Bộ GDĐT mới đây đã có công văn gửi các sở GDĐT hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình đối với cơ sở GDPT, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh (HS) nghỉ học ở trường vì dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, Bộ hướng dẫn cụ thể về các hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình với các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bài học và học liệu, cách thức tổ chức dạy và học cũng như việc đánh giá kết quả học tập.
Nhằm phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến của giáo viên (GV) và HS, Cục Công nghệ thông tin (CNTT- Bộ GDĐT) cũng đã cung cấp kho dữ liệu với hơn 5.000 bài giảng điện tử thuộc các chủ đề, môn học của các lớp học từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT với nội dung phong phú. Kho bài giảng e-learning được thiết kế hướng tới đối tượng người dùng là HS các cấp học, GV, cán bộ quản lý, phụ huynh HS và toàn xã hội. Đây là những bài giảng đã đoạt giải từ các cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-learning qua các năm do Bộ GDĐT tổ chức, là nguồn học liệu phong phú, đặc biệt có ý nghĩa với GV, HS trong thời điểm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Theo Cục CNTT - Bộ GDĐT, Ban Quản trị hệ thống đã lựa chọn những bài giảng chất lượng tốt nhất của GV trong cả nước thông qua các cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-learning được tổ chức hằng năm.
Thời điểm hiện tại, ngoài việc dạy học qua truyền hình, nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đã chính thức tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh, nhất là khối THPT. Nhiều công cụ hỗ trợ dạy trực tuyến cũng đã được phát huy tối đa. Mới đây nhất hai đơn vị là Bộ TT&TT và Bộ GDĐT đã ký cam kết đồng hành hỗ trợ cho các nhà trường dạy học từ xa qua internet và truyền hình khi HS phải nghỉ phòng dịch Covid-19. Các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành TT&TT chính thức cam kết hỗ trợ ngành GDĐT như phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GDĐT thẩm định lên truyền hình, miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho HS, SV và GV liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GDĐT…
Nhiều hỗ trợ về mặt kỹ thuật là vậy, nhưng với các GV, không cứ gì ở nông thôn mà ngay ở thành phố cũng vậy, nếu trước đó khái niệm dạy trực tuyến vẫn còn xa lạ thì với họ những ngày này thực sự là vất vả. Các cô giáo tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: Lúc nào cũng kè kè hoặc là điện thoai, hoặc là máy tính bên mình. Khi các con học qua truyền hình, GV cũng phải ngồi trước màn hình để theo dõi bài giảng, sau đó phải chụp lại phần bài tập hoặc yêu cầu sau bài học gửi vào zalo cho các phụ huynh đề nhắc nhở con. Thời gian còn lại trong ngày, các GV chấm bài học mà phụ huynh gửi lại qua zalo để cô biết được các con có hiểu bài hay không…
Còn các cô giáo ở khu vực nông thôn cho hay, nếu không có dịch Covid-19 thì có lẽ chả bao giờ học biết tới hình thức dạy học trực tuyến. Vì lẽ đó các thầy cô phải tự học, tự mày mò, nhiều khi còn không biết tính năng cơ bản của phần mềm nên quá trình triển khai dạy còn nhiều lúng túng. Ấy là chưa kể, trước mỗi buổi học từ xa, các thày cô lại phải điện thoại tới từng phụ huynh giục giã, nhắc nhở bố mẹ lưu ý đến lịch học của các con.
Việc dạy và học trên truyền hình ở một số địa phương, theo phản ánh của GV cũng còn nhiều vấn đề. Đó là việc chọn GV tham gia dạy chương trình chưa kỹ, làm ồ ạt cho có phong trào. Đơn cử như trong tiết học trên truyền hình, thầy dạy toán còn đọc góc “lội” tiếp, cô dạy văn thì đọc truyện thơ “lôm”. Bài giảng trên truyền hình theo các truyền thụ một chiều, nhưng phương pháp lại chưa phù hợp. Hình ảnh trường quay đôi khi rất luộm thuộm, chất lượng bài giảng dường như vẫn chưa được kiểm soát trước khi được phát sóng…
Những tồn tại ấy, giá khắc phục được sớm mới mong hiệu quả bải giảng trực tuyến hoặc trên truyền hình đạt hiệu quả như mong đợi.