19h tối Chủ nhật ngày 7/11/1976, đội bóng Tổng cục Đường sắt thi đấu với đội Công nhân Cảng Sài Gòn. Sau nhiều năm, ước mơ về cuộc so tài giữa hai miền đã trở thành hiện thực. Đây được xem như cuộc hội ngộ của hai nền bóng đá Nam - Bắc sau ngày thống nhất.
Cuộc so tài lịch sử đầu tiên ấy, đến giờ vẫn là một kỷ niệm không thể nào quên với những chứng nhân được may mắn tham dự trận đấu đầy ý nghĩa ấy.
Trận đấu ngày 7/11/1976.
Háo hức vào Nam
Những ngày cuối tháng 10 năm 1976 đội Tổng Cục Đường sắt bất ngờ “nhận lệnh” đặc biệt: Vào Nam thi đấu.
Thời điểm đó, đội Tổng cục Đường sắt cực mạnh. Họ có trong đội hình những cầu thủ sau này trở thành huyền thoại như Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải và được dẫn dắt bởi HLV Trần Duy Long (người sau này từng huấn luyện ĐTQG). Khi đó, Trần Duy Long vừa là HLV vừa là cầu thủ.
Ông Mai Đức Chung giờ là HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, hồi ấy mới 25 tuổi, kể lại: “Chúng tôi đang có chuyến tập huấn một tháng ở Trung Quốc, nghe cấp trên giao nhiệm vụ vào Nam thi đấu giao hữu với Cảng Sài Gòn, ai cũng hạnh phúc trong trận đấu đầu tiên giữa bóng đá hai miền trên một đất nước thống nhất. Cả bọn cứ cuống quýt mong đến ngày bóng lăn”...
Cựu cầu thủ Lê Khắc Chính - người được biết đến với biệt danh Chính “cối”, bồi hồi kể: “Tôi và các đồng đội luôn sống trong trạng thái lâng lâng. Lúc đó người ta nói rằng Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông, trong tưởng tượng của chúng tôi thì nó rất đẹp. Bóng đá hai miền chưa biết thông tin gì về nhau nên cầu thủ cũng rất háo hức, luôn sôi sục trong người”.
“Đó là lần đầu tiên tôi đi máy bay và được đi máy bay. Tôi trông cái cánh cửa nó cứ đen đen, mấy anh em cứ nói đùa: Nó đen, nó vẫn bay được là được rồi, không có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cả. Và đúng thật, nó bay nhanh!”- ông Nguyễn Minh Điểm, cựu tiền đạo đội Tổng cục Đường sắt chia sẻ về một kỷ niệm vui trên chuyến bay vào Nam.
“Toàn đội ngồi trên chiếc máy bay của Nga, khi gần đến khu vực TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi cứ như những đứa trẻ lần đầu được đi xa thăm người thân vậy. Ai cũng thấp thỏm khi máy bay hạ độ cao và tranh nhau nhìn về phía cửa sổ vì nghe nói Sài Gòn đẹp lắm…”- cựu tiền vệ Lê Thụy Hải nhớ lại.
Trên chuyến bay quân sự mang số hiệu IL12, tâm trạng các thành viên đội bóng đầu tiên của miền Bắc vào Nam ngổn ngang khó tả, vừa háo hức vừa lo lắng. Sài Gòn với các cầu thủ miền Bắc nghe gần gũi như ruột thịt mà xa xôi quá sau bao nhiêu năm chiến tranh chia cắt hai miền
Trước trận cầu lịch sử, sân Cộng hòa được đổi tên thành Thống nhất. Đây cũng chính là nơi chứng kiến ước vọng nối liền cõi lòng người dân hai miền Nam - Bắc bằng những trận cầu giao hữu và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao khác.
Và, trận đấu của 41 năm trước, ý nghĩa của cuộc so tài lịch sử đó vượt qua khuôn khổ của sự kiện thể thao, để trở thành một biểu tượng lấp lánh cho tình đoàn kết trong ngày sum họp.
Trận đấu ấy, cũng đã tạo nên hình mẫu cho tinh thần thể thao cao thượng, sự học hỏi và đoàn kết lẫn nhau, để đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam sau này.
Cựu danh thủ Mai Đức Chung gặp lại đối thủ sau gần 40 năm.
Ký ức không thể nào quên
Cuộc chạm trán đầu tiên của bóng đá hai miền Nam - Bắc diễn ra hơn một năm sau ngày đất nước thống nhất trong sự háo hức, tò mò của người dân Sài Gòn.
Hôm ấy, ngày 7/11/1976, người Sài Gòn đổ xô về sân vận động Thống nhất, phải 19h trận đấu mới chính thức bắt đầu nhưng khán giả đã đông nghẹt ngay từ trưa, vượt quá sức chứa 3 vạn chỗ ngồi từ 1, 2 giờ chiều.
Xe chở đội Tổng cục Đường sắt không thể “bò” vào giữa đám đông ái mộ chen nhau xem mặt mũi các cầu thủ miền Bắc ra sao. Họ đành phải xuống xe đi bộ vào sân trong vòng người yêu bóng đá xúm xít và xuýt xoa khen cầu thủ miền Bắc sao mà thư sinh, trắng trẻo, ai cũng to cao quá.
Khi cầu thủ 2 đội dẫn tay nhau đi từ đường hầm lên, tiếng vỗ tay vang trời của khán giả, xen lẫn tiếng hát nhộn nhịp theo lời bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, khiến ai cũng xúc động.
“Cảm giác hạnh phúc chen lẫn niềm rưng rưng xúc động khiến chúng tôi lặng đi nghẹn ngào một hồi lâu. Đó là một trong những kỷ niệm mà có lẽ sau này cuộc đời chúng tôi, ngay cả bây giờ đã kết thúc sự nghiệp bóng đá để làm công tác huấn luyện, nhưng vẫn nhớ mãi mãi một trận đấu lần đầu tiên vào TP.Hồ Chí Minh thi đấu”- ông Mai Đức Chung xúc động nhớ lại.
Với trung vệ Lê Khắc Chính, khi anh mới bước qua tuổi 20, được so giày với các đối thủ hàng đầu bóng đá Việt Nam, chính là kỷ niệm sâu sắc nhắc trong cuộc đời của cựu danh thủ này.
Điều mà ông Chính ấn tượng nhất là sự cổ vũ cuồng nhiệt, vô tư của khán giả TP.Hồ Chí Minh, giúp cho các cầu thủ thi đấu dưới sân luôn trong tâm trạng phấn khích.
“Bất ngờ lớn nhất với chúng tôi khi đi từ đường hầm ra sân Thống Nhất là khán đài đều chật kín người, thậm chí tràn hết cả xuống đường piste. Nhưng phải thừa nhận là an ninh khi đó rất tốt.
Mặc dù ở ngoài sân rất nhiều người có vé nhưng không vào được”. Tất cả tò mò, vừa muốn xem hình dáng, vừa muốn xem lối chơi của các cầu thủ Đường sắt. Nhưng trên hết là niềm hân hoan, hạnh phúc khi được chứng kiến khoảnh khắc, trận đấu lịch sử thấm đượm tình đoàn kết dân tộc.
Không chỉ có các cầu thủ, mà cả CĐV khi đó cũng không thể quên. Ông Trần Hữu Nghĩa (Hội CĐV Việt Nam), năm đó mới 16 tuổi, nhớ lại: “Chúng tôi đến sân lúc 2h trưa, nhưng không còn đường nào đi vào nữa. Người hâm mộ ngồi kín cả sân, leo lên tường, leo lên cây… Ở phía ngoài hàng nghìn người không thể vào đành ngồi nghe qua sóng radio về trận đấu lịch sử”.
Với những ai may mắn được vào sân hôm đó, tất cả đã không phải thất vọng. Các cầu thủ của Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn đã thi đấu quyết tâm, cống hiến, với tất cả khả năng tốt nhất của mình.
Vì thế mà khán giả đã được chứng kiến một trận đấu đẹp, của hai phong cách bóng đá hoàn toàn khác nhau. Cảng Sài Gòn hồi ấy chơi bóng ngắn, kỹ thuật và rất hào hoa. Tổng cục Đường sắt ảnh hưởng lối chơi của các đội bóng Liên Xô, Tiệp Khắc (cũ), chủ yếu đá bóng dài và nhanh trên nền tảng thể lực dồi dào.
Cả hai chứng nhân Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải, thật đặc biệt khi họ đều là những người ghi bàn thắng trong trận cầu lịch sử ấy. Phút 28, Lê Thụy Hải có một đường chuyền sắc sảo cho Mai Đức Chung bật cao đánh đầu ghi bàn. Bàn thắng để đời thứ hai ở phút 54 của tác giả Lê Thụy Hải là một cú sút sấm sét từ gần giữa sân.
“Trận đấu kết thúc chẳng ai nói gì về kết quả thắng thua. Hạnh phúc hơn là đội Tổng cục Đường sắt được khán giả Sài Gòn đứng dậy vẫy chào như mừng người anh em đi xa trở về…”- ông Lê Thụy Hải xúc động kể lại.
Mong mỗi năm được gặp nhau một lần
Sau trận đấu lịch sử giữa đại diện 2 miền Nam Bắc ấy, các danh thủ Tổng cục Đường sắt như Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính... lại tay bắt mặt mừng, thi đấu giao lưu với các cầu thủ Cảng Sài Gòn như Tư Lê, Nguyễn Văn Ngôn, Dương Văn Thà, Lưu Kim Hoàng… tại festival bóng đá cựu cầu thủ 3 miền do Liên chi hội Cựu cầu thủ bóng đá Việt Nam tổ chức cách đây tròn 2 năm, cũng trên sân Thống nhất. Một trận đấu giao hữu thấm đẫm tình cảm đôi miền Nam Bắc, các cựu cầu thủ lại cùng nhau hàn huyên, nhớ về các đồng đội không còn nữa, nhớ những kỷ niệm đẹp một thời hào hùng.
Đến giờ, ký ức về trận cầu lịch sử 41 năm trước vẫn nguyên vẹn với những người trong cuộc, nhưng cuộc sống thường ngày, sự mưu sinh khiến họ không thể “ăn bám” quá khứ. Điều mà tất cả mong muốn lúc này, là hiện tại, là tương lai tốt đẹp phía trước.
“Các cầu thủ như chúng tôi giờ trên 60, có người trên 70, sống chết chẳng biết lúc nào. Nhiều người của trận cầu ấy đã không còn vì tuổi tác, vì bệnh tật. Giờ chỉ mong mỗi năm được gặp nhau một lần, nhìn nhau khỏe mạnh, đi được ra sân chứ không cần thi đấu, là hạnh phúc lắm rồi”- HLV Lê Thụy Hải tâm sự.
HLV Lê Khắc Chính, vào trận đấu hơn 40 năm trước khi mới bước qua tuổi 20, là trung vệ đội Tổng cục Đường sắt. Điều mà ông Chính ấn tượng nhất là sự cổ vũ cuồng nhiệt, vô tư của khán giả TP Hồ Chí Minh, giúp cho các cầu thủ thi đấu dưới sân luôn trong tâm trạng phấn khích. “Bất ngờ lớn nhất với chúng tôi khi đi từ đường hầm ra sân Thống Nhất là khán đài đều chật kín người, thậm chí tràn hết cả xuống đường piste. Nhưng phải thừa nhận là an ninh khi đó rất tốt. Mặc dù ở ngoài sân rất nhiều người có vé nhưng không vào được. Tất cả tò mò, vừa muốn xem hình dáng, vừa muốn xem lối chơi của các cầu thủ Đường sắt. Nhưng trên hết là niềm hân hoan, hạnh phúc khi được chứng kiến khoảnh khắc, trận đấu lịch sử thấm đượm tình đoàn kết dân tộc”- ông Chính nhớ lại. |