Thông tin Bộ GD&ĐT đưa ra trong văn bản Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2015-2016 đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó vấn đề quan tâm nhất là kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015-2016. Tiến sĩ Vũ Thu Hương - giảng viên ĐHSP Hà Nội cho rằng trong kỳ thi vừa qua có ghi nhận được một số bất cập, và kỳ thi có thể diễn ra tốt đẹp nếu có một vài thay đổi nhỏ.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương.
PV: Thưa bà, vừa rồi Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi chung THPT quốc gia trong năm học 2015-2016. Là chuyên gia nghiên cứu giáo dục, bà có góp ý gì cho Bộ GD&ĐT?
Tiến sĩ Vũ Thu Hương: Nói thật là tôi cũng đã viết 1 bài xin lỗi các TS vì đã không nhiệt tình lắm trong đợt thi vừa qua. Mặc dù cánh giảng viên chúng tôi có biết một số bất cập nhưng đã không nói nhiều, đến khi xảy mới cảm thấy hơi vô trách nhiệm. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét kĩ khi năm học vừa qua mới là năm đầu thực hiện.
Theo tôi, nếu kỳ thi chung quốc gia được tổ chức như thế này thì giải quyết được tất cả vấn đề: Thứ nhất kỳ thi chung quốc gia gặp một vấn đề là đề thi. Mọi khi là đề thi sử dụng 100% để phân hóa HS, tức là với đề thi đó HS không biết làm gì sẽ bị 0 điểm, làm một ít được 5 điểm, làm nhiều được 8,9 điểm. Như vậy việc chọn 1 HS giỏi sẽ rất dễ. Nhưng với bộ đề năm vừa qua thì lại chỉ 30%, không làm được vẫn đạt 6,7 điểm, làm được 1 chút được 8 điểm nhưng đứa ẩu của phần trước thì cũng có khi bị xuống điểm 7, nghĩa là đứa làm được 1 chút bằng đứa không làm được gì.
Cho nên HS thực sự giỏi rất khó nhận ra, và dễ xảy ra tình trạng rất nhiều TS tưởng mình giỏi vì thấy điểm mình trên 7. Thực ra các em không phải là giỏi. Với đề thi đó phải được 9, 10 điểm mới là giỏi. Vì vậy mới dẫn đến tình trạng mọi khi số lượng TS được điểm khá trong đề thi khó ít hơn còn bây giờ lại nhiều hơn. Số TS đó được cộng thêm 1 lượng rất đông dẫn đến tình trạng quá ồ ạt, thêm vào là máy móc chưa ổn nữa nên mới dẫn đến chuyện quá tải và những hậu quả tiếp theo…
Theo tôi nghĩ muốn có kỳ thi chung không khó. Chỉ cần 1 ngày vẫn thi tốt nghiệp và điểm đó vẫn chỉ tính cho tốt nghiệp thôi. Với đề thi, tôi nghĩ đơn giản thôi, có thể là đề trắc nghiệm của tất cả các môn, mỗi môn có khoảng 10 câu trắc nghiệm tổng hợp là chúng ta có thể kiểm tra 1 loạt tất cả các môn về việc học hành cảu trong suốt 12 năm liền. Sau đó buổi chiều sẽ thi tự luận 1 môn bất kỳ do Bộ GD&ĐT nhưng chúng ta không cần báo trước với TS, các em đương nhiên phải làm được bài vì yêu cầu đề rất dễ thôi, khi các em đã học tất cả các môn để thi đề buổi sáng rồi thì tất nhiên sẽ làm được. Đó là tính cho thi tốt nghiệp.
Còn ngày hôm sau, HS nào thích thi ĐH ở lại, lúc đó hoàn toàn muốn thi kiểu gì thì thi. Chia khối hay không cũng được. Tuy nhiên khi đã thi tổng hợp tất cả các môn HS phải học hết, sau đó thích ngành nào sẽ phải quan tâm đến ngành đấy. Ví dụ con mình rất thích Sinh học sẽ phải học Toán, Hóa, Sinh và thi thêm ngày rưỡi nữa, tổng cộng có 2 ngày rưỡi mà vẫn ngon lành tất cả. Việc coi thi nhẹ nhàng, điểm thi thì lấy điểm sau xét tuyển ĐH. Nếu chúng ta không chập kiểu cơ học 2 cái làm 1, mà chỉ chập thời điểm tập trung TS còn đề và bài thi chia ra.
Đề tốt nghiệp và bài thi tốt nghiệp do giáo viên phổ thông tự chấm, còn đề ĐH thì giảng viên chấm, sẽ vừa nhẹ nhàng mà lại thực hiện rất nhanh. Điểm thi ĐH công bố trên mạng, còn điểm thi tốt nghiệp mời các em đến trường lấy giấy.
Tôi nghĩ chỉ cần xoay lại 1 chút thì tự dưng sẽ dễ. Những HS mà cảm thấy học không tốt sẽ tự nghỉ luôn, có thể đi học nghề, hoặc thi cùng kỳ thi như thế nhưng cho CĐ… không cần gò ép quá mức. Chúng ta không cần ép 2 đề làm 1 mà tách thành 2 đề. Nhiều người cho rằng nên công nhận tốt nghiệp cho các em sau 12 năm, tuy nhiên tôi nghĩ vẫn phải thi chứ không thể xét công nhận, vì có thi thì các em mới học. Các em cần được học rất tổng hợp, và đề tổng hợp rất là cần thiết.
Nhiều chuyên gia cho rằng không nên phân biệt 2 cụm thi do Sở và trường ĐH chủ trì, quan điểm của bà như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng khi đã chia ra như vậy thì thành 2 hội đồng riêng rồi, một hội đồng thi của tốt nghiệp 1 của ĐH, và 2 hội đồng đó họ làm việc độc lập và chỉ gặp nhau lo cơ sở vật chất các thứ 1 lúc thôi. Còn khi nhập giữa cụm này cụm kia sẽ rất khó khăn. Bởi vì khi giảng viên ĐHSP chấm bài thì chắc chắn là điểm các em sẽ bị chấm chặt hơn rất nhiều so với những giáo viên phổ thông, giáo viên của những trường ĐH tư chấm… người ta có thể ta sẽ nâng đỡ hơn.
Đó là tâm lý chung như thế. Lúc đó không thể so sánh 1 bài điểm 7 của ĐHSP Hà Nội với điểm 7 của ĐH tư. Hoặc chính tôi đi chấm thi nhiều tôi cũng biết, chỉ cần thấy các em chữ to hơn, đẹp hơn đã muốn cho điểm cao chứ chưa nói đến các thứ khác…
Nhận định chung về kỳ thi nhiều người cho rằng công tác tổ chức tốt, nhưng đợt xét tuyển thì còn lộn xộn?
- Chính vì tự dưng chúng ta bội thu số lượng TS trúng tuyển nên thành ra như thế. Tôi vừa nói rằng, tách 2 đề thi ra sẽ không có việc bội thu đó nữa. Khi mà các em được phân rất rõ vị trí của mình thì các em biết mình chỉ vào được trường này thôi, chỉ có thế thôi. Và trường tốp dưới hay tốp trên cũng có đầy đủ các ngành như thế, có ĐH Y nhưng cũng có CĐ Y, các em hoàn toàn có thể tự chọn. Còn thi mà 70% là dễ thì tự dưng các em tưởng dễ, tưởng mình đỗ được ĐH thật sự...
Với việc cho các em đăng ký nhiều ngành trong 1 trường, mặc dù tạo điều kiện cho các em đỗ được ĐH, tuy nhiên có tình trạng một số em đã chấp nhận học trái ngành, quan điểm của bà như thế nào?
- Tôi nghĩ cũng nên hạn chế một chút để cho HS phải cân nhắc kĩ càng. Các em phải thực sự khao khát vào ngành đó chứ không phải các em cứ chọn bừa được ngành nào hay ngành đấy. Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên có những cách để chấp nhận 1 số những giấy chứng nhận các hoạt động của HS liên quan đến ngành nghề các em đăng ký. Điều đó sẽ thúc đẩy việc HS tìm hiểu về ngành nghề và hướng nghiệp sẽ tốt hơn rất nhiều.
Trân trọng cảm ơn bà!