Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi tiến hành kỷ luật, theo nguyên tắc, ai bổ nhiệm người đó có quyền cách chức mà hiện giờ cả người bổ nhiệm (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) và người được phê chuẩn, bổ nhiệm (nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) đều đã nghỉ công tác.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn Chính phủ cho biết, Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ về hướng xử lý kỷ luật hành chính với nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng theo chỉ đạo của Ban Bí thư TƯ Đảng với nhiều phương án đề xuất. Chiều nay, Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục họp để xem xét vấn đề này.
Trao đổi với PV, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, dù có nhiều phương án đưa ra trong báo cáo, đề xuất của Bộ Nội vụ nhưng Chính phủ vẫn chưa quyết định được việc này.
“Trong số các phương án được đề xuất thì chưa thấy phương án nào nổi lên, tối ưu. Chính phủ đang phải bàn thêm đã” - Người phát ngôn Chính phủ giải thích. Chính phủ sẽ phải thảo luận, thông nhất phương án để báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Văn phòng Cính phủ phân tích, nói là kỷ luật nhưng không thể công bố cách chức “nguyên Bộ trưởng” với ông Vũ Huy Hoàng là làm ngay được vì việc này cần phải có cơ sở pháp lý, dựa trên căn cứ pháp luật cụ thể.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, kỷ luật nhưng phải đảm bảo tính pháp lý vì việc “cách chức” Bộ trưởng một người đã nắm giữ trong cả một nhiệm kỳ liên quan đến rất nhiều việc.
Ông Dũng dẫn chứng: “Ví dụ, bây giờ nói là cách chức Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2011-2016 với ông Vũ Huy Hoàng thì tính pháp lý của tất cả những văn bản người ấy đã ký, ban hành suốt thời gian đó thế nào, còn tư cách Bộ trưởng không?
Đó là việc cần tính. Cần phải lựa chọn biện pháp nào cho phù hợp để đồng bộ giữa quyết định xử lý kỷ luật bên Đảng với bên chính quyền và cũng phải đúng với quy định, pháp lý nữa”.
Nhắc lại nhiều lần quan điểm đây là vấn đề cần làm thận trọng, phải làm thật “chuẩn”, không thể vội vàng nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định: “Thủ tướng đã quán triệt quan điểm, sẽ phải xong sớm, tiến hành sớm” theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư.
Trao đổi thêm về việc phía Quốc hội cũng đang lúng túng, chờ ý kiến từ Chính phủ, người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng giải thích, việc kỷ luật cách chức Bộ trưởng với một cán bộ không còn giữ chức vụ này trước nay chưa có tiền lệ. Hướng xử lý đặt ra, đặc biệt là về thể chế, pháp luật, nếu phần nào chưa rõ thì thậm chí phải nghiên cứu, bổ sung rồi mới thực hiện được để việc xử lý chuẩn về pháp lý.
“Quy định gì chưa có thì mình phải bổ sung vì không phải chỉ để xử lý trường hợp này mà còn các trường hợp khác về sau nữa chứ” - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Phía Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan được UB Thường vụ Quốc hội giao nghiên cứu, tham mưu về việc này) cũng đã tham gia họp nhiều lần với Bộ Nội vụ để cùng đưa ra các hướng đề xuất nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, một điểm vướng mắc khác là về vấn đề thẩm quyền xử lý.
Theo quy định, chức vụ Bộ trưởng do Thủ tướng giới thiệu nhưng việc phê chuẩn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, việc bổ nhiệm sau đó lại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.
Khi tiến hành kỷ luật, theo nguyên tắc, ai bổ nhiệm người đó có quyền cách chức mà hiện giờ cả người bổ nhiệm (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) và người được phê chuẩn, bổ nhiệm (nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) đều đã nghỉ công tác.
Việc xử lý kỷ luật hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng, vì thế, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng “khó vì nhiều lẽ”.