Cây xoài cổ thụ ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạnh Đông, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Nơi trông ra cánh đồng lúa xanh mướt, bên cạnh những ngôi nhà ẩn trong vườn nhãn xum xuê, cách trung tâm thành phố chừng 10 km. Dưới gốc xoài chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện kỳ thú ở miền đất Bạc Liêu.
Cây xoài cổ thụ được công nhận là “cây di sản” bởi tuổi đời gần 400 năm. Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn, người đưa chúng tôi đi thăm cây xoài hướng cánh tay về phía bên phải rồi cho hay: “Ấp bên đó (ấp Biển Đông A) có chùa Xiêm Cán, đó là ngôi chùa Khmer đẹp nhất tỉnh Bạc Liêu và cùng với cây xoài cổ đã tạo nên mối đoàn kết các dân tộc cùng chung sống ở vùng đất này. Rồi ông Ẩn lý giải: Xiêm Cán có nghĩa là “giáp nước”.
Thì ra vùng đất nơi đây xưa vốn là bãi bồi ven biển. Vì là bãi bồi nên đất thường xuyên bị ngập mặn. Trải qua thời gian, với bàn tay khai hóa của những người Kinh, người Hoa và người Khmer đến đây lập nghiệp, nên dần dần trở thành làng, thành ấp và thành những cánh đồng lúa cùng những vườn nhãn tốt tươi.
Ông Đỗ Ngọc Ẩn kể: “Vào khoảng cuối thế kỷ 17, các lưu dân người Hoa ở Triều Châu thời nhà Minh đã vượt biển di cư đến các vùng biển khu vực Tây Nam Bộ này để sinh sống. Những người Hoa đó còn được gọi là người Tiều. Và cái tên Xiêm Cán do từ tiếng Tiều mà ra”.
Chúng tôi đến thăm cây xoài vào một ngày nắng tươi. Đi qua những vườn nhãn đang vào vụ chín, thấy hương nhãn thơm ngọt dặt dìu mời gọi. Một khung cảnh làng quê Tây Nam Bộ thật đầm ấm, thật thân thiện. Vừa bước qua mảnh sân nhỏ của một ngôi nhà dân, đó là gia đình ông Sáu Lự, ông được ấp giao nhiệm vụ trông coi cây di sản, thì đã thấy “cụ xoài” cao lừng lững những gần 20m, thân to phải mấy người vòng tay ôm, tỏa bóng rộng vài trăm mét vuông.
Ông Sáu Lự dẫn chúng tôi vào tận nơi. Mọi người ai nấy đều hồ hởi chạy đến vây quanh “cụ xoài” để chụp ảnh lưu niệm. Theo như lời ông Sáu Lự kể lại thì vào cái thuở ban đầu khi mới đến đây định cư bà con đã mất rất nhiều thời gian và công sức để tiến hành đào giếng lấy nước ngọt. Vậy mà cứ đào rồi lại phải bỏ cuộc vì đụng vào chỗ nào cũng chỉ cho những gầu nước múc lên vừa mặn lại vừa chua.
Cuối cùng như một sự tình cờ, có một người Tiều tên là Lý Kỳ Kia lần tìm đến đúng chỗ này, ông người Tiều họ Lý sững người bởi thấy tại đây có cây xoài to bằng một người ôm. Ông Kia lại cũng vô cùng sửng sốt bởi khu vực này nước mặn quanh năm tại sao lại có một cây xoài cần nguồn nước ngọt vẫn có thể sống và tốt tươi? Ông người Tiều họ Lý vì tò mò mà bỏ công khám phá và phát hiện ra dưới gốc xoài này có mạch ngầm nước ngọt. Ông nghĩ rằng do trời thương nên đã ban cho dân ly hương đến đây lập nghiệp mạch nước ngọt ở ngay dưới gốc cây xoài”.
Thế là người đàn ông họ Lý đã hô hào mọi người cùng đến chỗ cây xoài để đào giếng. Những giếng nước đầu tiên được đào chỉ mới sâu chừng 2m thì đã thấy mạch nước ngọt chảy ra, chẳng mấy chốc đã đầy tràn. Những người đi tìm đất lập làng đã quyết định ở lại, rồi cùng nhau khai biển dựng làng sinh sống. Ông Đỗ Ngọc Ẩn nói thêm: “Cụ xoài” này còn được mọi người coi là vị thần nước ngọt ở vùng này, họ gọi đó là “cây khai thủy” đấy.
Ông Sáu Lự nói góp thêm: Gia đình tôi dùng nước giếng từ nhiều đời rồi. Đến nay tôi vẫn còn uống nước giếng. Rồi ông Sáu Lự tiến sát “cụ xoài” và bảo: Không có cây xoài này, các cụ xưa không tìm ra nước ngọt. Mà không có nước ngọt thì khó lòng trụ nổi. Tôi nghe các cụ kể lại từ khi phát hiện có mạch nước ngọt ở đây rồi đào giếng mọi người kéo nhau đến lấy nước xếp cả hàng dài. Mỗi người gánh một đôi nước về nhà. Hết người này rồi đến người kia. Nước giếng vơi rồi lại đầy. Còn cây xoài cổ thụ cứ thế phát triển tươi tốt.
Chúng tôi lại tỏa đi vòng quanh “cụ xoài”. Ngước nhìn lên vòm lá xanh mướt mà cảm giác vô cùng thích thú. Những mấy trăm năm trôi qua rồi mà cây xoài cổ thụ vẫn sum suê. Nếu chỉ nhìn lá nhìn cành thôi mà không trông vào gốc thì chẳng có ai nghĩ rằng cây xoài đã rất cao tuổi. Tôi hỏi ông Sáu Lự: “Cây xoài này hàng năm có cho quả không?”. Ông Sáu Lự bảo: “Cho quả chứ, mà đều hàng năm”.
Đã gần 400 năm nhưng cây xoài vẫn rất sai quả. Ông Sáu Lự hào hứng: “Đến mùa xoài chín, hương thơm lan tỏa khắp ấp Biển Tây A”.
Rồi ông Sáu Lự cho biết thêm rằng quả xoài hiện chỉ cỡ bằng quả cóc chứ không lớn và có hình thuôn dài như loại xoài thông thường ở Nam bộ. Đặc biệt cây xoài ra quả từng chùm chứ không riêng lẻ nên bà con trong vùng gọi là xoài cóc. Điều đặc biệt là mỗi mùa ra trái, cây xoài chỉ đậu quả ở một phía cây, sang mùa sau mới lại ra quả ở phía còn lại chứ không ra quả khắp cây. Đây cũng lại là một chi tiết đặc biệt của cây xoài cổ thụ này.
Qua năm tháng, cùng với bàn tay cần cù của những người Kinh, người Hoa, người Khmer và được thiên nhiên bồi đắp phù sa nên khu vực này vốn là nơi nhiễm mặn và phèn nay đã trở thành một vùng đất màu mỡ thích hợp cho việc trồng cây ăn trái. Trong những cây ăn trái thì đặc biệt có cây nhãn lại vô cùng bén đất. Từ những gốc nhãn ban đầu rồi thành những vườn nhãn trĩu quả. Ông Sáu Lự cho hay: Nhãn vùng này ngon nhất Bạc Liêu đấy.
Sau hồi náo nức bên “cụ xoài”, chúng tôi mới đưa mắt nhìn khắp xung quanh. Đúng là nhãn ở đây nhiều thật, ông Sáu Lự tự hào: Vườn nhãn nơi đây có tuổi đời cũng hơn trăm năm rồi. Có lẽ cũng cao tuổi nên nhiều cây nhãn trong vườn có những hình thù khá đa dạng với những rễ cây nổi trồi lên tạo vẻ kỳ hóa.
Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn cho biết: Hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạnh Đông là địa bàn của cây nhãn. Vườn nhãn này những 230ha và kéo dài hơn 10km, tới tận chùa Xiêm Cán.
Được biết vườn nhãn này tự nhiên hình thành qua 3 điểm di tích lịch sử văn hóa. Nếu như phần đầu có Miếu thờ bộ xương Cá Ông đã hơn 100 năm thì phần giữa là trung tâm của vườn nhãn có cây nhãn cổ khoảng 300 năm tuổi. Và phần cuối chính là di tích lịch sử văn hóa chùa Xiêm Cán nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer trong vùng.
Trở lại bên “cụ xoài” tôi chạm vào những chiếc rễ to trồi lên, ẩn hiện trên mặt đất, gốc xù xì, gồ ghề, vẻ như đang uốn lượn. Tôi nói vui: “Những bộ rễ nối lên mặt đất này trông như những con mãng xà đang trườn vậy. Nhìn thật huyền bí”.
Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn nói: Đúng là có chuyện huyền bí thật. Nghe nói xa xưa khi nơi đây tuy đã có dân đến sinh sống nhưng vẫn còn là nơi rừng thiêng nước độc, có rất nhiều thú dữ, dưới gốc xoài đã xuất hiện một con cọp, nhưng nó lại hiền lành đến kỳ lạ, không bao giờ quấy phá dân làng, mà ngược lại người dân còn cảm thấy được con hổ này bảo vệ.
Chính vì thế, dân làng đã tôn cọp thành “Thần Hổ”, mỗi năm vào ngày 28/7 âm lịch dưới gốc cây xoài, việc dâng lễ vật cho “Thần Hổ” đã trở thành tín ngưỡng dân gian của người dân địa phương để cầu mọi sự an lành, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Câu chuyện này càng tạo thêm sự kỳ thú ở miền đất Bạc Liêu.