Sau 70 năm, Hà Nội thay đổi một cách kỳ diệu, ngày một rộng rãi, bề thế và hiện đại. Năm 1954, sau kháng chiến chống thực dân Pháp, dân số Hà Nội chỉ còn 53.000 người và diện tích nội thành cũng chỉ vẻn vẹn 152km2. Thì nay, diện tích lên tới 3.344km2 và với 8,5 triệu dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước tính 160,8 - 162 triệu đồng.
Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam, đầu não chính trị, trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước. Là thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng, Hà Nội thu hút vào mình tinh hoa trên nhiều lĩnh vực, đồng thời từ đó lại tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ.
Cuộc sống người dân ngày một tốt đẹp hơn
Trong không gian tam giác kinh tế sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), Hà Nội giữ vị trí đầu tàu và cũng là động lực phát triển; ảnh hưởng mạnh mẽ đến các địa phương khác, đặc biệt là những thành phố xung quanh. Trên thực tế, Hà Nội đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình đô thị hóa miền Bắc.
Tới nay, nhiều nơi quanh Hà Nội vốn là thị xã đã trở thành thành phố, như Bắc Ninh, Hải Dương, Hạ Long, Phủ Lý; đó là những thành phố có tốc độ phát triển cao. Hệ thống đường bộ cao tốc nối Hà Nội không chỉ với các thành phố trong khu vực mà còn vươn tới các tỉnh xa, trong đó có Lào Cai, Lạng Sơn.
Hà Nội là thành phố đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố xét về quy mô kinh tế, chiếm khoảng 16% tổng GDP cả nước; 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2024, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn với tổng số 376.430 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước tính 160,8 - 162 triệu đồng.
Tới nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 97 trường đại học, học viện và 33 trường cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và 40% tổng số sinh viên cả nước, riêng 4 quận trung tâm TP Hà Nội có 26 trường. Hà Nội cũng là nơi có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, cán bộ khoa học - kỹ thuật, văn nghệ sĩ đông đảo nhất. Riêng với công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân, hiện Hà Nội có 42 bệnh viện công, 7 bệnh viện bộ ngành khác ngoài Bộ Y tế; 43 bệnh viện tư nhân; 579 trạm y tế và 3.895 phòng khám đa khoa - chuyên khoa và cơ sở y tế tư nhân. Trong đó, nhiều bệnh viện là niềm tự hào của nền y tế Việt Nam.
70 năm qua, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ trong tất cả mọi lĩnh vực. Cuộc sống của người dân ngày một tốt đẹp hơn. Trên cơ sở đó, những ước mơ về một Thủ đô văn minh, hiện đại đã ở trong tầm tay.
Hiện thực hóa khát vọng vươn mình
Với nhiều lợi thế, Hà Nội đem trong mình nhiều khát vọng. Tới nay, Hà Nội chính là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất, bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày khi các khu đô thị mới mọc lên ngày một nhiều.
Một trong những mục tiêu, mà cũng là ước mơ và khát vọng của Hà Nội là xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng. Từ trung tâm Hà Nội, sông Hồng chia làm 2 nhánh. Một nhánh chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương đổ về thành phố cảng Hải Phòng. Nhánh còn lại chảy đến tỉnh Nam Định qua Hưng Yên, Hà Nam. Vì thế, xây dựng hai bên bờ sông Hồng (đoạn qua Hà Nội) không chỉ đơn thuần đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội của riêng thành phố mà còn là trong bối cảnh phát triển tổng thể của cả vùng kinh tế Bắc Bộ.
Năm 2022, Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, với chiều dài 40km trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa giới hành chính của 55 phường xã, 13 quận huyện; lấy sông Hồng là trục xanh trong quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, “kỳ tích sông Hồng” đã và đang hiện ra. Hiện Hà Nội đang có 8 cây cầu bắc qua sông Hồng, trong đó có 6 cây cầu ở các quận nội thành. Theo Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Như vậy, đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 cây cầu, đáp ứng nhu cầu giao thông của Thủ đô cũng như kết nối giao thông liên vùng.
Không chỉ phát triển khu vực nội thành, các khu đô thị mới ở ngoại thành Hà Nội đã và đang tiếp tục mở rộng không gian phát triển, không gian du lịch ra những vùng đất xa hơn. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là vùng Ba Vì - Sơn Tây.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hai khu vực này được đề xuất kết hợp thành vùng trọng điểm du lịch, trong đó Sơn Tây là cửa ngõ, Ba Vì là một cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ.
70 năm sau ngày giải phóng, Hà Nội đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Với khát vọng, tầm nhìn và quyết tâm mạnh mẽ, Hà Nội sẽ cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:
“Kho báu” cần được khai thác hiệu quả
70 năm qua sự phát triển của Hà Nội là kỳ diệu. Chúng ta không hình dung ra được Hà Nội lại phát triển như thế, kể cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Bây giờ Hà Nội cần những tầm nhìn mới, cơ hội mới để đạt tới những điều tốt hơn, mạnh mẽ hơn, phát huy được tiềm năng lợi thế của Hà Nội. Là kỳ vọng nhưng cũng đi kèm với nó là những thách thức. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự kỳ vọng của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội cũng là một thách thức đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Làm sao để đáp ứng được kỳ vọng đó là vấn đề rất lớn.
Vị trí, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng phát triển tốt. Vì thế Hà Nội cần tranh thủ tối đa những thuận lợi đó. Việc thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã là việc khó. Nhưng việc thực hiện triển khai đúng theo quy hoạch cũng không phải dễ. Kinh nghiệm cho thấy phải triển khai một cách nghiêm túc, bài bản, chứ không phải tuỳ tiện điều chỉnh thì sẽ không có sự phát triển bền vững.
Tôi nghĩ rằng Đảng bộ và nhân dân thành phố phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức khắc phục những khuyết điểm cũ, những yếu kém mà phát huy những thành tựu của bản thân trong thời gian, chắc chắn sẽ làm được điều tốt hơn. Phải khai thác tốt nhất lợi thế mà không thành phố nào ở Việt Nam có được, đó là nơi có lực lượng trí thức lớn nhất, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, kể cả các trí thức đã nghỉ hưu. Đó chính là “kho báu” cần khai thác một cách có hiệu quả. Câu chuyện quan trọng nhất là nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, từng cơ quan, làm việc với tinh thần tiến tới một kỷ nguyên mới bằng sức mạnh nội sinh, sức mạnh của chính văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến.
V.Thắng(ghi)
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam:
Quy hoạch năng động để phát triển
70 năm qua, Hà Nội đã có 4 lần lớn điều chỉnh địa giới hành chính và 7 lần quy hoạch chung của toàn thành phố ứng với mỗi thời kỳ phát triển. Đây chính là sự linh hoạt rất cơ động để phù hợp với sự phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, biến đổi khí hậu, tốc độ phát triển đô thị hóa của Thủ đô. Có thể nói, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác quy hoạch.
Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới lên 3.344km2 và trở thành đô thị có diện tích lớn nhất cả nước, đồng thời là một trong 12 đô thị nghìn năm có diện tích lớn trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Năm 2011, Hà Nội có quy hoạch đô thị rất mới với “mô hình chùm đô thị” bao gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh…, chú trọng yếu tố xanh. Từ đó đến nay, chúng ta đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại nên chúng ta có 2 quy hoạch mới: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang chờ phê duyệt. Cùng với hai quy hoạch mới, Hà Nội có cơ hội phát triển mạnh về kinh tế - văn hóa - xã hội, hiện đại, thông minh. Hy vọng trong giai đoạn mới, hai quy hoạch này được thực hiện một cách linh hoạt cùng với Luật Thủ đô sửa đổi, chúng ta sẽ đưa Hà Nội phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới.
Thái Nhung (ghi)
GS.TS.NGND Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024:
Đường sắt và hệ thống không gian ngầm
Tôi là người may mắn được tham gia vào quá trình xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Việc cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô sẽ được đưa ra thành các phương án, mô hình phát triển cụ thể để Thủ đô có diện mạo mới trong tương lai.
Nhưng theo tôi, trước hết phải tập trung giải quyết vấn đề, nút thắt lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hiện nay là vấn đề giao thông ùn tắc.
Trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra, thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển bất kể một địa điểm nào trên khu vực, thì khi đấy chúng ta sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân và như vậy những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay. Khi mạng lưới đường sắt phát triển thì kết nối với các vùng ngoại thành, tự động sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra phát triển ở những vùng đô thị mới và một số địa phương khác.
Khi đã có được một hệ thống đường sắt như thế, tự động những khu vực đô thị hiện nay đang rất bức xúc như khu chung cư cũ, những khu nhà dân đang ở thấp tầng lụp xụp, chen chúc, mất an toàn hoàn toàn có thể xây dựng nên những mô hình đô thị hiện đại bằng cách dồn những ngôi nhà thấp tầng như những chung cư cũ lại, chỉ cần xây dựng 2 - 3 tòa nhà cao tầng mới. Như vậy phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới trở thành một khu thương mại dịch vụ, nó như là những khu phố ngầm và trên mặt đất trở thành không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển công cộng. Đó mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại. Việc này không tốn tiền, nếu có đường sắt thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo được các đô thị.
H.Vũ (ghi)
Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Trương Quý:
Ứng xử thỏa đáng với di sản kiến trúc
Hà Nội cần có chuyển biến mạnh trong vấn đề xử lý môi trường, đặc biệt là làm sạch các dòng sông và giảm thiểu ô nhiễm không khí. Riêng về mặt di sản kiến trúc, tôi kỳ vọng các công trình có giá trị dù chưa được gắn biển di tích cũng được kiểm kê và trùng tu, làm thành một hệ thống có nội dung hoạt động hấp dẫn cho khám phá, học tập và du lịch, và quan trọng nhất là duy trì được hoạt động sống để tạo sinh khí cho các công trình.
Các di sản này không chỉ giới hạn ở những công trình tín ngưỡng hay từ thế kỷ 19 trở về trước mà ngay cả những công trình kiến trúc phong cách hiện đại trong thế kỷ 20 cũng cần phải được coi như một phần quan trọng của khung cảnh Hà Nội. Các công trình ra đời từ những năm 1950 đến cuối thế kỷ 20 cần giữ lại một số có giá trị sử dụng và nhất thiết tôn trọng bản gốc khi sửa chữa.
Ngoài ra, nhiều địa điểm từng diễn ra các sự kiện lịch sử, văn hóa liên quan các hội đoàn, cá nhân có vai trò tạo ra bản sắc của đô thị cần được hệ thống, đặt biển vật lý lẫn đánh dấu bằng công nghệ ảo trên các nền tảng số để tạo ra dữ liệu văn hóa thiết thực cho nhiều mục đích khoa giáo, trải nghiệm và làm sống động các tầng nội dung cho không gian văn hóa đô thị.
Thư Hoàng (ghi)