Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công đào tạo, huấn luyện và xây dựng một đội ngũ cán bộ tận tụy, kiên cường. Tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là những di sản vô giá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thị sát buổi diễn tập cấp Trung đoàn tấn công của Sư đoàn 308 tại Sơn Tây, năm 1957. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, phải biết cách lựa chọn, sử dụng và không ngừng bồi dưỡng cán bộ để cái vốn quý đó ngày càng to lớn lên theo yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Người đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây -Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Vì thế suốt một đời hoạt động cách mạng, Người luôn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ để có đủ sức mạnh hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Do đó, trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định tới toàn bộ công tác xây dựng lực lượng cách mạng. Chính nhờ chú trọng huấn luyện và xây dựng lực lượng cán bộ tốt, Đảng ta đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Kể về cách đào tạo cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng: Nhờ có đường lối cán bộ của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta đã có đội ngũ cán bộ về tổng thể vẫn tiếp tục sự nghiệp cách mạng của bao nhiêu lớp người đã hy sinh. Những lớp người bị tù đầy, địch bắt khi tham gia cách mạng do được thử thách trong “trường học cuộc sống đầy gian khổ” vẫn tiếp tục phát huy về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Trong đào tạo cán bộ, Người gieo và tạo nền móng trên hai vấn đề là các cơ sở lý luận thực tiễn thông qua những lời dạy; và đào tạo đội ngũ cán bộ.
Theo ông Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nghiêm trong đào tạo, lựa chọn cán bộ. Bao giờ Người cũng lấy “đức” và “tài” nhưng trong đó “đức” là quan trọng. Vì thế trong đào tạo cán bộ, Người đã căn dặn: “phải đào tạo cán bộ vừa hồng vừa chuyên”; “đào tạo cán bộ một cách khoa học”. Người có công lớn trong công tác cán bộ, đã đào tạo nên những đồng chí của mình để tiếp tục kế nhiệm sự nghiệp cách mạng với những con người hết sức trung thành. “Năm 1924 khi ở nước ngoài, Người đã bắt đầu truyền bá tư tưởng cách mạng cho dân tộc. Người đến Quảng Châu, Trung Quốc sáng lập ra “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên. Những thanh niên đó trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam, là những trái ngọt đầu tiên của việc quán triệt quan điểm coi trọng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Còn sau khi giành được chính quyền, chúng ta có một loạt cán bộ khoa học kỹ thuật sau này là nền tảng, nòng cốt.
Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người thầy mẫu mực về sự liêm khiết, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã kể với chúng tôi về cách đào tạo cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Thắng cho rằng, cách “cầm tay chỉ việc” của Người khi đào tạo cán bộ được các học trò nhớ suốt đời. “Bác chỉ nói mấy câu mà người ta thấm suốt đời. Như ông Trần Duy Hưng là một bác sĩ. Sau Cách mạng Tháng Tám có vào thăm khám cho Bác mấy lần. Qua các nguồn tin, Bác đã mời đích danh ông Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội. Lúc đó ông Trần Duy Hưng đã từ chối vì cho rằng “việc đó khó quá, chưa làm bao giờ, chưa biết mô tê gì cả, chỉ biết làm bác sĩ”. Ông Hưng nói: “Cháu không làm được đâu. Có làm thì giao cho cháu phụ trách y tế là được. Cháu chả được học làm Chủ tịch Hà Nội bao giờ”. Nhưng Bác nói: “Bác làm Chủ tịch nước nhưng Bác có được học làm Chủ tịch nước đâu. Thôi Bác làm Chủ tịch nước, chú làm Chủ tịch Hà Nội. Hai Bác cháu ta đều là làm đầy tớ cho dân đấy chú ạ!”- theo GS Mạch Quang Thắng. Và theo ông, đó chính là cách huấn luyện của Bác. Sau này ông Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Hà Nội bao nhiêu năm, bao nhiêu khó khăn nhưng mỗi lần gặp khó khăn, ông Hưng đều nhớ câu nói của Bác là “làm đầy tớ cho dân”. Từ đó ông Hưng luôn nghĩ ra cách giải quyết được vấn đề. Chính cách huấn luyện cán bộ của Bác như vậy đã làm họ nhớ suốt đời.