Ngày 1-7-2015 kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh- người chú của chúng tôi- người đã cống hiến trọn đời mình vì hạnh phúc của nhân dân, được Đảng và nhân dân ta đánh giá “có những đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước”.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (người đứng giữa hàng sau) trực tiếp giảng dạy
lớp đào tạo cán bộ cơ sở ở Trường Đảng miền Nam tại căn cứ Bắc Tây Ninh năm 1966
(Ảnh tư liệu)
Từ Sài Gòn, những ngày đầu năm 1962 tôi thoát ly tham gia cách mạng tại căn cứ cách mạng Bắc Tây Ninh- nơi diễn ra cuộc đối đầu lịch sử mang tính thời đại giữa đế quốc Mỹ và lực lượng cách mạng dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để giải quyết vấn đề ai thắng ai. Và cuối cùng “Bắc Nam sum họp một nhà “theo lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trước khi về làm nhiệm vụ phát thanh viên Đài phát thanh Giải phóng bằng tiếng Pháp, tôi vinh dự được đến thăm chú Mười (tức chú Linh) – Bí thư Trung ương Cục miền Nam, và được chú động viên công tác. Mấy năm sau, khi được đào tạo tại lớp cán bộ cơ sở ở Trường Đảng, tôi lại được vinh dự gặp chú Mười đến trực tiếp huấn luyện chính trị.
Sau ngày giải phóng, chú Nguyễn Văn Linh được Bộ Chính trị cử làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (1976-1986). Những ngày đầu giải phóng, thành phố đương đầu với biết bao khó khăn, phức tạp do chiến trận xâm lược lâu dài và chế độ cũ để lại, đặc biệt là khó khăn về đời sống xã hội, nhất là đối với đồng bào nghèo. Và trách nhiệm nặng nề đặt trên vai đồng chí Bí thư Thành ủy. Để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, không có cách nào khác hơn là Bí thư Thành ủy thường xuyên xuống tận cơ sở thâm nhập các khu dân cư, dự họp với các phường xã, tổ dân phố để bàn bạc, trao đổi về cách tháo gỡ tình hình; dành nhiều thời gian tham khảo ý kiến của các chuyên gia về phương hướng đổi mới quản lý kinh tế của Thành phố, ủng hộ những mô hình tiên tiến trong sản xuất. Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh là người rất quan tâm đến công tác dân vận – Mặt trận, gần gũi và lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Lúc ở chiến khu, tôi là Bí thư Đoàn ủy Đoàn thanh niên và Đảng ủy viên của cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam, là ủy viên BCH Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày giải phóng tôi được cử làm ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam một thời gian và được điều động về công tác ở cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Hồ Chí Minh từ những năm 1980. Và năm 1984, theo chỉ đạo của Thành ủy do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, tôi được bổ nhiệm làm ủy viên Đảng Đoàn của UBMTTQ TP.HCM. Đó là cái “duyên” khiến tôi được gắn bó với công tác Mặt trận. Nắm vững chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, “Mặt trận hướng công tác về cơ sở và chăm lo tổ chức đời sống xã hội, đặc biệt là lo cho người nghèo trên địa bàn dân cư”, tập thể lãnh đạo MTTQ TP chúng tôi, đã hết sức tập trung hoạt động hướng về cơ sở.
Trong quá trình nghiên cứu, một ngày của tháng 3-1983, chúng tôi phát hiện sau những dãy nhà mặt tiền khang trang, sang trọng của đô thị Sài Gòn –TP.Hồ Chí Minh là những khu nhà “ổ chuột” lụp xụp, nghèo nàn. Quả thật, trong một hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai ở phường 21, quận Bình Thạnh nhiều hộ sống trong một vỏ xe hơi trống rỗng, mắc võng bên cạnh mồ mả, đặc biệt có bà lão 80 tuổi sống trong một túp lều rách nát. Họ sống như vậy trong nhiều năm. Chúng tôi quá xúc động và bàn bạc bà con chung quanh để giúp đỡ: Ai có tiền thì giúp tiền, ai không khá thì cho gạch ngói, mái tôn cũ, ai không có gì thì giúp ngày công. Chúng tôi quyết tâm làm thí điểm và hoàn chỉnh mô hình. Trong vòng vài tháng, đã xây xong 20 căn nhà. Quá trình làm, chúng tôi có báo cáo với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh và đồng chí đã chỉ đạo ngay cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ủng hộ chủ trương này.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã đến chia vui với bà con ở đây. Sau đó, mô hình này được nhân ra thành công ở 26 phường của quận Bình Thạnh. Trong thời điểm này, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh thường sắp xếp thời gian đi công tác đến Mặt trận các quận, huyện với tư cách là thành viên của Mặt trận. Và cuối năm 1983, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh đích thân chỉ đạo nhân mô hình của phường 21 ra 18 quận, huyện của TP. HCM. Một phong trào thi đua chăm lo nhà ở cho nhân dân lao động diễn ra sôi nổi khắp mọi nơi. Và UBTƯ MTTQVN do ông Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch đã lấy mô hình trên nhân ra cả nước với tên gọi là phong trào “Toàn dân đoàn kết chăm lo tổ chức đời sống xã hội trên địa bàn dân cư”. Và trong thời gian không bao lâu đã có hàng trăm ngàn “nhà tình nghĩa”, “nhà tình thương” ra đời trong cả nước.
Sau giải phóng, thời kỳ chưa đổi mới, UBMTTQ TP.HCM đã đi đầu trong sáng tạo mô hình rất có ý nghĩa về kinh tế- xã hội. Mô hình đã giúp thay đổi hẳn nếp sống ích kỷ “đèn nhà ai nấy rạng”, góp phần mở rộng sự đoàn kết trong nhân dân. Cũng từ phong trào này mà lần đầu tiên hình thức tổ chức “Ban công tác Mặt trận khu phố” và “tổ Mặt trận” ở phạm vi tổ dân phố ra đời. Tại nơi đây đã quy tụ một lực lượng đông đảo nhiệt tình gồm các cán bộ Mặt trận, cựu chiến binh, phụ lão, cán bộ hưu trí, thanh niên, phụ nữ, đoàn viên Công đoàn, Nông hội, Hội Chữ thập đỏ..v.v (Hiện nay các quận Bình Thạnh, Quận 12, Tân Phú tiếp tục xây dựng hình thức tổ chức tổ Mặt trận ở phạm vi tổ dân phố khắp phố phường). Công lao trước tiên thuộc về nhà lãnh đạo Nguyễn Văn Linh kính mến!
Tại Đại hội MTTQ TP.HCM lần thứ 4 ngày 14-12-1983, đồng chí Nguyễn Văn Linh, trong bài phát biểu của mình, với tư cách là Bí thư Thành ủy và là thành viên của MTTQ đã tổng kết những bài học sâu sắc. Xin trích một số đoạn:
“Bài học quý báu về việc MTTQ thực hiện chủ trương của Thành ủy, đã và đang quan tâm tổ chức và chỉ đạo Mặt trận cơ sở phối hợp hành động giữa các thành viên của Mặt trận, giữa Mặt trận với chính quyền chăm lo tổ chức đời sống xã hội trên địa bàn dân cư, từ công ăn việc làm, sản xuất, y tế, học hành, vui chơi, giải trí, trật tự an ninh, nếp sống gia đình… đến việc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội: cờ bạc, rượu chè..v.v. Chúng tôi nhiệt tình hoan nghênh MTTQ ở cơ sở biết vận dụng nhiều hình thức sáng tạo để huy động các giới, các lứa tuổi ra sức xây dựng khu phố, xây dựng xóm làng yên vui, nhà hạnh phúc theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “ lá lành đùm lá rách”. “MTTQ đã có quan tâm xây dựng và có được một số kinh nghiệm quý báu về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý, nhân dân phát huy quyền làm chủ thông qua Mặt trận”. Đó là vấn đề có ý nghĩa quyết định để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng”. Quyền làm chủ của nhân dân phải được thực hiện bằng hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể được biểu hiện qua các phong trào cách mạng của quần chúng. Các đoàn thể mạnh, Mặt trận mới mạnh”. “Chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, biết làm công tác Mặt trận, đoàn thể để làm việc theo phong cách của một tổ chức quần chúng, chứ không phải lối hành chính, quan liêu, hình thức trong công tác vận động quần chúng”. “Phải phối hợp và thống nhất hành động giữa các đoàn thể và tổ chức thành viên của MTTQ trong mọi công tác và trong các cấp, cho đến tận phường, xã, ấp, tổ dân phố”.
Lần đầu tiên, Luật Mặt trận (sửa đổi) 2015 đã nêu cao vai trò của Ban công tác Mặt trận ở khu phố. Những bài học do cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đúc kết rất thiết thực và vẫn giữ nguyên giá trị đến hôm nay. Chúng ta hy vọng trong thời gian tới Mặt trận cơ sở sẽ mạnh toàn diện, góp phần nâng cao vị thế của Mặt trận và tăng cường sức mạnh đoàn kết nhân dân.