Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những ngày ở chiến khu

Nhà báo nhà văn Nguyệt Tú 18/05/2020 07:30

Tôi nhớ lại. Ngày 8 tháng 3 năm 1947, khi mới lên chiến khu Việt Bắc, tôi tham gia làm tờ báo tay của cơ quan phụ nữ. Báo có truyện ngắn, ca dao, tiểu phẩm, tin hoạt động của Hội khắp nơi. Những hình vẽ cảnh sinh hoạt của cơ quan: Một chị gánh mấy ống vầu xuống suối lấy nước; một chị đang gieo rau cải bên bờ suối…. Trang trí báo thì màu vàng tô bằng nghệ, thuốc merucre chrome làm mầu đỏ. Chỗ cơ quan ở thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những ngày ở chiến khu

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu.

Cách chỗ chúng tôi khoảng hai cây số, Bác Hồ cũng ở một lán nứa lợp cọ. Thỉnh thoảng, các chị được Bác gọi lên dự họp. Tết đến, các chị làm mứt khoai, bánh caramel đem sang biếu Bác. Tờ báo tay của chúng tôi được đưa lên Bác xem. Nghe chị Phan Thị An nói Bác khen báo đẹp, chúng tôi thấy tự tin hơn. Sau này tôi vẫn nhớ lời nhận xét của Bác:

-Báo tay các cô đẹp đấy. Nhưng nói chỉ như bông hoa. Các cô phải làm sao cho thành bắp ngô, củ sắn.

Thực hiện lời Bác, các chị ban phụ vận mở chiến dịch trồng rau nuôi tằm ngay tại cơ quan. Chúng tôi đến một xã nghiên cứu cách chặt hom dâu, cách trồng dâu rồi phổ biến trên tờ tin của Phụ nữ Trung ương.

Một buổi tối, một số chị đi công tác vắng, một số ngồi xúm quanh bếp lửa nướng sắn. Bỗng chúng tôi nghe tiếng nước dội dưới chân thang nhà sàn. Niềm vui bất ngờ, dưới ánh đuốc, chúng tôi nhìn thấy Bác Hồ. Bác mặc bộ quần áo nâu, ống quần xắn gọn, đi chân đất bước lên cầu thang. Tất cả reo lên:

-Bác đến! Bác đến!

Trên đường đi họp, Bác ghé thăm cơ quan Hội. Chúng tôi xúm quanh Bác. Một điều bất ngờ nữa. Dưới ánh sáng bếp lửa, Bác rút trong chiếc ủng ra mấy nắm rau xanh:

-Đây là giống cải xoong Bác trồng gần nhà. Bác nghe nói các cô không có rau ăn nên mang đến. Các cô nên trồng thứ rau này. Rau dễ trồng, mọc nhanh mà lại bổ máu. Rất tốt cho các cô đang nuôi cháu nhỏ.

Ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã cấy nắm rau Bác Hồ cho trên đám đất có dòng suối nhỏ chảy qua. Rau lan ra rất nhanh. Lúc cơ quan dời đi, “đôi ủng rau” của Bác đã trở thành một vạt rau lớn để lại cho đồng bào.

Từ nơi ở trên chiến khu này, cơ quan phụ nữ Trung ương đã cho ra đời các số báo đầu tiên. Tờ số 1 có in thư tay với chữ ký của Bác Hồ gửi báo. Tôi và chị Tâm Trung đã đi bộ mang bài viết từ cơ quan đi. Chặng đầu sáu mươi cây số đến ấp Đồi Cháy, nơi ở của các văn nghệ sĩ, để họa sĩ Tạ Thúc Bình, vẽ bìa và các tranh minh họa cho tờ báo. Sau đó chúng tôi đi tiếp bốn mươi cây số đem bài viết và tranh vẽ đến xưởng in Chiến Thắng ở Khu 12, nằm trong rừng sâu tỉnh Bắc Giang. Báo in xong chúng tôi lại mang một số báo đi bộ về cơ quan. Vậy là hai chúng tôi đã đi bộ tổng cộng hai trăm cây số.

Khi số báo thứ 3 sắp ra, chúng tôi nhận được tin Pháp sắp đánh lên An toàn khu. Cơ quan được lệnh chuyển về xuôi.

*

* *

Năm 1950, anh Lê Quang Đạo, chồng tôi, vào quân đội và làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Anh thường xuyên đi mặt trận. Năm 1952 anh đi chiến dịch Tây Bắc khi tôi có mang cháu thứ 3.

Vừa có con nhỏ, vừa có mang, tôi lo lắng cho công tác của mình. Cuối năm 1952 tôi đi dự lớp học chỉnh huấn về cách mạng Việt Nam. Lúc ấy tôi sắp sinh. Trong lớp có nhiều trí thức quân y như Giáo sư Nguyễn Khánh, Giáo sư Phạm Văn Doãn, Dược sĩ Đỗ Tất Lợi. Lớp học do anh Đạo phụ trách chỉ đạo.

Một hôm tôi và cháu Tĩnh, con gái đầu 3 tuổi, rửa chân bên bờ suối gần lớp học. Tôi chợt thấy một ông già từ phía bên kia suối đi sang. Ông đội chiếc nón Tày, quai nón to che kín hết cằm, chỉ lộ đôi mắt rất sáng. Vai ông vác một cái sào dài, trên sào vắt chiếc quần ướt, tay cầm đôi dép cao su. Chân ông nhanh nhẹn lội qua suối, Cháu Tĩnh gọi tôi:

-Mẹ ơi, Bác Hồ kìa!

Thật bất ngờ, ông cụ vừa lội qua suối chính là Bác Hồ. Bác và đồng chí bảo vệ vào lớp học chỉnh huấn. Bác đi đến đâu mọi người chạy theo đến đây. Tôi vừa cố theo kịp Bác vừa vòng tay ra trước che bụng, đề phòng mọi người chen lấn. Bác vui vẻ nói chuyện với học viên. Lúc trở về lán, đi qua giàn bầu gia đình tôi trồng tăng gia, một đồng chí ngạc nhiên:

-Sao dây bầu nhỏ mà quả to đến thế ?

Bác đùa:

-Chú nhìn cô Đạo đấy, cũng giống thế đấy thôi.

Vào nhà, thấy cháu Thắng Lợi, con thứ hai tôi 1 tuổi, vừa ăn bột vừa khóc. Bác đùa với cháu:

-Thằng bé này hay thật, đã được ăn mà còn khóc.

Từ chỗ Bác ở đến lớp học phải qua nhiều con suối, nhưng Bác vẫn đến tận nơi động viên lớp học. Bác nhắc nhở:

-Phơi quần áo cẩn thận, máy bay “bà già” vẫn săm soi đấy!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những ngày ở chiến khu