Kỳ tích 30 năm chặng đường vượt khó xứ Yên

Tây Bắc 24/09/2021 12:00

Sau 30 năm được tái lập (tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ), cùng với dòng chảy lịch sử của đất nước, Yên Bái đã có nhiều thay đổi vượt bậc tại nơi cửa ngõ Tây Bắc.

Nông thôn sạch đẹp, ấm no

Những năm 90 của thế kỷ trước, ngày mới tái lập Yên Bái là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước. Đất bạc màu, đồi núi hiểm trở, đường xá xập xệ cong gập tay áo, mưa lũ, sạt lở triền miên ra. Hẳn muôn người xứ Yên còn hằn trong ký ức năm tháng sinh tồn với miếng ăn qua ngày, còn rùng mình nhớ lúc vượt suối khe đi đào từng củ mài, củ sắn mót, và cả những ngày mưa rừng vừa đạp vừa dắt xe qua từng hẻm núi.

Bao thế hệ lãnh đạo tỉnh Yên Bái từng phải trăn trở lo toan vì một tỉnh cơ sở hạ tầng thấp kém, sản xuất thuần nông, núi rừng bạt ngàn mà đất sản xuất nhỏ hẹp, sản lượng nông lâm nghiệp quá thấp, còn công nghiệp thì cọc cạch, nhỏ lẻ. Ngay đến trụ sở làm việc, nhà ở cho cán bộ, công nhân viên hết sức thiếu thốn, tạm bợ, nhân lực quản lý và cán bộ kỹ thuật thiếu hụt...

Yên Bái đã cơ cấu chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm hơn 24%; tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm gần 29%; dịch vụ chiếm hơn 42%. Nông nghiệp gắn với nông thôn mới, tăng trưởng ổn định và đảm bảo nhu cầu lương thực, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến (tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 là 319.780 tấn - tăng trên 2,3 lần so với năm 1991). Yên Bái đã có 83 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có trên 20 sản phẩm đặc sản, hữu cơ đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao.

Không cam chịu đói nghèo, bắt đầu từ mảnh ruộng vạt nương, thay đổi tập quán canh tác, bố trí lại đất sản xuất, trồng ngô lai, lúa cao sản, chè giống mới, cách thức chăn nuôi, xây đời sống mới, bỏ tập tục cổ hủ, người dân xứ Yên từng bước thay đổi diện mạo cuộc sống.

Các thế hệ Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện, thậm chí mạnh dạn đột phá mở đường cho kinh tế - xã hội, đưa Yên Bái từ một tỉnh nghèo trở thành địa phương cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Dấu ấn đặc biệt nhất của Yên Bái phải kể đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn với những căn nhà hai tầng khang trang, đường bê tông rộng rãi trải dài khắp tỉnh, những mô hình kinh tế cho nhà nông có thu nhập cao hơn.

Tính đến hết tháng 7/2021, toàn tỉnh có 76 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. TP Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, và đặc biệt Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm.

Một ghi nhận, đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là lời khen ngợi dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xứ Yên vào dịp Tổng Bí thư đến thăm và phát động Tết trồng cây năm 2019: “Yên Bái giờ đã quá khác xưa, có tiềm năng và cơ đồ rất lớn”. Yên Bái hiểu rằng đó cũng là lời khích lệ, động viên và giao nhiệm vụ cho từng công dân tỉnh nhà trước tiềm năng cần được phát triển hơn nữa để sớm trở thành tỉnh khá khu vực miền núi phía Bắc.

Đến nay công nghiệp Yên Bái đã có bước phát triển khá, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế.

Đã có các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp công suất lớn, giá trị gia tăng cao, đáp ứng không chỉ nhu cầu trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Nếu như năm 1991 giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 17 tỷ đồng, thì nay con số này đã là 11.788 tỷ đồng (tăng 700 lần).

Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải - điểm đến du lịch xứ Yên.

"Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”

Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khơi dậy, phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để huy động vốn đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước đã lựa chọn Yên Bái là điểm đầu tư quan trọng, như: Vingroup, SunGroup, Hoa Sen, APEC, Bảo Lai... Năm 1992 thu ngân sách chỉ đạt 38.552 triệu đồng, thì nay đã đạt 3.592 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 40 triệu đồng.

Từ 53 doanh nghiệp với quy mô nhỏ năm 1992, nay toàn tỉnh có 2.404 doanh nghiệp, 502 hợp tác xã, 4.423 tổ hợp tác và hơn 22.000 hộ kinh doanh; 7 tháng đầu năm 2021 thành lập mới 192 doanh nghiệp, 57 hợp tác xã, 724 tổ hợp tác. Tại các khu vực đô thị như TP Yên Bái, Thị xã Nghĩa Lộ, Thị trấn Mậu A..., hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng hàng hóa, rất thuận lợi cho người tiêu dùng (bán lẻ đã đạt gần 19.000 tỷ đồng, tăng 182% so với năm 1991). Yên Bái chính là tỉnh mạnh dạn thực hiện khá hiệu quả các giải pháp chất lượng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ (giá trị năm 2020 đạt 210 triệu USD - gấp gần 39 lần so với năm 1992).

Yên Bái ngày nay đã tạo nên một điểm nhấn khởi sắc khác biệt và là điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch toàn quốc. Tỉnh đã có 4 vùng du lịch trọng điểm và xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch.

Huyện miền núi Mù Cang Chải đang trên lộ trình trở thành huyện du lịch vào năm 2025 với những triền ruộng bậc thang danh tiếng toàn cầu. Nay toàn tỉnh có 450 cơ sở lưu trú, trong đó có 240 khách sạn, nhà nghỉ, hơn 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay, tạo việc làm cho 7.500 lao động.

Toàn tỉnh đã đón hơn 3 triệu lượt khách, trong đó có 227 nghìn lượt khách quốc tế. Từng bước xây dựng thương hiệu du lịch "Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đi từ Hà Nội, bạn có thể dễ dàng lướt trên cao tốc 100 km/h để đến với xứ Yên nhanh chóng. Từ TP Yên Bái, trung tâm tỉnh lỵ đang phát triển lên đô thị thông minh, đã kết nối quanh vùng với hệ thống 7 cây cầu vượt sông Hồng.

Hiện Yên Bái đã đầu tư kiên cố hóa được hơn 3.800 km trên tổng số 7.600 km đường giao thông nông thôn. Hệ thống lưới điện được đầu tư mở rộng, đã có 100% số xã có điện lưới quốc gia, tổng số hộ dân dùng điện lưới quốc gia đạt trên 95%, đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân được nghe, xem phát thanh truyền hình toàn tỉnh đạt 99%...

Các cô gái xinh đẹp của tỉnh Yên Bái.

Nguồn nhân lực thay đổi diện mạo cuộc sống

Những năm đầu tái lập tỉnh, giáo dục và đào tạo Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn. Nhà trường thiếu thốn, tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng, đến nỗi nhiều nơi học sinh phải học ca ba, còn đời sống giáo viên thì cực khổ muôn cùng. Ngày ấy nói đến giáo dục và dân trí Yên Bái, nhiều người đã nghĩ đến những bản làng mù chữ...

Nay quy mô giáo dục của tỉnh đã phát triển mạnh.

Toàn tỉnh có 559 trường, 6.401 nhóm, lớp và hơn 171.000 cháu mầm non, học sinh, học viên (trong đó có 177 trường mầm non, 382 trường phổ thông, 9 trường chuyên nghiệp, 11 trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp).

Yên Bái là tỉnh đi đầu toàn quốc với giải pháp sáp nhập và xóa bỏ điểm trường lẻ, quyết tâm thay đổi giáo dục và dân trí. Hệ thống giáo dục từng bước hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, giáo viên được đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ; cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, chất lượng giáo dục được củng cố, chất lượng giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm.

Nhân lực lao động hiện có khoảng 53,2 vạn người; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 31,5%; trên 98.000 lao động được đào tạo nghề với trên 80% có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính, sự nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 73,6%, trong đó tiến sỹ, thạc sỹ chiếm khoảng 6%, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng là 51,5%.

Công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được coi trọng. Nếu như năm 1992, Yên Bái chỉ có Bệnh viện đa khoa tỉnh, một số trung tâm y tế huyện, 8 xã chỉ có cán bộ y tế, 10 xã chưa có cả cán bộ trạm y tế, đội ngũ y tế thiếu cả về lượng trình độ còn thiếu cả về số lượng, trình độ còn hạn chế, thì đến nay công tác y tế chăm sức khỏe nhân dân từng bước được hoàn thiện, hệ thống y tế tuyến tỉnh đến cơ sở đã được củng cố, hoàn thiện.

Đến nay hầu hết các cơ sở y tế được đầu tư xây dựng mới, trong đó nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên hạng I, thành lập và xây dựng mới các bệnh viện chuyên khoa: Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Sản Nhi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Toàn tỉnh có 75% phường, trấn đạt tiêu quốc gia y tế, đạt 32,9 giường bệnh và 10,1 bác sĩ/1 vạn dân, cao hơn bình quân chung cả nước, tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm tế 96,5%.

Xóa đói giảm nghèo Yên Bái đi những bước tiến ấn tượng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc), tỷ lệ làng, bản, tổ dân phố văn hóa năm 2020 đạt 66,5%, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 80%.

Nhân dân các dân tộc Yên Bái phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc - một kỳ tích trên chặng đường 30 năm xứ Yên...

Tỷ lệ tốt nghiệp trung học bình quân hàng năm trên 96%; tỷ lệ học sinh được phân luồng học nghề hàng năm trên 40%; tỷ lệ giáo viên chuẩn trở lên 98,9%. Năm 2016, Yên Bái đã phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 1 và phổ cập trung học cơ sở; phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì tốt. Tổ chức khuyến học đã phủ khắp 100% xã, phường, trấn, thôn, bản, tổ dân phố và nhiều cơ quan, đơn vị, dòng họ. Và đặc biệt Yên Bái đã có học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Hóa quốc tế, có 1 trường cao đẳng chất lượng cao của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ tích 30 năm chặng đường vượt khó xứ Yên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO