Kinh tế

Kỳ vọng bứt phá xuất khẩu tôm

Khanh Lê 30/11/2024 10:56

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tháng 10/2024 đạt 91 triệu USD, tăng 44%. Tính lũy kế tới tháng 10/2024, XK tôm sang thị trường này đạt 676 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ.

anh tin
Xuất khẩu tôm kì vọng sẽ bứt phá cuối năm 2024 và quý I/2025. Ảnh: Xuân Thảo.

Theo dự báo, sản xuất tôm toàn cầu sẽ tăng trở lại cuối năm 2024, năm 2025 duy trì ổn định. Đặc biệt, vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia bao gồm: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Trong số các nước cùng bị điều tra, mức thuế của Việt Nam thấp hơn mức thuế dành cho Ấn Độ và Ecuador.

Như vậy, với việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp cao hơn đối với sản phẩm tôm từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia vào cuối tháng 12/2024, ngành tôm Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng được lợi thế này trong thời gian tới.

Bà Kim Thu - chuyên gia ngành tôm của VASEP nhận định, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ top 3 nguồn cung chính đều giảm, điều này làm tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tâm lý thị trường và tình hình kinh tế lạc quan hơn, tồn kho giảm, tình trạng cung vượt cầu đã được cân bằng trở lại nên nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ dự kiến sẽ cao hơn, giá tôm trên thị trường này cũng được cải thiện và có chiều hướng tăng.

Cùng với đó, mùa lễ hội cuối năm vẫn sẽ là cơ hội để xuất khẩu tôm nước ta bùng nổ. Việc khai thác tốt dư địa từ các thị trường bằng nhiều sản phẩm chế biến sâu sẽ giúp ngành hàng tỷ đô này tiếp tục tăng trưởng và đóng góp tích cực vào mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD của ngành thủy sản.

Bên cạnh các cơ hội trên, việc Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) cũng sẽ mở ra con đường lớn cho tôm Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - châu Phi.

Để đạt được mục tiêu cuối năm 2024 cũng như năm tiếp theo cho ngành tôm, theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng bứt phá xuất khẩu tôm