Với hành trình “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm...”, quanh năm mờ ảo trong sương, Pha Luông (Mộc Châu, Sơn La) giờ đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách.
Đường vào bản Pa Phách.
Chúng tôi đến Mộc Châu vào thời điểm miền thảo nguyên bừng sáng bởi sắc trắng hoa cải. Hoa cải phủ đầy các sườn đồi, các khu vườn nhà dân tạo nên những cánh đồng ngút ngàn tầm mắt.
Nếu hoa cải vàng cho cảm giác rộn ràng, rằng mùa xuân đã tới thật gần thì giữa miên man hoa cải trắng mang lại cho Mộc Châu một vẻ đẹp mộc mạc, đậm chất thảo nguyên. Và mùa này, Mộc Châu không chỉ mê hoặc du khách bởi những cánh đồng hoa cải trắng.
Chúng tôi tìm về con đường Tây tiến vang danh một thời nay vẫn còn đó, đỉnh Pha Luông sừng sững - nóc nhà của Mộc Châu với độ cao gần 2.000 mét được nhắc đến như một huyền thoại với những cuộc hành quân đầy gian nan trong chiến tranh. Vài năm trở lại đây, hành trình này trở thành niềm ao ước của bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới Mộc Châu.
Hùng vĩ Pha Luông.
Pha Luông cách Mộc Châu chừng 30 km, nằm giữa biên giới hai quốc gia Việt Nam và Lào. Để tới chân núi Pha Luông, du khách có thể đi hướng từ cửa khẩu Loóng Sập, bản Pha Luông sau khi xin giấy phép từ đồn biên phòng và thuê người dẫn đường. Hướng đi này hoàn toàn là một cuộc băng rừng rậm Xuân Nha, vượt qua những dốc cao nguy hiểm và không dành cho những người thiếu kiên nhẫn.
Cung đường leo Pha Luông rất thú vị, chúng tôi trải qua những sự thay đổi cảnh sắc, thiên nhiên suốt đường đi. Có thể chứng kiến được sự đỏng đảnh của thời tiết bởi trời đang nắng trong xanh, bỗng mây kéo tới giăng mùng mờ mịt. Có đoạn chúng tôi phải cúi rạp người, có đoạn đi giữa những hàng trúc đan xen nhau như tạo thành một vòm cổng lãng mạn.
Rồi chúng tôi bắt gặp những cây lá phong cao vút, những con đường trải đầy lá vàng rơi hay những phiến đá to sững sững ven đường. Những loài hoa dại nở rực rỡ và thi thoảng chúng tôi reo lên mừng rỡ khi bắt ngặp những bông đào phai nở sớm. May mắn được ngày trời lạnh có nắng, nên được chiêm ngưỡng biển mây đẹp đến say lòng.
Khác với đường leo các đỉnh núi khác như Fansipan, Tà Chì Nhù, Pu Si Lung là có đoạn leo cao có đoạn tụt dốc để phục hồi sức lực, Pha Luông hầu như chỉ có dốc. Sau hơn 3 giờ đồng hồ trekking trong rừng, chúng tôi thấm mệt nhưng khi lên tới đỉnh ngắm khung cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Ngửa mặt lên trời hay quay mặt sang bốn bề chỉ có mây và mây.
Và càng ngạc nhiên hơn khi trong biển mây ấy hiện ra bản Hin Pén. Những ngôi nhà vách gỗ, mái lợp tranh ẩn hiện trong sương mù. Đây là bản cao nhất trên đỉnh Pha Luông, nơi có đồng bào Mông sinh sống. Cuộc sống của họ thật đơn sơ, tất cả vẫn tự cung, tự cấp.
Từ cách bảo quản thức ăn bằng cách ướp thịt với muối trong chum, ướp muối vào thịt rồi gác bếp hay tự cất rượu uống. Được ung dung bên chén rượu và món thịt gác bếp đậm đà do chính tay người Mông chế biến mới cảm nhận được hương vị của cả núi rừng bao la khi mùa xuân đang tới.
Một nhóm bạn trẻ chinh phục đỉnh Pha Luông.
Trên đỉnh Pha Luông còn có một khu đất bằng phẳng rộng gần 10 ha rất thích hợp cho những môn thể thao như đi ngựa, đi bộ hoặc leo núi.
Cùng với gió ngàn, biển mây, đỉnh Pha Luông còn là chốn hò hẹn, vui chơi rộn rã của những đôi trai gái người Mông. Chúng tôi bắt gặp nhiều cặp đôi người Mông lên đây vui chơi.
Họ diện những bộ váy áo rực rỡ, hát dân ca với tiết tấu vui nhộn. Hẻm vực núi này, cũng có nhiều câu chuyện kể về những chàng trai cô gái yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm nên gieo mình xuống vực.
Những câu chuyện kỳ bí về đêm trên đỉnh Pha Luông khiến những ai có ý định qua đêm nơi đây chùn bước... Trên đỉnh núi còn có một hòn đá lớn với vết khắc hình con rồng độc đáo mà không biết có tự bao giờ. Đáng buồn là trên phiến đá ấy, chúng tôi cũng bắt gặp những dấu tích thiếu văn minh của một số du khách thích khoe chiến tích khi tới đây.
Pha Luông cách nước bạn Lào không bao xa. Muốn tiếp nối cuộc hành trình, có thể khám phá nước bạn Lào qua cửa khẩu Lóng Sập. Đây là cửa khẩu quốc tế, nhưng không khí ở đây vẫn mang nét đặc trưng của miền sơn cước.
Không có cảnh nhộn nhịp người, xe qua lại, hàng hóa tấp nập, chỉ thấy những anh lính biên phòng đổi gác, tuần tra, cần mẫn xuyên rừng lội suối, và hình ảnh ấy cũng sẽ ấn tượng trong hành trình khám phá của mỗi du khách.
Nằm cạnh mốc biên giới 268 Việt - Lào, Pha Luông lại càng thêm phần thiêng liêng khi là cột mốc tự nhiên nơi biên cương, khẳng định chủ quyền đất nước.
Với địa hình độc đáo, Pha Luông như một khối đá khổng lồ với hàng trăm nghìn phiến đá chồng lên nhau. Từ sâu trong dãy núi, đỉnh Pha Luông bỗng chồm hẳn ra ngoài đầy kiêu hãnh. Đứng ở mỏm đá này ngắm quê hương đất nước, trái tim chúng tôi trào dâng niềm tự hào.
So với các đỉnh núi khác vùng Tây Bắc, Pha Luông mang một vẻ đẹp khác biệt, rất hùng vĩ, được các phượt thủ ví là đỉnh núi huyền thoại.
Chinh phục Pha Luông để cảm nhận sâu sắc hơn một Pha Luông trong “Tây Tiến” của nhà thơ tài hoa Quang Dũng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi...”.
Tới chân núi Pha Luông có hai đường. Một là đường từ hướng rừng Xuân Nha, điểm đầu cách thị trấn Mộc Châu chừng 40km và hành trình leo núi có phần sang đất bạn Lào. Hiện đường này đã bị cấm hoàn toàn. Đường thứ hai là hướng từ cửa khẩu Lóng Sập, bản Pha Luông, đây là hướng mà những người dân bản địa vẫn thường đi. Đường thứ hai ngắn hơn, nhưng dốc và hoàn toàn đi trong rừng rậm Xuân Nha. Hoàn toàn có thể lên và xuống đỉnh Pha Luông trong vòng 1 ngày. Hiện tại vẫn chưa được phép qua đêm trên đỉnh Pha Luông vì tình hình an ninh phức tạp. |