khánh Hoà trở thành trung tâm của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…
Tuy nhiên, không hiểu do trình độ quản lý hay vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà các lãnh đạo Khánh Hoà trong một thời gian dài đã bất chấp, cố tình vi phạm pháp luật. Điển hình như các dự án biệt thự, khu đô thị. Quy hoạch TP Nha Trang phê duyệt đến năm 2025 không có quy hoạch xây dựng đô thị ở núi Chín Khúc, thế nhưng vẫn có 9 dự án nhà ở, khu đô thị, sinh thái được UBND tỉnh cho triển khai…Trong 82 dự án biệt thự, khu đô thị, có đến 70 dự án trái quy hoạch. Một thắng cảnh núi Cô Tiên, quy hoạch chỉ cho khoảng 195 ha phần rìa núi có độ cao dưới 60 mét để phát triển đô thị - du lịch, nhưng tại núi này đã có khoảng 30 dự án được triển khai. Và rồi các dự án đã phá nát cảnh quan, gây hệ luỵ trực tiếp như khu đô thị Hoàng Phú làm hồ trên núi, mưa lũ gây sạt lở làm hư hỏng nhà 11 hộ dân, làm chết 4 người…
Cố tình vi phạm pháp luật “băm núi, lấp biển” để phát triển các dự án biệt thự, nhà hàng, khu giải trí... Nhiều dự án do tỉnh tự quyết định, không xin phép Chính phủ. Nhiều dự án giao đất vàng sai quy định, gây thất thoát lớn như Dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà; Dự án giao hơn 1.000 m2 đất vàng công sản ở 10 Hoàng Hoa Thám (Nha Trang) cho doanh nghiệp thuê không qua đấu giá; Dự án mở rộng đường Mai Xuân Thưởng cho một công ty bỏ ra gần 50 tỷ đồng, đổi lại được giao 4 khu đất gần 50.000 m2 với giá chỉ có 4,7 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường hơn 200 triệu đồng/m2…; hay như việc giao 62 ha đất sân bay Nha Trang cho doanh nghiệp xây dựng dự án Trung tâm đô thị, dịch vụ tài chính…
Sai phạm, vi phạm rồi đây sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ, và dư luận yêu cầu phải được xử lý nghiêm minh. Nhưng người ta băn khoăn, những số tiền lớn thất thoát từ việc bán, cho thuê, giao đất trái quy định sẽ được thu hồi như thế nào? Trong số tiền thất thoát, liệu có bao nhiêu đã rơi vào túi cá nhân kẻ tham nhũng? Các cá nhân lãnh đạo các thời kỳ kia đã bị kỷ luật, nhưng trách nhiệm của họ trước những khối tài sản của nước, của dân bị thất thoát sẽ ra sao?
Lại vấn đề đặt ra, là những sai phạm cố tình của các lãnh đạo địa phương từ tỉnh xuống cơ sở đều hiển hiện trong thời gian dài, nhiều sai phạm đã được chỉ ra sao không được ngăn chặn, xử lý kịp thời? Hàng năm vẫn không ít các đoàn kiểm tra, thanh tra từ Trung ương đến địa phương vào cuộc sao không thể phát hiện, xử lý? Đành rằng cũng có một thực tế, không ít vụ việc dù báo chí, thanh tra vào cuộc, nhưng sai phạm sau đó vẫn tiếp diễn, thậm chí còn ngang nhiên hơn, như thách thức pháp luật.
Thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước hết sức quyết liệt, không có vùng cấm. Nhiều sai phạm, vi phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm. Đã có nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý, từ nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ… Tuy nhiên, từ những vụ việc đã xảy ra, đang xử lý, sẽ xử lý, như chuyện xảy ra ở một địa phương Khánh Hoà, người ta càng thấm thía câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói chuyện với các cử tri ở Hà Nội gần đây: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa qua có nhiều cố gắng, kết quả tốt, không chỉ trong nước mà dư luận quốc tế hoan nghênh, nhưng còn nhiều việc phải làm…”.