Ký ức rơm vàng

HỒNG VÂN 13/09/2023 07:12

Tôi lớn lên trong một xóm làng thuần nông của vùng đồng bằng Bắc bộ. Như bao gia đình khác, nhà tôi nghèo, lại đông anh em và mọi sinh hoạt chỉ trông vào đồng ruộng. Mà ruộng thì chủ yếu chỉ trồng lúa, một năm hai vụ chiêm, mùa.

Ảnh: Việt Khánh.

Khi tôi bắt đầu biết làm việc giúp đỡ gia đình thì đấy là những công việc liên quan đến rạ rơm thóc lúa… Ngày mùa, tôi và lũ trẻ trong xóm đi phơi rơm, phơi thóc, lúc ở sân kho, lúc trên đường đồng, lúc thì trên những chân ruộng vừa mới gặt xong. Công việc cũng khá vất vả nhưng vì đứa nào cũng như thế nên thấy quen. Phơi rơm là thỉnh thoảng dùng cây gậy chạc làm bằng tre, gẩy sao cho rơm đừng nằm bẹp xuống đất. Như thế nắng gió sẽ làm chúng nhanh khô hơn.

Xong công việc cả bọn lại cùng ngồi dưới bóng cây, nhờ gió lau đi những giọt mồ hôi trên mặt, đợi một lúc khi rơm se mặt thì lại ra gẩy tiếp. Nếu chẳng may gặp những trận mưa dài ngày, đám rơm sẽ bị thâm đen. Có lần, qua một đêm mưa, sáng ra đã thấy rất nhiều cây nấm có chiếc ô trắng mỏng manh xuất hiện. Mẹ tôi bảo, nấm rơm có thể ăn được, chúng rất ngon nhưng phải coi chừng, nếu chẳng may hái ăn phải cây nấm có độc thì nguy to.

Thời gian rảnh rỗi lúc ấy cũng chẳng có gì khác để chơi, ngoài rơm rạ. Chúng tôi học tết sợi rơm thành những bắp ngô, quả khế, con gà trống, gà mái xinh xắn, buộc thành một chùm để thi với nhau xem nhà ai “giàu” hơn. Nhiều ngô, khế, gà… thì sẽ được coi là giàu có. Những bắp ngô, quả khế, con gà của tôi mãi về sau mới đẹp vì lúc đầu chưa biết làm, chúng xộc xệch và nom xấu xí lắm. Từ hồi ấy tôi cũng đã biết đứa nào chăm chỉ (tết rơm) thì sẽ nhanh “giàu”.

Suốt mùa gặt, chúng tôi chỉ có rơm làm bạn, nên những trò chơi cũng quẩn quanh bên rơm rạ. Chiều nào trước khi về nhà tắm gội, chúng tôi cũng lấy xà phòng giặt cho vào cái vỏ của con trai trai rồi ngắt cuống rơm tươi để thổi bong bóng. Cả lũ thi nhau xem ai thổi được nhiều bóng to và đẹp nhất. Đám bong bóng mang đủ màu sắc sặc sỡ như cầu vồng bay bổng trong không trung rồi từ từ đáp xuống mặt ao sẽ đóng lại một ngày dài đầy trò nghịch ngợm nhưng vô cùng vui vẻ của chúng tôi.

Ngày ấy, ngoài việc phơi rơm rối ngoài đồng thì việc phơi rơm bó sóng cũng rất quan trọng. Khi gặt thửa ruộng lúa nếp duy nhất về nhà, chúng tôi sẽ để nguyên từng bó rơm, rũ thật sạch, buộc túm trên ngọn rồi dựng xòe gốc hoặc treo lên tường, lên cây cối quanh nhà.

Làm như vậy rơm sẽ khô mà không bị dập nát. Lúc đã khô, chúng được nâng niu cất gọn vào một nơi sạch sẽ, khô ráo. Rơm nếp có thể dùng được nhiều việc lắm, dùng tết chổi quét nhà, dùng bó mạ hoặc làm rơm lượm cho vụ gặt sau. Đặc biệt những bó rơm nếp phơi sạch sẽ có thể đốt lấy tro, để vào bát hương thờ cúng các cụ. Bởi thế nên ruộng lúa nếp sẽ được chọn một ngày nắng ráo để gặt, thóc nếp hay rơm nếp cũng cần phơi được nắng cho ngon gạo đẹp rơm.

Những khi lúa đồng đã bắt đầu xanh là lúc nhà nông rỗi việc, mọi người vào dịp “nông nhàn”. Đấy là khi những bó rơm nếp thơm phức đã được rũ sạch không còn một chút lá vông, chỉ còn trơ ra những thân lúa óng ả được mang ra dùng. Tôi lại có công việc mới là rút nõn rơm nếp để bố bện chổi quét nhà. Công việc này với tôi cũng không dễ dàng lắm vì nó có thể cứa đứt tay chảy máu như chơi. Những sợi rơm nếp có cuống dài, nhỏ nhưng săn chắc và vàng hơn rơm tẻ, chúng có mùi thơm rất dịu.

Có lần, khi cả nhà tíu tít làm chổi, tôi lấy lý do tay bị đau, mang những bó rơm sóng mượt đã phơi khô rải ra đất rồi nằm thử lên đó. Ôi chao, nó y như một cái giường có phép lạ, êm ái và thơm vô cùng. Âm thanh của những sợi rơm xào xạc bên tai cộng với hương thơm nhẹ nhàng khiến tôi ngủ lúc nào chẳng rõ, tỉnh dậy đã thấy mấy chiếc chổi vàng ươm đã được tết xong. Kể cũng lạ, tôi thấy cây lúa nếp nhà mình lúc nào cũng thơm và đẹp.

Bắt đầu từ khi còn là nhánh mạ non, rồi lúc lúa trổ đòng đến khi chín vàng, những ruộng lúa nếp luôn phảng phất mùi hương thơm ngát. Cả khi đã trở thành một nhánh rơm khô, cận kề đến sự tàn phai nó vẫn thơm. Mùi hương ấy được tạo nên từ nắng, gió, từ những hạt mưa và cả những giọt mồ hôi mặn chát của những người như bố mẹ, anh chị tôi.

Hồi bé tôi chưa từng có được một em búp bê nhựa nào nên vô cùng thèm muốn được bế trên tay một em bé xinh như thế. Nhìn chiếc chổi rơm tôi cứ nghĩ đấy là một em búp bê, nó cũng đáng yêu nhưng tôi không muốn so sánh với búp bê nhựa. Lũ búp bê đặc biệt của tôi luôn mặc một cái váy xòe, vàng óng thật sạch sẽ và rất giống nhau.

Chỗ góc bày đồ hàng, tôi để một cái cốc cắm những ngọn rơm vàng và tưởng tượng đấy là một bó hoa nhỏ, bên cạnh là cây chổi con bé tí giống như một em búp bê xinh xắn. Tôi bế em búp bê vàng ấy nằm trong ổ rơm và khoan khoái nghe cô bé nào đó hát rất dễ thương trong cái radio bé tí: “Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm/ Bà bện chổi to bà làm chổi nhỏ/ Chổi to bà quét sân kho, ấy còn chổi nhỏ là để dành bé chăm lo quét nhà”.

Sau khi tôi học thuộc được bài hát ấy, chị tôi cười khoái chí và nói rằng từ nay tôi đã là một em bé ngoan nên cần tập quét nhà hàng ngày bằng cây chổi bố mới tết xong.

Cây chổi mới đáng yêu và xinh đến nỗi tôi luôn sợ chúng lấm bẩn nên chỉ để quét trong nhà, còn ngoài sân thì đã có cây chổi khác có cán dài và tết từ những sợi giang tiết kiệm từ lúc chị tôi đan quạt. Mỗi lần quét xong tôi lại treo nó lên một chỗ đề phòng lũ chuột nhắt đêm hôm bò ra cắn hỏng. Lũ chuột làm tôi nhớ đến câu chuyện về một cô chổi rơm dũng cảm dám đánh lại chuột cống mà tôi đã được đọc trong sách giáo khoa.

Tôi tin những cây chổi của tôi cũng có cuộc sống, có tình cảm giống như mọi đồ vật trong câu chuyện ấy. Thỉnh thoảng tôi lại mất rất nhiều thời gian vào việc “bắt chấy” cho cây chổi vàng bằng cách tìm kiếm những hạt thóc còn sót lại trên sợi rơm và tưởng tượng đấy là những “quả trứng chấy” trên mái tóc vàng của em bé búp bê rơm.

Việc bện chổi rơm này chỉ được làm những khi nhàn rỗi, bố mẹ bày ra cho chúng tôi bớt đi chơi rông. Có lúc, chổi rơm bện được nhiều quá, mẹ tôi buộc lại thành chùm để treo lên gác bếp và dùng dần. Nhưng làm như thế rơm trên chổi sẽ bị giòn dễ gãy nên mẹ tôi đem ra chợ bán bớt. Cả chùm búp bê vàng đẹp đẽ mà chỉ đổi chỉ được một món tiền nhỏ khiến tôi tiếc lắm. Món tiền ấy mẹ để mua quà, mua dép hoặc thêm vào tiền mua sách bút, quần áo cho tôi khi năm học mới sắp đến.

Câu chuyện với rơm rạ quê mùa hay trở lại trong tôi mỗi khi ngang qua cánh đồng đang dần chật hẹp lại sau mỗi tháng ngày. Rơm rạ giờ đây cũng có đời sống khác chứ không giống ngày xưa nữa. Lâu thật lâu rồi trong nhà đã vắng bóng “cô chổi rơm” có chiếc váy vàng xinh xắn, nhưng quê tôi vẫn còn những người phụ nữ cần mẫn chăm chỉ tết chổi vàng, chắt chiu dành dụm những đồng tiền nhỏ. Mỗi lần gặp những sợi rơm vàng ấy tôi như thấy lại thời thơ ấu. Đâu đó thoảng qua mùi rơm thơm nồng nàn và tiếng xào xạc rất khẽ bên tai khi tôi ôm “em búp bê” và lăn mình trên chiếc giường rơm êm ái…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức rơm vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO