46 năm đã đi qua, nhưng ký ức của ngày 30/4/1975 vẫn mãi in dấu nguyên vẹn trong trái tim của những cán bộ, chiến sỹ từng tham gia “Đội công tác đặc biệt”.
Ấy là những ngày góp sức “nối vòng tay lớn” để miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất Nam Bắc một nhà, với sự hàn gắn biết bao vết thương chiến tranh…
Kể từ đêm 11 rạng sáng 12/3/1975, sau khi quân giải phóng Miền Nam giải phóng thị trấn cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) cũng có nghĩa cánh cửa hành lang phía Tây Bắc vào Sài Gòn được mở. Với tinh thần chủ động, thường trực Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (I.4) quyết định thành lập các “đội công tác đặc biệt”. Đó là đội công tác “Vũ trang tuyên truyền” (VTTT) có nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền kết hợp đấu tranh vũ trang chuẩn bị điều kiện tiến vào Sài Gòn.
Cán bộ, chiến sỹ trong Đội công tác VTTT được tập hợp từ các cơ quan, đơn vị, gồm: Thanh vận, phụ vận, dân y, văn nghệ…phối hợp với lực lượng vũ trang của huyện đội (hoặc thành đội).
Tôi là thành viên trong Đội công tác VTTT cánh Tây Bắc thành phố. Trung tuần tháng 4/1975, Đội công tác VTTT chúng tôi được lệnh xuất phát từ căn cứ Hố Bò (Củ Chi) hành quân xuống xã Phước Thạnh để vượt quốc lộ 22 băng qua tỉnh lộ 9 nối thị trấn Củ Chi với thị trấn Đức Hoà (Long An). Hai lần xuất phát hành quân, chúng tôi đều phải quay trở lại Hố Bò vì sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa ở căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) tăng cường ra án ngữ. Đêm nào chúng cũng gọi máy bay L.19 thả pháo sáng chặn đường chúng tôi hành quân.
Mãi tới ngày 28/4/1975, Quân đoàn 3 Quân giải phóng bao vây tấn công đập tan Sở chỉ huy Đồng Dù bắt sống Sư trưởng Lý Tòng Bá, giải phóng toàn bộ huyện Củ Chi cũng là thời điểm tối 29/4/1975 Đội công tác VTTT chúng tôi được lệnh tiếp tục băng đồng bưng Mỹ Hạnh (Đức Hoà) thần tốc hành quân về xã Vĩnh Lộc, huyện Tân Bình. Đến Vĩnh Lộc, chúng tôi được bổ sung thêm một trung đội vũ trang của huyện đội Tân Bình (giai đoạn này, xã Vĩnh Lộc thuộc huyện Tân Bình) đã ém sẵn, chuẩn bị phối hợp với Đội công tác VTTT từ trên căn cứ Củ Chi về. Chưa kể, phía sau chúng tôi còn có các đơn vị chiến đấu của Công trường 9 có xe tăng và trọng pháo yểm trợ. Trong khí thế áp đảo của Cách mạng, đa phần lực lượng đối phương đóng ở Đồn Ngã Năm Vĩnh Lộc đã tự giải tán.
Sáng hôm ấy (30/ 4/1975), mặc dù chiến sự còn đang tiếp diễn nhưng hàng ngàn quần chúng xã Vĩnh Lộc đổ về đình Xuân Hòa hân hoan mừng quê hương vừa được giải phóng. Bà con cùng nhau người nấu cơm, người làm đồ ăn… Trong thời gian chờ ăn cơm và nhận nhiệm vụ mới, tôi vô chốt bảo an nơi lính chế độ cũ mới tháo chạy, mở ngăn kéo bàn làm việc, tình cờ tôi đọc được tờ thông báo của Chi khu Cảnh sát Tân Bình, nội dung: “Ai bắt được tên Năm Ngon Việt cộng nằm vùng Bí thư chi bộ xã Vĩnh Lộc sẽ được hậu thưởng”.
Cầm tờ “treo giá” tìm bắt Năm Ngon, tôi bồi hồi nhớ năm 1973 được lãnh đạo cánh B của Khu ủy (bộ phận phụ trách nông thôn vùng ven và ngoại thành) phân công xuống vùng ven Binh Tân (Bình Chánh - Tân Bình) tìm hiểu và nắm phong trào nông dân trong các ấp chiến lược bung về ruộng vườn cũ làm ăn theo tinh thần Chỉ thị 09/CT - KU của Khu ủy chỉ đạo. Những ngày ấy ở Vĩnh Lộc, tôi cùng vợ chồng Năm Ngon bám trụ “chém vè” trên đồng bưng Vĩnh Lộc, nơi 32 dân công hỏa tuyến hy sinh trong đợt 2 chiến dịch Mậu Thân 1968.
Sau khi ăn cơm xong, chúng tôi được lệnh chờ nhận nhiệm vụ mới. Nhờ có chiếc radio mang theo, vào khoảng 11 giờ trưa ngày 30/4/1975, chúng tôi nghe được Đài phát thanh Sài Gòn phát thông báo đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Trong tiếng nhạc bài ca “Nối vòng tay lớn”, cả xã Vĩnh Lộc như nổ tung bởi tiếng hò reo cuồng nhiệt của Đội công tác VTTT và nhân dân.
Sau khi nhận được lệnh của cấp trên, nhân dân xã Vĩnh Lộc dùng xe lam chở toàn bộ cán bộ chiến sỹ Đội công tác VTTT xuống cầu Tham Lương, vào ngã ba Bà Quẹo, theo đường Lê Văn Duyệt nối dài (nay là đường Cách mạng Tháng Tám). Khoảng 13 giờ chiều cùng ngày chúng tôi tiếp quản Chi cảnh sát xã Phú Nhuận gần cổng xe lửa đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ). Không kịp nghỉ ngơi, chúng tôi khẩn trương thu dọn đồ đạc, tài liệu ở Chi khu Cảnh sát bị vứt bề bộn.
Tôi được Trưởng đoàn phân công cùng đi với một thành viên trong Đội công tác VTTT vào một số hộ dân xung quanh tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng kết hợp tuyên truyền chủ trương hòa giải hòa hợp của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đồng thời chọn quần chúng tích cực ra tham gia thu dọn môi trường cùng chúng tôi. Tin vào quần chúng tốt, tôi đã nhận ba chị em một gia đình công chức Sài Gòn vào hỗ trợ. Trong số các chị, các em tham gia công tác với chúng tôi ngày 30/4 cách đây 46 năm, sau này gặp lại có người làm Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Bình, có người làm ngành ngân hàng, có người trở thành giáo viên phổ thông. Giữa tháng 5/1975, tôi lại được cử lên Bà Quẹo cùng cán bộ huyện Tân Bình tham gia thành lập chính quyền xã Tân Sơn Nhì (nay là phường 17 quận Tân Phú).
46 năm đã đi qua, nhưng những kỷ niệm của ngày 30/4/1975 trở thành những ký ức còn nguyên vẹn trong trái tim của những cán bộ, chiến sỹ từng chiến đấu và công tác tại thành phố mang tên Bác như chúng tôi.