Bé Nguyễn Thiên Kim (13 tháng tuổi) bị thoát vị hoành trái lỗ lớn, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng và các tạng trong ổ bụng đều chui qua lỗ thoát vị hoành bên trái lên thành ngực chèn ép, làm xẹp phổi trái và đẩy tim lệch nghiêng sang phải đã được các y bác sĩ cứu sống.
Cuộc hội chẩn chuyên môn nhanh chóng, chính xác
Chiều ngày 28/7/2021, bé Nguyễn Thiên Kim được người nhà đưa vào nhập viện Sản Nhi Bắc Giang trong tình trạng nôn, ho và khó thở. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - mẹ cháu Thiên Kim cho biết: “Từ khoảng 11h, tôi thấy con quấy khóc không ngừng, dỗ mãi không nín mà cũng không chịu ăn uống gì cả. Có lẽ do khóc nhiều, con mệt nên sau đó con ngủ thiếp đi. Tới khoảng gần 13h thì con tỉnh, con lại khóc tiếp, khóc to không ngừng kèm nôn. Gia đình rất lo lắng và sợ rằng có thể con nuốt phải dị vật gì đó gây khó chịu nên mới kêu khóc không ngừng một cách bất thường như vậy nên đã đưa con nhập viện để được điều trị”.
Sau khi nhập viện Sản Nhi Bắc Giang, các bác sỹ Khoa Ngoại đã thăm khám lâm sàng thấy bụng trẻ không chướng, sờ mềm, thành ngực di động kém, mất RRPN phổi trái và mạch nhanh khó bắt; đồng thời chỉ định chụp X-quang cho trẻ. Tuy nhiên ngay sau đó, thấy trẻ có biểu hiện kích thích quấy khóc, tím môi ngọn chi, các y bác sỹ liền đưa bệnh nhi vào Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc để được cấp cứu kịp thời. Lúc này, đo độ bão hoà oxy trong máu của trẻ chỉ đạt 87%, các y bác sỹ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc liền tiến hành cho trẻ thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, thiết lập đường truyền, truyền dịch, duy trì an thần và theo dõi sát toàn trạng của trẻ.
Ngay khi có kết quả chụp X-quang, quan sát không thấy bóng hơi dạ dày ở dưới ổ bụng mà lại thấy bóng hơi dạ dày bất thường ở vị trí của phổi trái và đẩy lệch tim sang bên phải, nhận thấy đây là một trường hợp phức tạp cả về chẩn đoán và xử trí nên các bác sỹ Khoa Ngoại, Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức cùng Bác sĩ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện chủ trì hội chẩn và thống nhất chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp độ III, thoát vị hoành trái lỗ lớn tiên lượng rất nặng và chỉ định mổ cấp cứu vì tính mạng của bé Thiên Kim đang lâm vào nguy kịch. Nếu chậm trễ, nguy cơ tử vong rất cao, đồng thời, các bác sĩ chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để hồi sức tích cực trước, trong và sau mổ.
Cuộc đại phẫu “cân não” thành công
Với tiên lượng nặng như vậy, cuộc đại phẫu là thử thách rất lớn với ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Trà, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức cho biết: “Với trẻ bị thoát vị hoành lỗ lớn - một bệnh lý phức tạp như thế này thì việc gây mê hồi sức cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các bác sĩ phải kiểm soát sát sao huyết động, dịch truyền, nhất là việc đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm để đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, buồng tim, động mạch phổi và đặt Catheter động mạch đo huyết áp động mạch xâm lấn để theo dõi huyết áp liên tục và điều chỉnh lượng dịch thích hợp khi trẻ đang bị mất nước, sốc chèn ép tim. Dù chỉ là 1 sai sót nhỏ thôi sẽ khiến cuộc phẫu thuật không thành công”.
Không chỉ việc gây mê hồi sức cho bệnh nhi gặp nhiều khó khăn mà quá trình phẫu thuật cũng diễn ra căng thẳng. “Khi tiến hành phẫu thuật, mở đường dưới bờ sườn trái vào ổ bụng, chúng tôi phát hiện toàn bộ dạ dày, một số quai ruột bao gồm đại tràng ngang và lách đều chui qua lỗ thoát vị bên trái lên thành ngực chèn ép, làm xẹp phổi trái, đẩy tim lệch nghiêng sang phải. Đây là nguyên nhân khiến trẻ bị suy hô hấp rất nặng và cũng là nguy cơ gây xoắn cuống tim.
Tiếp đó, chúng tôi đã tiến hành đưa các tạng thoát vị trở lại ổ bụng, tạo vạt cơ hoành, khâu lại lỗ thoát vị ở cơ hoành và đặt ống dẫn lưu màng phổi”, bác sĩ CKI Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại, Bác sỹ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi thông tin thêm.
Kết quả sau 2 tiếng trong Phòng mổ, ca đại phẫu được thực hiện bởi các bác sĩ gồm: Bác sĩ CKI Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại, Bác sĩ CKI Phạm Đăng Bình, Phó Trưởng Khoa Ngoại và Bác sĩ Hoàng Văn Bình thực hiện mổ; Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Trà, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức phụ trách gây mê đã thành công giúp bệnh nhi thoát khỏi cơn nguy kịch. Sau phẫu thuật, bé Thiên Kim được chuyển về Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc để tiếp tục điều trị.
Tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, các y bác sỹ tiếp tục theo dõi sát toàn trạng của trẻ. Sau 2 ngày thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, truyền dịch nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, duy trì an thần, kháng sinh chống nhiễm trùng, giảm đau thì sang tới ngày thứ 3 trẻ tỉnh, được chuyển sang thở oxy mask và ăn qua sonde dạ dày. Cho tới thời điểm hiện tại (tức là 9 ngày sau cuộc phẫu thuật), sức khoẻ của trẻ ổn định và sẽ được xuất viện về nhà trong vòng 1-2 ngày tới.
Túc trực chăm sóc con gái trong suốt những ngày điều trị tại Bệnh viện, chị Nguyễn Thị Thu Hằng xúc động chia sẻ: “Khi được các bác sĩ thông báo rằng tình trạng của cháu tiên lượng rất xấu, có thể không qua khỏi mà vợ chồng tôi sợ hãi và thương con vô cùng vì con còn nhỏ quá đã phải trải qua cuộc đại phẫu. Ngồi ngoài phòng phẫu thuật, từng giây từng phút vợ chồng tôi đều cầu mong nhận được tin tốt lành về tình hình sức khoẻ của con gái. Cho tới khi bác sĩ bước ra khỏi Phòng phẫu thuật và thông báo rằng cuộc phẫu thuật đã thành công, con gái tôi đã qua khỏi cơn nguy kịch thì cả 2 vợ chồng đều vỡ oà sung sướng”.
Thoát vị hoành là bệnh lý tổn thương của cơ hoành khiến các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, gan, lách chui lên lồng ngực qua lỗ thoát vị. Ở trẻ nhỏ, thoát vị hoành có thể là bệnh lý bẩm sinh tức là khi sinh ra trẻ đã bị khiếm khuyết ở cơ hoành và có những biểu hiện của thoát vị hoành như suy hô hấp… Trường hợp thoát vị hoành không phải bệnh lý bẩm sinh tức là khi sinh ra cơ hoành của trẻ vẫn được hình thành nhưng do khiếm khuyết mạch máu nuôi dưỡng nên cơ hoành bị thiểu sản, mỏng như lớp màng (lớp màng này vẫn có khả năng ngăn cách giữa khoang ngực và khoang bụng).
Tuy nhiên trong quá trình phát triển của trẻ, cơ hoành không dày lên và mỗi khi trẻ gắng sức như ho hoặc khóc to thì áp lực giữa ổ bụng với lồng ngực lại thay đổi, lớp cơ hoành mỏng này bị rách khiến ruột và các tạng khác như dạ dày, lách chui lên lồng ngực từng chút một. Và qua mỗi lần trẻ hô hấp thì các tạng này lại càng chui lên lồng ngực qua lỗ thoát vị và bị mắc lại không xuống ổ bụng, dần dần khiến trẻ suy hô hấp rất nặng.
Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết: “Thoát vị hoành là bệnh hiếm gặp, phức tạp và cháu Thiên Kim là trường hợp thứ 2 bị thoát vị hoành được Bệnh viện tiếp nhận điều trị. Bệnh nhi từng được phẫu thuật trước đây là trẻ sơ sinh bị thoát vị hoành bẩm sinh nặng tới mức khiến thiểu sản phổi. Để chẩn đoán xác định đúng tình trạng bệnh lý và có hướng điều trị thích hợp cho trường hợp này không phải điều dễ dàng vì đây là bệnh rất ít gặp, nếu không có kinh nghiệm thì sẽ dẫn tới chẩn đoán sai, có thể chấn đoán nhầm thoát vị hoành với một số bệnh khác như tràn khí màng phổi hoặc kén khí phổi".