Chính trị

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của đảng Đào Duy Tùng

Thái Nhung 13/05/2024 13:49

Sáng 13/5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà cách mạng, lý luận xuất sắc của đảng Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024).

img_8846.jpg
Văn nghệ chào mừng buổi lễ.

Lễ kỷ niệm vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tham dự lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hà Nội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương…

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội cho biết, nhà cách mạng Đào Duy Tùng sinh ngày 20 tháng 5 năm 1924 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Truyền thống gia đình, truyền thống cách mạng của quê hương Cổ Loa, Đông Anh đã hun đúc nên phẩm chất cao đẹp, trí tuệ, tài năng của nhà lãnh đạo cấp cao, nhà tư tưởng - lý luận xuất sắc của Đảng ta. Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, người thanh niên Đào Duy Tùng đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh ngay trên mảnh đất quê hương, luôn kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội và quần chúng yêu nước tích cực hoạt động, chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Cổ Loa là địa phương đầu tiên phát động khởi nghĩa của tỉnh Phúc Yên và cũng là xã phát động khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất của huyện Đông Anh (ngày 17/8/1945).

img_8861.jpg
Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

Ông là nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận xuất sắc của Đảng giai đoạn trước và trong thời kỳ đổi mới. Suốt quá trình công tác trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng (từ năm 1955 đến năm 1998), trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước khi bước vào thời kỳ đổi mới, ông luôn thể hiện rõ phẩm chất cách mạng, với tư duy đổi mới, sáng tạo, khoa học, trách nhiệm cao với Đảng, với Nhân dân,...

Trải qua nhiều vị trí công tác, người chiến sĩ cộng sản kiên trung Đào Duy Tùng luôn tận tụy, suốt đời phấn đấu, đã dành cả cuộc đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng – “là tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô noi theo. Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội rất đỗi tự hào vì có đồng chí Đào Duy Tùng, một trong số những người con ưu tú của Thủ đô “ngàn năm văn hiến” và anh hùng...”, Bí thư Thành Ủy Hà Nội khẳng định.

Đồng thời Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng kêu gọi toàn Đảng bộ, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, học tập và noi theo gương sáng của các thế hệ đi trước, trong đó có nhà cách mạng, nhà lý luận xuất sắc của đảng Đào Duy Tùng để viết tiếp những trang sử hào hùng của Thủ đô; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, góp phần cùng cả nước làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

img_8875.jpg
Đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại buổi lễ, Chu Hoa Bảo Trâm, đoàn viên trường Đại học Ngoại thương cho biết rất vinh dự và tự hào về người chiến sĩ cách mạng trung kiên Đào Duy Tùng.

Một số hình ảnh biểu diễn văn nghệ tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng, nhà lý luận Đào Duy Tùng.

img_8826.jpg
img_8829.jpg
img_8830.jpg
img_8840.jpg
img_8841.jpg

Buổi lễ kỷ niệm còn có hoạt động triển lãm ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng, nhà lý luận xuất sắc của Đảng Đào Duy Tùng.

img_8822.jpg
img_8884.jpg

Quá trình tham gia cách mạng và công tác của đồng chí Đào Duy Tùng
Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã từ tháng 4/1945. Trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền tại địa phương, làm cán bộ huyện, xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện.

Tháng 9/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm 1945, khi Chi bộ xã Cổ Loa được thành lập, đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã.

Tháng 6/1946, đồng chí là Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 2/1947, đồng chí là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy Kim Anh, rồi được điều về phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên.

Tháng 9/1948, đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 7/1949, đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên. Tháng 2/1950, đồng chí được điều về công tác tại Khu ủy Việt Bắc. Thời kỳ Chiến dịch biên giới, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Phó Trưởng ban huy động dân công.

Tháng 9/1951, đồng chí làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Từ tháng 1/1953, đồng chí được cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc, sau đó làm công tác hướng dẫn của nhà trường.

Tháng 5/1955, đồng chí được phân về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương; tháng 1/1956 là Phó Vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Huấn học. Tháng 12/1962, đồng chí được cử làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Từ năm 1965 đến năm 1982, đồng chí kiêm chức Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản); cũng từ năm 1965 đến năm 1980, đồng chí kiêm Thường trực Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương (Trưởng ban lúc đó là đồng chí Trường Chinh).

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), đồng chí Đào Duy Tùng được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11/1980, đồng chí được cử làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 11/1981, đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phân công phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công là Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.

Với công lao to lớn đối với cách mạng, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của đảng Đào Duy Tùng