Từng được mệnh danh là "Kỳ quan thiên nhiên thứ 8", hồ nước Rotomahana - hay còn gọi với cái tên Frying Pan (Chảo Chiên) đã bị phá huỷ bởi một trận phun trào núi lửa.
Tháng 6/1886, một loạt trận động đất làm rung chuyển khu vực Rotorua ở New Zealand. Ngọn núi lửa Tarawera từ đó cũng "cựa mình" phun trào mãnh liệt. Đây được xem là vụ phun trào núi lửa lớn nhất New Zealand.
Động đất, núi lửa xảy ra dồn dập tạo ra thảm họa trên diện rộng. Các ngôi làng bị phá hủy, hơn 100 người thiệt mạng, những bậc thang màu hồng trắng nổi tiếng của hòn đảo biến mất dưới làn nước hồ Rotomahana.
Tiếp theo đó là sự hình thành thung lũng mang tên Waimangu Volcanic Rift (Thung lũng khe nứt núi lửa Waimangu). Ở đó, có một hồ nước mà vừa nghe đến tên đã thấy... nóng ran. Người ta gọi nó là Frying Pan hay hồ "Chảo chiên".
Nhưng Frying Pan của năm đó chưa phải là Frying Pan hiện tại. Năm 1917, một vụ phun trào núi lửa khổng lồ khác nổ ra, tác động đến địa hình xung quanh hồ giúp nó đạt đến kích thước và hình dáng như bây giờ.
Hồ nước nóng lớn nhất thế giới
Frying Pan được xem là một trong những hồ nước nóng lớn nhất thế giới, tính đến thời điểm hiện tại.
Sở dĩ hồ nước nóng này có cái tên như vậy là vì nhiệt độ của nước tại đây quanh năm luôn giữ ở mức 50 - 60 độ C.
Frying Pan có diện tích 38.000 m2. Những chỗ nước nông có nhiệt độ trung bình 110-130 độ F (43 đến 54 độ C). Hầu hết các khu vực đáy hồ chỉ sâu khoảng 5,4 m. Tuy nhiên, tại các lỗ thông hơi, độ sâu có thể tới 18 m.
Một số nguồn thông tin cho rằng Frying Pan là hồ nước nóng lớn nhất thế giới, trong khi vài ý kiến khác lại nói hồ Boiling ở Dominica hoặc hoặc Grand Prismatic Spring ở Công viên Quốc gia Yellowstone mới là những cái tên xứng ngôi "quán quân".
Vì sao lại bốc khói nghi ngút quanh năm?
Nếu chỉ nhìn qua các bức ảnh, nhiều người sẽ nghĩ đám khói trắng lơ lửng trên mặt hồ là sương mù - hình thành do không khí lạnh kết hợp với nước có nhiệt độ cao. Tuy nhiên, lớp khói dày đặc này là hơi nước trong hồ bốc lên. Trong đó có chứa carbon dioxide và hydro sunfua.
Frying Pan là "nhà" của rất nhiều loài sinh vật, hầu hết thuộc nhóm ưa nhiệt. Chúng có khả năng phát triển và sống sót ở nhiệt độ cao.
Nước trong hồ Frying Pan có nhiệt độ lên đến 50 - 60 độ C, mức mà cơ thể người không thể chịu được, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không thể chinh phục.
Những năm 1970, Ron Keam, một nhà nghiên cứu của trường Đại học Auckland (New Zealand), đã thực hiện cuộc khảo sát toàn diện hồ Frying Pan. Ông ngồi trên một chiếc thuyền gỗ được thiết kế đặc biệt có khả năng thích nghi với nhiệt độ cao và hóa chất trong hồ. Nó được gọi với cái tên là thuyền Maji Moto.
Cộng cả may mắn và yếu tố khoa học, ông Ron đã chinh phục được hồ Frying Pan mà không bị nó nuốt chửng rồi "nấu chín".