Hôm nay, ngày 2/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường. Nơi đây đã đào tạo và bồi dưỡng gần 70 nghìn cán bộ lý luận chính trị, tư tưởng - văn hoá, lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đội ngũ báo chí – truyền thông, các nhà khoa học đầu đàn, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên tên tuổi.
Quang cảnh buổi lễ.
Đến dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, ông Tạ Ngọc Tấn, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ông Lê Hữu Nghĩa, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại biểu các cơ quant rung ương và địa phương, các cơ quan báo chí truyền thông, các trường chính trị tỉnh, thành phố, các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, các tổ chức trong nước và quốc tế; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được thành lập ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36 NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, trên cơ sở hợp nhất 3 trường. Trường Nguyễn Ái Quốc II, Trường Tuyên huấn và Trường Đại học Nhân dân, lấy ngày 16 tháng 01 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Trường.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về quá trình xây dựng và phát triển 55 năm qua: “Là một trường của Đảng với nhiệm vụ đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo ở Trung ương và địa phương từ trình độ sơ cấp trở lên về lý luận và nghiệp vụ, đến nay Học viện trở thành một trung tâm quốc gia lớn về đào tạo giảng viên lý luận Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng văn hóa của đất nước”.
Hiện tại Nhà trường đào tạo 36 chuyên ngành bậc đại học trong đó có 32 chuyên ngành đào tạo đại trà, 3 chuyên ngành đào tạo chất lượng cao và 1 chuyên ngành đào tạo liên kết quốc tế; 19 chuyên ngành bậc cao học, 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
Hàng năm, Học viện tuyển sinh gần 1800 sinh viên chính quy tập trung và gần 2000 sinh viên chính quy không tập trung.
Năm 2016, quy mô đào tạo các hệ của Nhà trường: Đại học chính quy tập trung: 6.504 sinh viên; đại học văn bằng 2: 476 sinh viên; đại học vừa làm vừa học: 6.957 sinh viên; cao học: 998 học viên và 94 nghiên cứu sinh.
Đặc biệt, Học viện được tín nhiệm giao nhiệm vụ tuyển sinh để đào tạo thạc sĩ các ngành Báo chí, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Kinh tế chính trị cho 3 khu vực trọng điểm quốc gia là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Hoạt động chuyên môn của Nhà trường so với thời kỳ đầu đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các chuyên ngành được mở rộng và đào tạo liên tục theo niên khoá. Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng có vai trò to lớn trong hoạt động chung, góp phần bổ sung và đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.
Các trang bị, thiết bị kỹ thuật hiện đại được đầu tư nhằm phục vụ kịp thời cho các chuyên ngành đào tạo đặc thù. Nhà trường mở rộng các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài, bắt đầu tham gia các dự án Quốc tế. Hệ thống chương trình, giáo trình thường xuyên được đổi mới, cập nhật. Chất lượng đào tạo nâng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ của Đảng và Nhà nuớc.
Trong suốt chặng đường 55 năm qua, bằng lao động khoa học nghiêm túc và sáng tạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên của Học viện đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Với những thành tích to lớn đó, Học viện được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì (1992), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2001), Huân chương Hồ Chí Minh (2007).