Từ trước tới nay, phẫu thuật chuyển ngón chân lên thay thế cho ngón cái của bàn tay được coi là một kỹ thuật khó. Mới đây một số bệnh nhân đã được phẫu thuật chuyển ngón chân thành ngón tay cái để phục hồi chức năng cho cả bàn tay. Đây là một trong những thành công ghi dấu sự phát triển của ngành vi phẫu Việt Nam ngang tầm thế giới.
Đối với những bệnh nhân không may mất đi một bộ phận của cơ thể do tai nạn, bẩm sinh,… thì kỹ thuật vi phẫu đã đem lại ánh sáng và niềm hy vọng mới vào cuộc sống mà trước giờ họ chưa từng nghĩ tới. Điển hình là trường hợp của một bệnh nhân nữ tại Vĩnh Phúc bị tai nạn lao động cướp đi 6 ngón tay từ lúc còn trẻ.
Bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ của bệnh nhân) ở huyện Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc chia sẻ rằng khi con gái gặp nạn, bà đã nghĩ là không còn hi vọng gì nữa. Thế nhưng cuộc sống của chị đã hoàn toàn thay đổi sau khi được phẫu thuật chuyển ngón tay cái lên thành ngón chân cái. Hiện tại, chị không chỉ cầm nắm bình thường mà còn có khả năng tự nấu nướng, may vá, chăm sóc được tổ ấm của mình.
Đó là một trong số các bệnh nhân đã trở lại cuộc sống bình dị thường ngày sau phẫu thuật chuyển ngón chân thành ngón tay cái do GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Việt Tiến- một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình trong nước hiện nay. Khi chuyển ngón chân lên thành ngón tay, bác sĩ sẽ kết hợp xương, dùng vi phẫu nối gân, mạch máu. Ngón tay sau khi phục hồi có đủ chức năng gập, duỗi và có cảm giác.
TS.BS Đào Văn Giang- Phó Trưởng Khoa tạo hình - hàm mặt - thẩm mỹ- BV Việt Đức cho biết, kỹ thuật vi phẫu là chuyển cả phức hợp một ngón chân (bao gồm da, gân, móng chân), sau đó dùng vi phẫu nối mạch máu thần kinh... để phục hồi ngón cái. Khi lấy ngón chân thay thế, các bác sĩ sẽ chọn ngón cái hoặc ngón trỏ ngay cạnh ngón cái, tùy thuộc vào sự tương đồng với ngón tay cái. Thông thường các bác sĩ lấy ngón chân giữa cạnh ngón cái vì có sự tương đồng, thẩm mỹ đẹp, chức năng của bàn chân không bị ảnh hưởng nhiều. Trong quá trình tiến hành chuyển ngón chân lên, các bác sĩ sẽ kết hợp xương, nối gân, mạch máu và nối thần kinh. Thời gian phẫu thuật thông thường mất khoảng từ 6 đến 8 tiếng. Kết quả là ngón cái sau khi phục hồi có đầy đủ chức năng gập, duỗi và có thể cảm giác.
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, mỗi năm tại Việt Nam trung bình có từ 160.000 - 170.000 người bị tai nạn lao động. Trong số đó, tỷ lệ người bị di chứng sau tai nạn (mất một phần bộ phận cơ thể) và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày và tâm lý của họ chiếm tỷ lệ khá cao. Thậm chí, trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng đến cả sinh mạng, tương lai và cuộc đời, số phận của một con người.
Chính vì vậy, kỹ thuật vi phẫu được thực hiện thành công không chỉ góp phần khôi phục chức năng của các bộ phận trên cơ thể mà còn đem lại ý nghĩa lớn lao đối với nhũng bệnh nhân không may mất đi một phần bộ phận của cơ thể. Theo GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Việt Tiến, về ý nghĩa xã hội, kỹ thuật vi phẫu không chỉ trả lại chức năng chi thể mà còn trả lại cho người bệnh một cuộc sống mới đầy ý nghĩa, điều mà họ không bao giờ dám hi vọng hay mơ tới sau khi gặp tai nạn. Bởi khi gặp tai nạn bất ngờ, nếu không được điều trị kịp thời hay đến không đúng nơi có thể thực hiện kỹ thuật vi phẫu thì chi thể đó có thể bị mất vận động và cảm giác, người bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình lao động và sinh hoạt hằng ngày.
Được biết, từ năm 1988 đến nay, GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Việt Tiến cùng đội ngũ y, bác sĩ của Viện Chấn thương Chỉnh hình- BV Trung ương Quân đội 108 đã kế thừa và xây dựng bệnh viện trở thành cái nôi của ngành vi phẫu Việt Nam. Đồng thời, ông cùng các đồng nghiệp còn tiến hành chuyển giao kỹ thuật vi phẫu đến một số bệnh viện, trung tâm y tế lớn trên cả nước, trong đó có cả các đồng nghiệp ở nước ngoài.
Có thể thấy, sự thành công của một trong những kỹ thuật vi phẫu khó nhất không chỉ giúp bệnh nhân được nối lại chi đứt lìa, trả lại bàn tay khỏe mạnh, giúp họ trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường, mà còn đưa ngành vi phẫu của Việt Nam phát triển ngang tầm với thế giới.