Kỳ thú Tràm Chim

Hoài Dương 13/11/2016 10:35

Chúng tôi len lỏi dưới những tán tràm ngập nước từ sớm tinh mơ để vào Vườn quốc gia Tràm Chim - nơi được xem là “lá phổi xanh” của Đồng Tháp Mười. Không khí trong văn vắt dường như được tinh lọc qua rừng tràm nên còn được ướp thơm bởi hương hoa tràm ngây ngất. Ngồi trên xuồng bơi, nghe tiếng mái chèo khua nước nhịp nhàng trong không gian yên ắng. Chừng 30 phút sau thì một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú diễn ra trước mắt.

Sếu đầu đỏ.

Đúng với tên gọi vùng đất lành chim đậu, trên những cánh đồng lúa ma, đồng cỏ năng, cỏ mồm, cỏ ống,... là cảnh tượng chim bay rợp trời với hàng trăm loài chim quý, nào cò ốc, trích cồ, trích đất, vịt trời, cồng cộc, diệc lửa, giang sen,… Và khi đến với Tràm Chim, ta có thể tận mắt ngắm nhìn chúng thỏa thích với khoảng cách rất gần, có thể chụp lại những bức ảnh đầy màu sắc. Nhưng muốn ngắm sếu đầu đỏ, một loài nổi tiếng nhất Tràm Chim thì phải chờ tới cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 (âm lịch) mới là thời điểm đàn sếu bay về Tràm Chim cư trú.

Vào thời gian này, sẽ được chứng kiến từng đàn sếu đầu đỏ bay về hòa cùng các loài chim khác để kiếm ăn, một cảnh tượng điệu kỳ. Nhiều con sếu cao đến gần 2m, bộ lông xám mượt, chân và cổ cao, đôi cánh dang rộng khi bay, dáng đi khoan thai, đủng đỉnh. Chúng tụ tập ngoài đồng, bay lượn chấp chới, xòe cánh múa nhịp nhàng, cất lên những tiếng kêu lảnh lót. Theo các tài liệu ghi lại, sếu đầu đỏ là loại chim đã xuất hiện trên trái đất cách nay 60 triệu năm, cùng kỷ với loài bò sát khổng lồ. Đáng tiếc là thời gian gần đây, sếu đầu đỏ về Tràm Chim ngày càng ít đi.

Nhưng mùa nước nước nổi năm nay, Tràm Chim lại gây bất ngờ bởi lần đầu tiên loài cò ốc bay còn có tên là cò nhạn về đây làm tổ, đẻ trứng. Chị Nga, người làm việc ở Trung tâm bảo tồn, phát triển sinh vật Tràm Chim vui mừng cho biết, hiện nay cò ốc về vườn với số lượng lớn, trên 10.000 con. Lần đầu tiên chúng làm tổ đẻ trứng, đếm sơ bộ cũng được vài ngàn tổ. Chị Nga kể trước năm 2000 thi thoảng mới thấy một con cò ốc bay về. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng cò ốc đã bị tuyệt chủng rồi. Số lượng cò ốc về vườn hằng năm còn ít hơn cả sếu đầu đỏ do nông dân đặt bẫy nhiều. Trước tình trạng nguy cấp này, năm 2007 cò ốc được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để bảo vệ nghiêm ngặt. Thường thì cò ốc về vườn từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Lúc này rừng tràm và ruộng đồng bên ngoài ngập lũ, cò có nhiều thức ăn và cũng ít gặp nguy hiểm. Đến mùa khô chúng di cư đến nơi khác, có thể là ở Campuchia.

Cò ốc về Tràm Chim làm tổ, đẻ trứng.

Vườn Quốc gia Tràm Chim với diện tích gần 7.000 hecta cũng là khu dự trữ sinh quyển Ramsar thứ 4 của Việt Nam.

Thảm thực vật phong phú với trên 130 loài khác nhau, có 129 loài cá nước ngọt sinh sống. Đặc biệt, Tràm Chim có 198 loài chim nước, trong đó có nhiều loại quý hiếm như cò ốc, cò thìa, cò quắm, điêng điểng, giang sen..., đặc biệt là sếu đầu đỏ quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Nơi đây còn có 29 loài lưỡng cư, bò sát thuộc 3 bộ, 11 họ và 25 giống…

Giờ trước mắt chúng tôi, cò ốc bay dập dìu. Loại chim này khá “kín tiếng”, chỉ thấy chúng cần mẫn kiếm mồi, rồi bay về tổ trên những chạc cây tràm. Cò ốc thuộc họ hạc nên kích thước khá lớn, đôi chân màu đỏ rất dài. Sải cánh của cò ốc rộng gần 1,5m. Trọng lượng trung bình hơn 1kg/con. Cặp mỏ của chúng dài hơn một gang tay, rất cứng. Người ta gọi cò ốc là vì thức ăn chính của chúng là ốc. Nhìn thấy cặp mỏ có vẻ thô kệch nhưng chúng bắt ốc, khui nắp để lấy thịt ốc rất tài tình. Dáng bay, cách đáp của cò ốc y hệt sếu đầu đỏ, rất đẹp.

Không chỉ có động vật, mà hệ sinh thái thực vật nơi đây cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Ngoài rừng tràm – loài thực vật điển hình của vườn quốc gia Tràm Chim, còn được tham quan nhiều cánh đồng bạt ngàn khác. Một đồng lúa ma rộng lớn, kết hợp với một số loài thực vật khác tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng cho vùng đất ngập nước. Một đồng cỏ ống trù phú, liên kết với các loài thân thảo thu hút nhiều loài chim quý sinh sống và đây cũng chính là bãi ăn của loài chim sếu. Cùng với đó, hệ sinh thái đầm lầy với những đầm sen, hoa súng, điên điển,…vừa có giá trị về ẩm thực đặc trưng của miền Tây sông nước, lại mang giá trị cao về thẩm mỹ và du lịch.

Về vùng đất trù phú này còn có một sản vật ít người biết đến đó là lúa trời, mọc tự nhiên hoang dã trên những đầm lầy (dân gian gọi là lúa ma). Lúa trời đã được xếp vào loại nông sản quý hiếm cao cấp, được Nguyễn Ánh (triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1945) đưa vào cung đình dùng trong những ngày đại lễ, cúng tế và làm đặc sản tiếp đãi thượng khách. Quần thể lúa trời hiện còn được lưu giữ và bảo tồn khoảng 678ha tại Vườn Quốc gia Tràm Chim tọa lạc trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Từ tháng 8 đến tháng 12, cây lúa vươn dài, ngoi lên khỏi mặt nước, lúa trời trổ đòng, đơm bông, vô hạt chắc rồi chín từng hạt vào lúc nửa đêm khuya khoắt và rơi rụng vào lúc mặt trời vừa ló dạng… Bông lúa ma to, dài và thẳng hơn lúa thường, hạt lúa trên bông thưa (ít hạt) nhưng lại có vị thơm rất đặc biệt và hàm lượng dinh dưỡng cao.

Khám phá Tràm Chim.

Sau hành trình khám phá Vườn Quốc gia Tràm Chim là lúc ngồi trên gian nhà lá thoáng mát giữa rừng, thưởng thức các món ngon dân dã mang hương vị đồng quê như: Cá lóc nướng trui, cá kho bông súng, ốc hấp tiêu, lẩu cua đồng, lươn um xả, chả cá chiên giòn, khô cá lóc, cá trèn, cá chạnh nướng... Đừng bỏ lỡ trải nghiệm một đêm ngủ rừng, giữa trời nước mênh mông, nghe tiếng chim kêu, tiếng cá đớp mồi, tiếng gió xạc xào trong thanh vắng.

Đầu tư 90 tỷ đồng phát triển du lịch Vườn Quốc gia Tràm Chim

UBND tỉnh Đồng Tháp dự kiến đầu tư 90 tỷ đồng để đầu tư cho Dự án xây dựng hạ tầng phát triển du lịch sinh thái bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2016-2020. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, việc đầu tư hạ tầng phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim gắn với nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững các sinh cảnh rừng tràm, đồng cỏ ngập nước và các sinh cảnh khác, bảo tồn các loài chim quý hiếm, đặc biệt là sếu đầu đỏ.

Hiện nay Vườn Quốc gia Tràm Chim tổ chức tour tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi định kỳ hàng năm từ 2016 - 2020. Việc tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim với các hoạt động như: trải nghiệm đua xuồng, xe đạp nước, ngủ trong rừng tại đài quan sát, làm nông dân đập lúa trời, tham quan vườn chim sinh sản, giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, lợp bắt cá…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thú Tràm Chim

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO