Ký ức xin giữ lại, tương lai dành cho người trẻ

PHẠM NGỌC HÀ 11/12/2022 08:09

PGS.TS Đỗ Doãn Đại - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 1969-1982, năm nay 97 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Nửa thế kỷ đã qua, điều khiến ông Đại vui  là quyền điều hành bệnh viện nay thuộc về những người trẻ 50 năm trước líu ríu theo bố mẹ tới tránh bom trong hầm bệnh viện, hay đi sơ tán ở ngoại thành…

Thời khắc khó quên

PSG.TS Đỗ Doãn Đại. Ảnh: Ngọc Hà.

Gợi nhắc về câu chuyện 50 năm trước, ông Đại kể: “Máy bay Mỹ ném bom xuống Bệnh viện Bạch Mai tổng cộng là 4 lần. Lần thứ nhất là tháng 11/1967, 1 bệnh nhân tử vong và 3 bác sĩ bị trọng thương. Riêng năm 1972, bệnh viện 3 lần hứng chịu cuồng phong từ không lực Mỹ. Trận bom sáng 26/7 khiến nhiều người bị thương, trưa 19/12 lại có 4 quả bom nữa rơi xuống khoa Da liễu, Tai - Mũi - Họng. Khói bụi chưa kịp tan đi thì đêm 21/12 B52 Mỹ bất chấp hậu quả, hủy diệt bệnh viện bằng loạt bom dội xuống trong ít phút đồng hồ”.

50 năm sau thời khắc kinh hoàng, ông Đại vẫn nhớ như in khoảng thời gian nửa đêm về sáng ngày 22/12/1972 khi Bệnh viện Bạch Mai hứng trọn hơn 100 quả bom của giặc lái Mỹ. Để bây giờ ngồi giữa căn phòng làm việc trên phố Yết Kiêu (Hà Nội), ký ức lại ùa về: “Rạng sáng 22/12, ngay khi dứt tiếng bom, tôi từ nhà riêng ở khu tập thể Kim Liên vội chạy tới bệnh viện thì chứng kiến phòng Hành chính, các khoa Dược, Tim, Huyết học, Tai - Mũi - Họng, Da liễu... tất cả đều đổ sụp, tan hoang trong đống gạch vụn. Lúc đó tôi gặp anh Sương phụ trách nhà bếp của bệnh viện, anh ấy hỏi tôi rằng: “Bây giờ làm gì?”. Tôi bảo dọn dẹp ngay, bếp phải đỏ lửa và nấu ngay mấy nồi cháo. Anh em trong kho còn bao nhiêu đường mang lên đây, nạn nhân phải ăn và chúng ta cũng phải ăn. Sau đó, tôi qua tổ điện yêu cầu cho máy nổ chạy đều và kéo điện đến những nơi cần thiết.

Những ký ức đau thương tôi xin giữ lại phần tôi, còn những điều tốt đẹp của tương lai tôi xin dành lại cho thế hệ trẻ.

PGS.TS Đỗ Doãn Đại

Chỉ đạo xong, tôi chạy đến tầng hầm ở khoa Da liễu, chứng kiến toàn bộ đã bị đổ sập, bên trong có rất nhiều người đang mắc kẹt. Tôi bò vào hầm thì nghe thấy những tiếng khóc thảm thiết vọng lên. Do miệng hầm nhỏ và thấp nên tôi phải bò lết như bộ đội luồn qua hàng rào thép gai, cố gắng bò đến chỗ chị Ninh - bác sĩ Da liễu bị mắc kẹt, tôi nói: “Chị cứ yên tâm, chúng tôi đang ở bên cạnh chị đây”. Càng bò sâu vào trong, tôi càng chứng kiến nhiều cảnh tang thương, nhiều thi thể nằm la liệt. Những tiếng kêu cứu cứ vọng ra từ bên trong, nhưng miệng hầm bị bịt kín nên tôi và những người cứu hộ khác không vào được. Chúng tôi chỉ còn biết ứa nước mắt khi nghe những tiếng kêu cứu cứ lịm đi và tắt dần...

Khoảng 10 giờ ngày 23/12, đoàn cán bộ của TP Hà Nội, khu Đống Đa và Bộ Xây dựng đã đến thăm hỏi Bệnh viện Bạch Mai và chi viện cho 2 đội cứu sập. Sau đó, các đơn vị cứu sập nhanh chóng sử dụng máy móc cẩu, cắt bê tông trong khu đường hầm của bệnh viện để tìm kiếm những người còn mắc kẹt. Cho đến 12h đêm 23/12, lực lượng cứu hộ vẫn kiên trì tìm kiếm những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát. Ở khu C, bom khoan sâu tận chân móng, lấp kín lối xuống tầng hầm. Sau hơn 10 giờ đào bới, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy Đinh Thị Thúy, sinh viên 16. Chị Thúy đêm đó cũng trực cùng anh chị em khác tại bệnh viện. Khi được đưa ra khỏi hầm, Thúy còn tỉnh, nhìn thấy tôi liên tục yếu ớt gọi: “Thầy Đại, thầy Đại”. Nhưng rồi khoảng 1 tiếng sau Thúy đã mất vì ở trong hầm quá lâu. Tiếc là hồi đó, y học của mình chưa tiến bộ như bây giờ, máy móc thiết bị chưa hiện đại, nên đã không cứu được Thúy.

Đến chiều 24/12, cấp trên yêu cầu tôi di chuyển toàn bộ bệnh nhân đi. Nhưng do số lượng bệnh nhân còn nhiều nên không thể di chuyển hết được. Vả lại, trong thâm tâm anh em hy sinh còn nằm đấy, tôi đi sao đành. Cuối cùng, tôi quyết định phải bằng mọi giá khắc phục khó khăn để ở lại bệnh viện tiếp tục chữa trị cho bệnh nhân và tiếp tục tìm kiếm thi thể anh em đã bị vùi lấp dưới gạch vụn. Sau rất nhiều nỗ lực, đến ngày 26/12, tôi cùng lực lượng cứu hộ mới tìm thấy hết được số người hy sinh và tử nạn là cán bộ công nhân bệnh viện; trong đó có 12 liệt sĩ, 18 cán bộ công nhân viên và sinh viên.

Ngày 26/12 cũng là ngày Mỹ dội bom xuống Khâm Thiên. Sáng 27/12, tôi quyết định một việc quan trọng trong đời: Để cho Đội cứu hộ ở bệnh viện rút sang Khâm Thiên. (Cũng thật may mắn là sau này khi bệnh viện được xây dựng lại, đào móng không thấy sót hài cốt của ai). Chỉ sau 5 ngày khắc phục hậu quả, ổn định lại tổ chức, cán bộ bệnh viện đã tiếp tục công tác cấp cứu nạn nhân bị thương nặng do bom Mỹ ném xuống Khâm Thiên và các khu vực khác ở Hà Nội trong những ngày cuối năm 1972”.

Cảnh đổ nát tại Bệnh viện Bạch Mai sau khi bị B52 Mỹ dội bom, 22/12/1972. Ảnh: Chu Chí Thành.

“Hồi sinh”

Dọn dẹp đống đổ nát của trận bom ác liệt, ngay sau đó, ông Đại cùng mọi người bắt tay xây dựng lại bệnh viện. Ông nhớ lại: “Năm 1973 Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, hòa bình lập lại ở Đông Dương, tôi cùng mọi người bắt tay vào xây dựng lại Bệnh viện Bạch Mai trên đống đổ nát. Chúng tôi chủ trương phát huy mạnh mẽ nội lực, đồng thời chú trọng việc hợp tác quốc tế. Bệnh viện Bạch Mai khi ấy đã nhận được sự giúp đỡ quốc tế của các nước như Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Italia, Liên Xô (cũ), các nước XHCN khác... Nhiều nước trên thế giới kể cả các nước tư bản cũng đều thấy việc Mỹ ném bom bệnh viện tới 4 lần là hành động dã man chưa từng có. Do đó sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với Việt Nam lớn lắm”.

Dạo đó tôi có nói với anh em rằng: “Bây giờ làm việc với quốc tế, khi nói về Bệnh viện Bạch Mai ngày ấy không khác gì chúng ta kể một câu chuyện thần kỳ. Bệnh viện bị tàn phá nặng nề, hầu như cơ sở vật chất không còn gì hết”.

Chiêm nghiệm lại những khoảng thời gian đã qua, vị bác sĩ già hướng ánh nhìn xa xa ra phía ngoài cửa sổ, ông chia sẻ: “Nửa thế kỷ đã trôi qua tôi lưu giữ vùng ký ức đau buồn. Tới nay, niềm an ủi lớn của tôi là Bệnh viện Bạch Mai đã được xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và nhất là các bác sĩ giỏi hơn, như lời tôi từng thay mặt người sống, hứa trước vong linh những người nằm xuống trong ngày đau buồn đó. Lớp cán bộ của bệnh viện năm 1972, nay người còn, người mất. Điều hành bệnh viện nay thuộc về những đứa trẻ 50 năm trước líu ríu theo bố mẹ tới tránh bom trong hầm bệnh viện, hay đi sơ tán ở ngoại thành... Những ký ức đau thương tôi xin giữ lại phần tôi, còn những điều tốt đẹp của tương lai tôi xin dành lại cho thế hệ trẻ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức xin giữ lại, tương lai dành cho người trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO