Tinh hoa Việt

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2025): Trọn cuộc đời vun đắp cho đại đoàn kết dân tộc

ThS. Chu Văn Khánh 27/05/2025 11:09

Gần 70 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, trải qua muôn vàn thử thách khắc nghiệt, từ lao tù đế quốc đến những chiến trường nóng bỏng, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt (tên thật là Hạ Bá Cang) luôn là hiện thân của trí tuệ, bản lĩnh, lòng trung kiên và đặc biệt là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt về sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp ông gắn liền với những trang sử vàng chói lọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

ẢNH đồng chí Hoàng Quốc Việt

Từ người thanh niên yêu nước đến nhà lãnh đạo Mặt trận tài ba

Sinh ra tại làng Đáp Cầu, Bắc Ninh trong một gia đình nhà nho nghèo, Hạ Bá Cang sớm thấu hiểu nỗi đau mất nước và nung nấu ý chí cứu dân, cứu nước. Bị đuổi học vì tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, chàng thanh niên yêu nước đã trải qua những năm tháng làm thợ mỏ, thợ nguội, lăn lộn trong phong trào công nhân, khao khát tìm đến tổ chức cách mạng. Cơ duyên đã đưa ông gặp gỡ những người cộng sản thế hệ đầu tiên như Lương Khánh Thiện, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Từ đây, cuộc đời ông gắn chặt với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đối với ông, đó là những ngày tuyệt đẹp của tuổi thanh xuân, đã tìm thấy lý tưởng, được tôi luyện trong những cuộc đấu tranh giai cấp sôi động, được chứng kiến và tham gia chuyển những chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội thành những chi bộ Cộng sản đầu tiên, được góp phần mình chuẩn bị cho Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời.

Bị bắt, bị kết án tù biệt xứ, đày ra Côn Đảo nhưng chính trong ngục tù đế quốc, ý chí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hạ Bá Cang càng được tôi luyện. Trở về đất liền sau thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp năm 1936, ông lại lao vào hoạt động, khi “khăn đóng áo dài”, khi “complê cravat”, với đôi chân khập khiễng di chứng từ những trận đòn tra tấn dã man của địch, ông đã dọc ngang khắp nước để gây dựng, củng cố cơ sở Đảng, phát triển phong trào. Từ Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đến Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), ông đã cùng Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa ra những quyết sách lịch sử, đặc biệt là chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, kiến tạo sức mạnh đại đoàn kết

Ngay sau khi cách mạng thành công, với tư cách là đặc phái viên của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt được cử vào Nam Bộ. Trong bối cảnh tình hình miền Nam vô cùng phức tạp, ông đã cùng Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ nhanh chóng củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng và đặc biệt là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp mọi lực lượng yêu nước chống lại âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Những dòng điện báo cáo của ông ra Trung ương và Bác Hồ: “Hai mươi mốt tỉnh tôi đi qua đều đã giành được chính quyền, khắp lục tỉnh Nam Bộ cũng đã xong” đã thể hiện rõ hiệu quả công tác và vai trò quan trọng của ông trong những ngày đầu cách mạng đầy thử thách.

Cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt là người có công lớn trong việc thúc đẩy hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt vào năm 1951, hiện thực hóa tinh thần “một dân tộc, một mặt trận”, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi Điện Biên Phủ lừng lẫy.

Đầu năm 1946, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách công tác Dân vận, Mặt trận, cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt đã cùng Trung ương hoạch định và tổ chức thực hiện xuất sắc đường lối chiến lược “thêm bạn bớt thù”, mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Ông khẳng định: “Mặt trận hiện là một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến kiến quốc, là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”.

Nhận thấy yêu cầu tập hợp rộng rãi hơn nữa các tầng lớp nhân dân yêu nước, kể cả những người còn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh, ông đã tham gia Ban vận động và góp phần quan trọng vào sự ra đời của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt) năm 1946. Hội Liên Việt đã quy tụ được cả những thân sĩ, địa chủ yêu nước, các tôn giáo, dân tộc thiểu số, tạo nên một mặt trận đoàn kết rộng khắp chưa từng có. Cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt là người có công lớn trong việc thúc đẩy hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt vào năm 1951, hiện thực hóa tinh thần “một dân tộc, một mặt trận”, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi Điện Biên Phủ lừng lẫy.

Ngọn cờ đoàn kết

Sau năm 1954, cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt, lúc này là Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục được giao phụ trách công tác Dân vận - Mặt trận. Tháng 9 năm 1955, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, ông đã thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày dự thảo Cương lĩnh và Điều lệ mới, thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sự ra đời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một sự kiện chính trị trọng đại, trở thành ngọn cờ đoàn kết toàn dân tộc. Bản Cương lĩnh 10 điểm do ông trình bày, thể hiện tinh thần đoàn kết rộng rãi, thiết thực, đã tạo niềm tin vững chắc cho đồng bào cả hai miền.

Từ năm 1977 đến năm 1983 ông giữ cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Không chỉ là nhà lãnh đạo thực tiễn tài ba, cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt còn có những đóng góp quan trọng về mặt lý luận xây dựng Mặt trận. Ông đã từng nói: “Ở địa phương nào chú ý đến công tác Mặt trận, dân vận thì cơ sở Đảng, chính quyền, quân đội ở nơi ấy mạnh, nhân dân hăng hái thi đua làm mọi việc. Trái lại, nơi nào, công tác Mặt trận, dân vận kém thì mọi mặt đều kém”.

Ông nhấn mạnh việc xây dựng Ban lãnh đạo Mặt trận phải đại diện đầy đủ các tầng lớp nhân dân, hoạt động theo nguyên tắc của Mặt trận và phải có cương lĩnh cụ thể. Để củng cố và phát triển Mặt trận, phải chú trọng hai hướng: vận động đông đảo các tầng lớp trí thức, tôn giáo, dân tộc tham gia; đồng thời xây dựng vững chắc các tổ chức nòng cốt.

Tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng

Nhắc đến cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt là nhắc đến một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng và tinh thần đại đoàn kết. Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, kinh qua nhiều trọng trách: Ủy viên Trung ương lâm thời, Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội nhiều khóa... ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần tận tụy, hết lòng vì nước, vì dân.

Ông là hình ảnh tiêu biểu của người cán bộ cách mạng: chân thành, khiêm tốn, giản dị, gần gũi và luôn quan tâm sâu sắc đến đồng chí, đồng bào, đặc biệt là người lao động. Ông luôn lắng nghe ý kiến của mọi người, từ các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản đến người dân bình thường. Chính sự chân thành, thái độ tôn trọng và tác phong sâu sát quần chúng ấy đã giúp đồng chí quy tụ, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh đồng thuận to lớn.

Công lao to lớn của ông đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, trao tặng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất - khi còn đang công tác. Tên tuổi của ông được trân trọng đặt cho nhiều đường phố, trường học, công viên trên khắp cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2025): Trọn cuộc đời vun đắp cho đại đoàn kết dân tộc