Là một di tích nằm trong quần thể cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288, đình Trung Bản thuộc thôn Trung Bản, xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đình thờ người Anh hùng dân tộc - Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Tượng Đức Thánh Trần.
Cách đây 800 năm, Trung Bản chỉ là một trong số ít các gò đất nổi, xung quanh là đầm lầy cỏ lác, sú vẹt mọc um tùm. Sau khi cho quân lính chặt cây từ rừng lim Quảng Yên vót nhọn, cắm xuống lòng sông làm trận địa cọc trên sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã đích thân chỉ huy trận đánh lịch sử. Còn các đầu mẩu gỗ được đem đi cất giấu trong hang ngoài vịnh Hạ Long để đảm bảo bí mật, ngày nay gọi là Hang Đầu gỗ. Các chiến thuyền hùng mạnh lẫy lừng của giặc Nguyên Mông đã bị lừa vào trận địa cọc bày sẵn cùng các ổ mai phục trải dài 2 bên bờ sông, từ Tràng Kênh đến Trung Bản.
Cả chính sử và dã sử đều ghi lại: Trận đánh quyết liệt diễn ra từ Tràng Kênh đến Trung Bản, trong khói lửa mịt mù, Trần Hưng Đạo cưỡi con ngựa bạch to lớn đứng trên gò đất cao giữa cánh đồng (nay thuộc làng Trung Bản). Ngài cầm kiếm chỉ huy ba quân. Gió bay xổ tóc, Ngài dừng chân, xuống ngựa, chống kiếm, bới lại tóc. Trận chiến đã thắng lợi và đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.
Năm 1300, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất, tại nơi ngài chống gươm, người đời sau đã lập đình thờ để tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc có công với nước.
Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia ngày 30-8-1991. Năm 2012, đình Trung Bản là Di tích Lịch sử Đặc biệt Quốc gia trong Cụm Di tích Bạch Đằng.
Theo các cụ cao tuổi ở địa phương kể lại, do việc khai phá, cải tạo vùng đất để xây làng, lập ấp ngày càng phát triển, trên mảnh đất xây đền năm xưa, đình Trung Bản được xây dựng vào khoảng giữa thời Lê cách đây khoảng 600 năm. Đình thờ Đức Thánh Trần cùng 2 võ tướng lừng danh của Ngài: Yết Kiêu, Dã Tượng.
Đình Trung Bản đã có những lần được trùng tu lớn. Năm 1919, ông Nguyễn Huy Hách người làng Trung Bản (đỗ cử nhân khoa 1906) đã khởi xướng việc trùng tu. Ông còn là người viết nhiều câu đối trong đình, nội dung ca ngợi công đức của Đức Thánh Trần, ca ngợi chiến thắng quân xâm lược trên dòng sông quê hương.
Trong các câu đối ca ngợi công lao của đức ông Trần Hưng Đạo, phải nhắc tới bộ câu đối như: “Thiên sứ tá Trần, nhi sinh Bùi Độ, Tử Nghi vô dĩ quá/ Đế dĩ bình Nguyên, tái mệnh Thoát Hoan, Ô Mã tín thành cầm”.
Tạm dịch ý: Trời còn muốn phù nhà Trần, nên sinh ra (những người xuất chúng anh hùng) như Bùi Độ, Tử Nghi là phải. Vua muốn hòa với Nguyên nên tha chết cho (những tướng bại trận) như Thoát Hoan và trao trả Ô Mã là thật. Hoặc như: “Đằng Hải thực thung vạn thế phong huân thùy vũ trụ. Dược Sơn minh kiếm thiên thu chính khí thượng quân cao.” (Trận cọc sông Bạch Đằng muôn thủa công to trùm vũ trụ/ Gươm sáng núi Dược Sơn ngàn năm chính khí mãi tôn thờ).
Sau này đình còn có đợt trùng tu vào năm 1998 và trùng tu lớn vào năm 2009 (khánh thành vào tháng 9/2010). Đình hiện tọa lạc trên diện tích 2000m2, hướng Tây Nam, bố cục hình “chuôi vồ” gồm 3 phần: Tiền đường, bái đường và hậu cung. Diện tích đền 500m2, trong đó tiền đường gồm 5 gian cấu kết vì kèo kiểu chồng rường, có 4 hàng cột, cột cái chu vi 1,6m, cột quân chu vi 1,52 m. Các con rường, đầu bẩy được chạm nổi hình rồng, mây và hoa văn lá cách điệu, 3 gian bái đường và 1 gian hậu cung cũng có kết cấu trang trí tương tự.
Kiến trúc, chạm khắc mang nét đặc trưng của thế kỷ XVI-XVII. Nhìn chung đình Trung Bản được xây dựng, trùng tu khá chuẩn mực, đầy đủ nhưng không rườm rà và quan trọng nhất là tụ được linh phí. Khách thập phương tới đình luôn cảm nhận được sự ấm áp, linh thiêng.
Bộ Quấn Tẩy.
Đình Trung Bản có nhiều đồ thờ và hiện vật khá phong phú, có giá trị. Đó là các hoành phi, câu đối, án gian, đặc biệt là bộ kiệu (Bát Cống) và bộ Quấn Tẩy có niên đại từ thời Lê (thế kỷ XVII), được xếp vào một trong những hiện vật quý quốc gia, trải qua hằng trăm năm nhưng vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn mà ít có ngôi đình, chùa nào ở Quảng Ninh có được.
Những hiện vật giá trị, kèm theo đó là những truyền thuyết gắn với lịch sử, tâm linh. Trước tiên phải nói đến bức tượng Đức Thánh Trần sơn son thiếp vàng ngồi trên ngai. Các cụ cao tuổi ở đây kể rằng tượng được một nghệ nhân tạc ra khi Trần Hưng Đạo vẫn còn sống, và - cũng như bà bán hàng nước ở cửa sông Bạch Đằng, sau khi dâng lịch triều con nước cho Trần Hưng Đạo, bà đã về trời - người khắc tượng Đức Thánh Trần cũng không thể tìm ra tung tích khi làm xong pho tượng. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, bức tượng có giá trị rất cao về mỹ thuật điêu khắc, tạo hình đẹp và độc đáo. Bức tượng có kích thước như người thật, mái tóc dài đến tận thắt lưng, tay cầm trâm cài tóc ứng với câu chuyện vẫn được lưu truyền trong dân gian, được đánh giá là pho tượng Đức Thánh Trần đẹp.
Bộ kiệu (Long Cống) của đình được gắn liền với giai thoại về một ông quan lớn triều Lê. Đó là năm 1435, viên quan lấy vợ và đã lâu chưa có con nối dõi. Sau khi nghe nói đình Trung Bản thờ Đức Thánh Trần rất linh thiêng, ông đã mua bộ Long Cống về đình cung tiến. Bộ kiệu được làm bằng gỗ tốt, lắp ráp chắc chắn và đặc biệt chạm trổ cầu kỳ, đạt độ thẩm mỹ cao.
Bên cạnh những câu chuyện mang tính tâm linh về bức tượng Thánh, về bộ kiệu Long Cống, đình còn lưu giữ bộ Quấn Tẩy để nót rượu trong những ngày lễ hội được chạm khắc tứ linh rất độc đáo, công phu. Hiện vật Quấn Tẩy của đình vượt lên công năng sử dụng là đồ thờ tự để đựng nước thánh, trở thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện với những nét chạm nổi tinh xảo. Bố cục Quấn Tẩy thống nhất với hình tượng tứ linh và tứ quý.
Ngoài ra, đình còn lưu giữ được một hòm sắc phong, trong đó có 6 đạo sắc phong của các triều vua ban cho đình Trung Bản: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, đều phong: “Thượng Đẳng Thần” và ca ngợi công lao to lớn của Trần Hưng Đạo dẹp tan giặc Nguyên - Mông đã linh ứng thánh thần phù hộ độ trì cho dân, cho nước. Hằng năm, vào dịp Tết và ngày giỗ Đức Thánh Trần (20/8 âm lịch), đặc biệt năm qua (mùng 8/3 âm lịch) nhân dịp kỷ niệm 1080 năm (938-2018) và 730 năm (1288-2018) chiến thắng Bạch Đằng, dân làng tổ chức các trò chơi thi đấu thể thao như: Cờ tướng, kéo co, bài điếm và biểu diễn văn nghệ… thu hút nhiều đoàn khách thập phương về tế lễ, tham quan.