Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày báo Cứu Quốc – Cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh ra số đầu tiên tại làng Xuân Kỳ (Sóc Sơn – Hà Nội), ngày 25/1/2016, Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết đã đến thăm và tặng quà cho bà con nghèo xã Đông Xuân, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của một tờ báo lớn đáng tự hào trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.
Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Hồng Thanh Quang
cùng ông Lê Xuân Quảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Xuân trao quà Tết cho các hộ nghèo.
Ngày 25/1/1946, Cứu Quốc – Cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh đã ra số đầu tiên tại làng Xuân Kỳ, tổng Phủ Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách và chỉ đạo nội dung. Tờ Cứu Quốc số 1 dày 4 trang, in đá, khổ 30 x 40 cm. Trên số báo này, Cứu Quốc đã có lời kêu gọi đồng bào:
“…Đã 80 năm dân tộc Việt Nam phải mang trên trán vết quốc sỉ nhuốc nhơ mà máu đào của bao nghĩa sĩ anh hùng tới nay chưa rửa sạch...
Trước cảnh tượng nước mất, nhà tan, Cứu Quốc - Cơ quan cổ động của Tổng bộ Việt Minh - ra đời, thống thiết kêu gọi đồng bào mau hợp sức cùng lòng đánh đuổi Pháp Nhật, rửa thù cho non sông, đưa Tổ quốc tới bến vinh quang, độc lập...”
Trước khi Cách mạng thành công, Cứu Quốc xuất bản bí mật. Ngày 24/8/1945, lần đầu tiên Cứu Quốc ra công khai tại Hà Nội, chỉ một tuần sau báo đã xuất bản hàng ngày và trở thành tờ nhật báo lớn nhất nước hồi ấy. Từ năm 1947 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Cứu Quốc ra hàng ngày đã có mặt ở khắp các chiến khu. Thậm chí tờ báo có uy tín với nhân dân tới mức đã xuất hiện cả báo Cứu Quốc giả: Giặc Pháp đã cho in những tờ Cứu Quốc giống y như thực, cùng một kiểu chữ, kiểu giấy, cùng bài vở nhưng khéo léo cài lẫn vào những thông tin có lợi cho họ để tung vào vùng tạm bị chiếm đóng. Tới mức trên một số báo Cứu Quốc, Toà soạn đã phải thông báo với nhân dân về việc xuất hiện những tờ Cứu Quốc giả.
Sau Hòa bình, báo Cứu Quốc trở về Hà Nội. Năm 1964 Tổng biên tập Trần Phong của báo Cứu Quốc và một số cán bộ (trong đó có nhà báo Thái Duy) được đưa vào Nam gây dựng báo Giải Phóng – Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 35 năm xuất hiện với tên gọi Cứu Quốc, đến năm 1977 báo Cứu Quốc sáp nhập với báo Giải Phóng trở thành Đại Đoàn Kết ngày nay, Cứu Quốc để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ, đứng ở vị trí tiên phong nhất trong tuyên truyền vận động nhân dân đứng lên cứu nước ở thời kỳ bí mật và trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đại Đoàn Kết hiện nay là tờ nhật báo, xuất bản 7 ngày trong tuần. Ấn phẩm Tinh hoa Việt xuất bản 2 kỳ/ tháng và báo Điện tử Đại Đoàn kết cập nhật tin tức liên tục, kịp thời.
Nhắc lại truyền thống của báo Cứu Quốc, trong phát biểu với bà con xã Đông Xuân, Tổng Biên tập Hồng Thanh Quang nhấn mạnh: Đã thành thông lệ hàng năm, những thế hệ người làm báo Đại Đoàn Kết luôn trở về xã Đông Xuân vào dịp này để ôn lại truyền thống vẻ vang của tờ báo, để tri ân những người dân đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ các nhà cách mạng tiền bối trong những ngày đầu tiên tờ báo ra đời. Tiếp nối xứng đáng với truyền thống 74 năm qua, báo Đại Đoàn Kết đang giữ vững ổn định và phát triển. Đại Đoàn Kết đang triển khai nhiều hoạt động xã hội, trong thời gian tới sẽ có nhiều hợp tác, hỗ trợ với quê hương Đông Xuân như là trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc nhất.
Ông Lê Xuân Quảng, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Xuân cho biết: Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Sóc Sơn, nơi từng đứng chân của Xứ uỷ Bắc Kỳ những ngày trước Cách mạng, trong đó có việc ra đời báo Cứu Quốc – Đại Đoàn Kết. Năm 2015, Đông Xuân đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, đã hoàn thành về cơ bản 19 tiêu chí.Tuy nhiên, xã vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều chương trình mục tiêu phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa trong đó có việc toàn xã hiện vẫn còn mấy chục hộ nghèo.
Nhân dịp đón Tết cổ truyền, Tổng Biên tập Hồng Thanh Quang đã trao tặng 20 suất quà của báo Đại Đoàn Kết, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Đông Xuân.