Từ 1/4, các thí sinh trên cả nước chính thức bước vào khoảng thời gian Đăng ký dự thi (ĐKDT) kéo dài 1 tháng. Lúc này, các em học sinh cần cân nhắc thật kỹ nguyện vọng của mình để thực hiện tốt khâu đầu tiên khởi động cho kỳ thi THPT Quốc gia 2016.
Thí sinh làm thủ tục trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2015.
Bên cạnh sự tập trung của các em thí sinh, các Sở GD&ĐT cũng đã lên kế hoạch và triển khai cụ thể công tác hướng dẫn cho các trường THPT về các bước thực hiện công tác ĐKDT, ôn tập cho học sinh. Đồng thời làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở các trường THPT.
Hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi
Theo ông Phạm Văn Đại- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội cùng tất cả các thành viên trong Ban tổ chức kỳ thi thành phố, sẽ thành lập ra Ban tổ chức kỳ thi ĐH và tốt nghiệp THPT của thành phố do 1 đồng chí lãnh đạo thành phố chủ trì, và tiến hành triển khai tất cả các mặt như tổ chức về kỳ thi an toàn nghiêm túc, phân luồng giao thông, bố trí an ninh trong các nơi đảm bảo một kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc.
Ông Đại chia sẻ: Năm nay Bộ đã thay đổi quy chế tuyển sinh, học sinh ở địa phương nào sẽ thi tại đại phương đó, nên số lượng học sinh vào thành phố Hà Nội sẽ chỉ bằng 1 nửa năm ngoái. Năm ngoái 111 nghìn học sinh, thì năm nay là 63 nghìn học sinh thi tại Hà Nội, áp lực về thuê địa điểm nhà ở, áp lực giao thông, tổ chức thi sẽ nhỏ hơn.
Về công tác ĐKDT, ông Đại cho hay: Trong khoảng ngày 1 đến 2/4, Sở sẽ công bố công khai tất cả các quy chế của kỳ thi tuyển sinh vào ĐH và tốt nghiệp năm 2016 cho tất cả các nhà trường. Sau đó cho tất cả học sinh học quy chế, đến bước 3 là giúp cho học sinh đăng ký và ghi các nguyện vọng theo đúng yêu cầu của các em trong các nhà trường. Qua các bước, chúng tôi sẽ niêm yết công khai tình hình đăng ký của các em để các em kiểm tra lại thông tin xem chính xác hay chưa, nguyện vọng chính xác hay chưa, từ đó mới chuyển hồ sở về các trường ĐH, để các trường ĐH cùng các sở tổ chức kỳ thi.
Được biết, trong năm 2016, toàn thành phố Hà Nội có 280 điểm thu nhận hồ sơ. Trong đó, 250/280 điểm tiếp nhận hồ sơ ở các trường THPT, 30 điểm ở các phòng GD&ĐT quận huyện. Tất cả thí sinh có bằng THPT đều được ĐKDT tại các điểm thu nhận hồ sơ. Các điểm thu nhận hồ sơ mở cửa tất cả thí sinh tự do các tỉnh khác đăng ký dự thi tại Hà Nội. Riêng thí sinh chưa tốt nghiệp THPT nhưng đã học hết chương trình 2015-2016, chỉ được đăng ký tại các trường THPT nơi đang học. Thí sinh đã học các năm trước được ĐKDT tại trường THPT nơi thường trú hoặc nơi đã học.
Tương tự, tại một số Sở GD&ĐT trên cả nước cũng đã khởi động công tác tổ chức thi THPT quốc gia. Sở GD&ĐT Đắk Lắk, trong ngày hôm qua đã chính thức công bố các điểm thi hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Theo đó, Sở GD&ĐT Đắk Lắk quy định 75 điểm ĐKDT tại các trường THPT và 17 điểm ĐKDT dành cho các thí sinh tự do…
Tập trung hướng nghiệp
Bên cạnh công tác triển khai cho từng lớp, từng thí sinh ĐKDT, các nhà trường THPT trong thời gian này vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho các em, nhằm tránh sai sót trong quá trình ĐKDT, cũng như nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Tại Trường THPT Nguyễn Huệ, ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Hiệu trưởng cho biết: Nhà trường vẫn đều đặn, cứ sáng thứ 2 hàng tuần tổ chức lồng ghép tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ngay từ giữa tháng 2, các trường ĐH cũng đã phối hợp cùng với nhà trường tư vấn, hướng dẫn các em học sinh đăng ký từng khối thi vào trường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo trường, Ban chấp hành chi đoàn cũng phối hợp với đoàn quận Hà Đông (Hà Nội) tổ chức những buổi giới thiệu hướng nghiệp cho các em học sinh, để các em định hướng sau này thi trường nào và làm công việc gì. Cũng như tư vấn cho các em về những tâm thế chuẩn bị, hoạt động để sau này ra trường đạt kết quả như mong muốn.
Ông Hùng nói thêm: Nhiều em học sinh lớp 12, đến ngày làm hồ sơ vẫn chưa biết nên thi trường nào, ngành nào nên việc hướng nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ thông tin, bản thân các em cũng đã có thể cập nhật thông tin phù hợp sở trường năng lực của mình. Các em cần tự giác để quyết định cuộc sống của mình.
Còn có những em thấy khó trong việc lựa chọn nghề nghiệp nghiệp, có nguyên do là các em chưa xác định rõ đây có phải là đam mêm năng khiếu của mình không. Nghĩa là các em chưa xác định đúng sở trường, sở đoản của chính mình. Tôi cũng gặp những sinh viên học đến năm thứ 2 rồi mới đến gặp thầy, tỏ rõ sự buồn rầu.
Em nói rằng, đang học ngành Kế toán tài chính nhưng bây giờ lại thấy đam mê truyền thông. Với trường hợp này, tôi nói rõ, đầu tiên em phải xác định đam mê hiện tại của em có thực sự không, lúc đó hãy đến gặp thầy thì thầy sẽ nói chuyện cùng em tiếp. Vì nhiều khi đam mêm của các em là nhất thời, rồi mất đi, hoặc theo lời khuyên của bạn bè khác chưa thực sự là của chính mình.
“Để công tác hướng nghiệp tốt hơn, tôi nghĩ các thầy cô giáo chủ nhiệm phải phát huy thế mạnh của mình, xác định được năng lực sở trường của từng em, xác định rõ từng em theo ngành học gì phù hợp”- ông Hùng nói.
Ngày đầu đăng ký dự thi: Chưa vội thu hồ sơ của thí sinh
Trong ngày 1/4, tại một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội như THPT Việt Đức, THPT Trần Phú… đều mới chỉ phát hồ sơ cho học sinh. Các trường THPT đa phần đều chuyển hồ sơ cho từng giáo viên chủ nhiệm, phân công lớp trưởng nhận hồ sơ cho từng lớp để thực hiện cho cả lớp điền vào phiếu ĐKDT. Nhiều trường trong 1 vài ngày tới mới phổ biến cách ghi hồ sơ cho thí sinh, và thu hồ sơ của các em theo từng lớp với lịch thu cụ thể.
Lãnh đạo Trường THPT Việt Đức cho biết: Trong mấy ngày đầu ĐKDT nhà trường tập trung hướng dẫn cho các em ghi đúng, cũng như cho các em thời gian suy nghĩ rồi mới thu hồ sơ, vì thời gian thu hồ sơ còn kéo dài tới cuối tháng. Trường cũng đặc biệt lưu ý các em ghi chính xác các thông tin về từng mục như cụm thi, môn thi, mục đích thi, số CMND trên hồ sơ ĐKDT THPT quốc gia. Các nhân viên của trường sẽ liên tục tiếp nhận và cập nhật dữ liệu thí sinh đăng ký lên hệ thống cũng như kiểm tra, phát hiện sai sót của các em.Phương Linh