Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã sống trọn đời với con đường Trường Sơn huyền thoại – con đường mà ông đã cống hiến tuổi thanh xuân, sức lực và trí tuệ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã viết: “Sự nghiệp vĩ đại của đường Trường Sơn anh hùng là do công sức, mồ hôi, xương máu và trí tuệ của nhiều thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong làm nên; trong đó không thể không khẳng định công đầu thuộc về tướng Đồng Sỹ Nguyên – một vị tướng tài ba, trí tuệ và bản lĩnh, đã có công xây dựng một nền nghệ thuật vận tải chiến lược quân sự dưới bom đạn của địch, góp phần quan trọng cho nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam”.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên thật là Nguyễn Hữu Vũ) sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó bên dòng sông Gianh thuộc xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai Nguyễn Hữu Vũ đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, quyết chí dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Trải qua thời gian, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử phong trào cách mạng và lịch sử xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Bình. Trong hồi ức “Đường xuyên Trường Sơn”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tâm sự: “Trưởng thành từ những trận đánh vỡ lòng trên mảnh đất này, từng giữ nhiều cương vị chủ trì lực lượng vũ trang địa phương xã, huyện, tỉnh; tiếp đó công tác ở cơ quan Bộ Quốc phòng, nay được trở về cùng quân và dân quê nhà đánh địch, mọi chuyện với tôi thật hợp lý và nhẹ nhàng”.
Tháng 1/1967, Quân ủy Trung ương quyết định điều Đại tá Đồng Sỹ Nguyên - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm nhiệm Tư lệnh Đoàn 559. Trước lúc lên đường vào Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò thân tình như một người anh ruột thịt: “Người quê mình ưa nói ít, làm nhiều. Công việc cụ thể anh Đinh Đức Thiện (Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) sẽ trao đổi thêm. Điều cơ bản là bất cứ lúc nào anh em mình cũng phải ghi lòng lời Bác Hồ dạy: Thắng không kiêu, bại không nản. Chúc anh thắng lợi lớn hơn!”.
Ngay từ những ngày đầu vào Trường Sơn, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương cơ giới hóa tuyến vận tải quân sự chiến lược, ông cùng với cán bộ trong Bộ Tư lệnh đã có những quyết định táo bạo thay đổi phương thức vận tải, đẩy nhanh tốc độ, năng suất, hiệu quả, hạn chế sự đánh phá của máy bay địch. Ông cùng với cán bộ chỉ huy từng bước xây dựng nghệ thuật vận tải trong điều kiện chiến tranh phá hoại ác liệt của không quân Mỹ. Đó là nghệ thuật chủ động xây dựng thế trận, xây dựng cầu đường, phá thế độc đạo, thực hiện tác chiến hợp đồng binh chủng “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” hoàn thành nhiệm vụ vận tải quân sự chiến lược chi viện ra tiền tuyến.
Tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn trở thành một chiến trường ác liệt. Bộ đội Trường Sơn đối mặt với hơn 733 nghìn trận oanh kích bằng đủ loại máy bay Mỹ. Chúng trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn và hàng chục vạn lít chất độc da cam/dioxin. Là Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), ông cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh đề xuất một chủ trương táo bạo xây dựng hệ thống “đường kín” nhằm chuyển hoạt động vận tải từ chạy đêm sang chạy ngày nhằm nâng cao năng lực vận tải quân sự đáp ứng yêu cầu của chiến trường; xây dựng thế trận vận tải phù hợp, nhanh chóng phát triển lực lượng cả về quân số, phương tiện kỹ thuật…
Bộ đội Trường Sơn không quản trên bom dưới đạn đã mở một hệ thống đường giao thông với 5 trục dài, 21 trục nối liền Đông - Tây Trường Sơn, tổng chiều dài 17.000km cho xe cơ giới; vận chuyển 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho các hướng chiến trường. Các đơn vị Bộ đội Trường Sơn xây dựng 1.350km đường dây thông tin tải ba và hàng vạn km dây thông tin các loại bảo đảm thông tin thông suốt đến các hướng chiến trường; mở 1.400km đường ống xăng dầu, 600km đường sông... Đến mùa hè năm 1974, đường Đông và Tây Trường Sơn đã hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc, là cơ sở hạ tầng đảm bảo chi viện liên tục vật chất, cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật đảm bảo cho đòn tiến công chiến lược khi thời cơ đến. Tháng 4/1974, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên được phong quân hàm vượt cấp lên Trung tướng.
Cho đến nay cán bộ chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn vẫn nhớ như in những quyết định táo bạo của vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên “chủ động tiến công, chủ động phòng tránh”, “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Ngay khi địch bắn phá bến phà Long Đại (ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), ông đề xuất làm thêm các bến mới, nguỵ trang cẩn thận, lúc tắt pháo sáng là đưa phà qua sông. Các bến đã bị lộ, ông cho sửa lại phà hỏng, hình nộm người… để hút địch về phía đó và “làm mồi” cho pháo phòng không. Hay như câu chuyện khi giặc Mỹ thả “cây nhiệt đới”, “người gác đường” để phát hiện các đoàn xe của ta, ông cho lấy đầu máy của những chiếc xe bị hỏng đem đến các mỏ đá lộ thiên cho máy nổ lên để máy bay địch đến “đào” cho ta “đá hóa mặt đường”…
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khẳng định, Trung tướng - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tạo nên bước ngoặt về tư tưởng và hành động đối với Bộ đội Trường Sơn. Quan điểm của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là lính Trường Sơn không có quyền nói là không thể làm được mà chỉ có quyền nói là làm thế nào để làm được.
Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, có 4 yếu tố làm nên kỳ tích của Tướng Đồng Sỹ Nguyên trên đường Hồ Chí Minh: Thứ nhất là tư tưởng tiến công; thứ hai là xông pha đến chỗ gian khổ ác liệt nhất để giải quyết vấn đề từ thực tiễn; thứ ba ông là con người rất thực tế và cầu thị; thứ tư đó là nghĩa tình đồng đội.
Cuộc đời của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một bài ca trải dài như con đường Trường Sơn huyền thoại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã viết: “Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một học trò ưu tú của Bác Hồ… Đối với tôi, tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, gần gũi suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến”.