Kỷ niệm nhỏ về Siminov

09/08/2019 14:43

Trong chuyến đi công tác tới các đơn vị tình nguyện Việt Nam tại chiến trường K. (mùa hè 1989) với tư cách phóng viên báo Quân đội Nhân dân, tôi lại được chứng kiến một chuyện cảm động khiến tôi nhớ tới Simonov. Giữa cánh rừng Pailin khô khát, một sĩ quan trẻ người Hà Nội đã đọc thuộc lòng cho tôi nghe bài thơ rất dài của Simonov “Thư ngỏ, gửi người phụ nữ ở thành phố Vitruc” mà tôi đã dịch và in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Kỷ niệm nhỏ về Siminov

Trung tuần tháng 7/2019, chúng tôi, gần 900 cựu thành viên của nhóm Bộ đội Đoàn Đào – Đập Neo vừa trọng thể tổ chức lễ Kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ. Ngày 23/7/1979, những cậu bé tuổi từ 17 tới gần đôi mươi, học sinh ưu tú của các trường phổ thông trong cả nước đã được chọn thi vào hai trường Đại học Kỹ thuật Quân sự và Đại học Quân y, dù chưa biết điểm thi, đã được gọi nhập ngũ và bắt đầu hai tháng luyện tân binh tại một đơn vị thuộc trung đoàn 871 của Quân khu 3 trên địa bàn hai xã Đoàn Đào (huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên) và Đập Neo (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương)… Đây là khóa trí thức trẻ duy nhất của quân đội được chuẩn bị nguồn sớm như vậy. Trong đội ngũ này hôm nay có nhiều vị tướng, nhà khoa học đầu ngành, nhiều trí thức nổi bật… Và gặp nhau, chúng tôi đã nhớ lại những kỷ niệm ban đầu trong màu áo lính. Cá nhân tôi cũng nhớ lại những kỷ niệm thi ca của mình, liên quan tới những vần thơ của nhà thơ Nga Xôviết Konstantin Simonov.

Ngày đó, trong sổ tay của những chàng lính trẻ chúng tôi, bài thơ “Đợi anh về” của Konstantin Simonov qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu được chép cạnh rất nhiều bài thơ khác, liền bên cả những dòng thơ có lẽ là tếu táo, nhưng vì sao đấy rất được ưa chuộng: “Em bỏ anh là phải lắm rồi, Lính quèn binh phục lại lôi thôi, Gia tài vẻn vẹn ba lô cóc, Nó ở Tây về hơn hẳn tôi”… Thật ra, dạo đó, đối với tuyệt đại đa số chúng tôi, chuyện tình yêu chủ yếu vẫn tồn tại ở dạng khái niệm. Mọi thử thách - cả lòng chung thủy lẫn sự vong bội - vẫn còn đang đợi chờ ở phía trước. Nhưng bằng bản năng, chúng tôi đã nhập tâm những câu tâm tình cháy bỏng ấy: “Em ơi đợi anh về, đợi anh hoài em nhé”…

Thời gian trôi, những bèo bọt kiểu “Em bỏ tôi…” chìm vào quên lãng. Riêng “Đợi anh về” thì tôi vẫn nhớ. Và có lẽ, nhớ đến trọn đời.

Rồi tôi sang học ở Trường Cao cấp Thông tin Quân sự Ulianovsk (UVVKUS) tại LB Nga để trở thành một trung uý, kỹ sư vô tuyến điện. Trong một lần diễn tập dã ngoại, Yura, anh bạn người Nga thân thiết, đã đưa cho tôi mượn đọc “Năm nghìn dòng” - tuyển thơ trữ tình của Simonov. Một tuần sống giữa cánh rừng Nga ẩm ướt mùa thu, tôi đã thực sự được đồng trải qua những cảm xúc tình yêu thời chiến của Simonov những ngày trai trẻ. Thì ra, Simonov không chỉ có “Đợi anh về”. Ông còn có những dòng thơ phẫn nộ lên án sự bội tình đối với người đang chiến đấu ngoài mặt trận. Thơ ông là bức tranh sinh động và chân thực về cuộc sống nội tâm không đơn giản và xuôi chiều của người cầm súng.

Trong chuyến đi công tác tới các đơn vị tình nguyện Việt Nam tại chiến trường K. (mùa hè 1989) với tư cách phóng viên báo Quân đội Nhân dân, tôi lại được chứng kiến một chuyện cảm động khiến tôi nhớ tới Simonov. Giữa cánh rừng Pailin khô khát, một sĩ quan trẻ người Hà Nội đã đọc thuộc lòng cho tôi nghe bài thơ rất dài của Simonov “Thư ngỏ, gửi người phụ nữ ở thành phố Vitruc” mà tôi đã dịch và in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Người sĩ quan ấy cũng gặp phải cảnh ngộ như nhân vật chính trong bài thơ. Anh nói với tôi: Trong những phút đau buồn của đời anh, vần thơ Simonov đã giúp anh giữ vững niềm tin vào cuộc sống, vào sự chung thủy ở cõi đời này. Và tôi nhớ, tôi đã nói với người sĩ quan trẻ ấy: Thôi, ông đừng buồn, Simonov có một câu nói khác cũng rất hay, khi người đàn ông biết không chỉ sự chung thuỷ mà cả sự vong bội của đàn bà thì anh ta mới thực sự là người trưởng thành. Sự trưởng thành nào cũng đòi hỏi phải trả giá xứng đáng… Anh sĩ quan trẻ ấy đã nở nụ cười buồn và nói với tôi: Có lẽ tôi phải nghe lời của Simonov!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm nhỏ về Siminov