Những ngày này, người dân cả nước hướng đến dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, cũng là lúc các cựu chiến binh tất bật với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng đội.
Nghĩa tình đồng đội
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Minh Tâm (Sáu Tâm) - Phó Ban Liên lạc Phòng Tình báo miền J22 thuộc Cụm Tình báo H67 Anh hùng cho biết, sau nhiều nỗ lực của Ban Chỉ đạo xây dựng công trình Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ tại Tà Săng (tỉnh Tây Ninh), lễ khánh thành công trình sẽ được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay. Cách đây hơn 50 năm, tại chiến trường ác liệt Tà Săng, nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 đã hy sinh ngày 19/2/1972 vì trận bom B52. Nhiều đồng đội của ông Sáu Tâm đã nằm lại tại chiến trường đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, là nỗi niềm đau đáu của những người ở lại.
Sinh ra tại Bến Tre, ông Sáu Tâm sớm giác ngộ cách mạng, được giao trọng trách cán bộ Cụm tình báo H67 Anh hùng, sau này trở thành cán bộ chỉ huy Trung đoàn 271, là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trở lại thời bình, đến nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Sáu Tâm vẫn không ngơi nghỉ trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng thời kiến nghị đến nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương để dựng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. “Hơn 300 đồng đội của chúng tôi dù đang ở giảng đường đại học nhưng đi theo tiếng gọi Tổ quốc, gác lại việc học tập, vượt Trường Sơn đánh Mỹ giải phóng miền Nam theo lệnh tổng động viên tháng 2/1971 với tài sản trên vai chỉ có một chiếc balô” - ông Sáu Tâm kể, nước mắt rưng rưng: “Ngày mùng 2 Tết cổ truyền của dân tộc năm Nhâm Tý, tức ngày 19/2/1972, một trận bom B52 đã oanh tạc căn cứ Trung ương Cục và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhiều đồng chí, đồng đội của chúng tôi đã hy sinh, không còn nguyên vẹn và không mộ chí. Họ đều còn rất trẻ, đi theo lý tưởng cách mạng. Để rồi, máu xương các chiến sĩ đã đổ xuống cho cây rừng tươi đẹp, cho sự sống hồi sinh, cho đất nước ta được độc lập, tự do, cho nhân dân ta được ấm no, hạnh phúc”.
Theo ông Sáu Tâm, nhiều đồng đội may mắn trở lại thời bình như ông, cho đến nay vẫn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm hài cốt đồng chí, đồng đội để đưa họ trở về với gia đình.
Vượt ngàn dặm tìm hài cốt liệt sĩ
Ông Lê Thanh Giản, cựu chiến binh Đơn vị đặc công Tiểu đoàn D13, Trung đoàn 429 chia sẻ, cho đến nay ông vẫn không thể nào vơi được niềm mong mỏi tìm lại những đồng đội năm xưa.
Cách đây 55 năm, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Trung đoàn Đặc công 429 ở chiến khu Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), là Trung đoàn Đặc công đầu tiên của chiến trường B2. Ngay sau khi được thành lập, Trung đoàn đặc công 429 đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, lập nên những chiến công hiển hách. Trong giai đoạn chiến đấu ác liệt ấy, ông Giản nhớ mãi kỷ niệm về đồng đội Nguyễn Văn Hòe. Đáng nhớ nhất là ở căn cứ Bù Bông - Kiến Đức (tỉnh Đắk Nông), anh Hòe từ một chiến sĩ làm nhiệm vụ thông tin cơ yếu bảo vụ, đã xung phong tham gia vào lực lượng chiến đấu. “Trong một trận càn quét của địch vào vùng căn cứ, đồng chí Hòe ôm khẩu AK lao lên phía trước, bắt sống một tên lính. Thế nhưng, một tên địch khác ở phía sau đã bắn lén, đồng chí Hòe đã hy sinh anh dũng” - ông Giản nhớ lại. Hòa bình lập lại, ông Giản nhiều lần liên hệ về địa phương và gia đình của đồng đội. Bản thân ông cùng các đồng đội cũng liên hệ chiến sĩ tiểu đoàn 13 để về lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội nhưng đến nay chưa có kết quả. “Ngoài đồng chí Hòe, đơn vị chúng tôi có 26 đồng đội nằm lại ở chiến trường. Trong các đợt trở về tìm kiếm, chúng tôi đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Tỉnh đội Đắk Nông và chính quyền cơ sở, thế nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt đồng chí, đồng đội” - ông Giản trăn trở.
“Những buổi họp mặt cựu chiến binh sau này vẫn luôn đẫm nước mắt vì trách nhiệm, tấm lòng với đồng đội, đồng chí chưa hoàn thành. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghĩa tình ấy cho đến lúc sức tàn, lực kiệt, bởi vì đó là trách nhiệm thiêng liêng của những người lính Cụ Hồ” - cựu chiến binh Lê Thanh Giản tâm tư.