Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội, năm 2023 đánh dấu sự trở lại các hàng loạt các lễ hội trên khắp cả nước.
Sẵn sàng cho ngày khai hội
Được xếp là một trong những lễ hội lớn nhất của miền Bắc, mới đây UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã thông qua kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội Chùa Hương 2023; với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn, văn minh thân thiện”, sẽ diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 23/1 đến hết ngày 23/4 (từ ngày mồng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4/3 năm Quý Mão). Ngày khai hội là ngày 27/1 (mồng 6 tháng Giêng).
Ban tổ chức lễ hội đã thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé thắng cảnh, 1 tổ liên ngành. Điểm nổi bật của Lễ hội Chùa Hương năm 2023 là đổi mới hình thức bán vé tham quan, lễ hội từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé đảm bảo phù hợp. Bỏ bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội. Năm nay Công ty cổ phần chùa Hương xanh xây dựng tuyến và đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về Chùa Hương được thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn.
UBND huyện cũng đã yêu cầu xã Hương Sơn rà soát các cửa hàng kinh doanh, khách sạn, bãi đỗ xe đảm bảo tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối về phòng chống cháy nổ. Chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… “Theo lộ trình đến năm 2025, lễ hội chùa Hương phải đổi mới hoàn toàn nhằm đáp ứng được nhu cầu du lịch, thưởng ngoạn của du khách trong nước và quốc tế” - ông Cảnh nói.
Tại không gian lễ hội, Ban tổ chức cắt đặt các bộ phận hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đảm bảo thuận tiện, quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh dịch vụ, không đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội.
Không chỉ chùa Hương, nhiều địa điểm di tích, lễ hội cũng đang rốt ráo chuẩn bị cho công tác tổ chức. Một trong những “điểm nóng” luôn thu hút sự quan tâm là Lễ hội Đền Sóc với những hình ảnh chen lấn, cướp lộc phản cảm năm nay cũng đã có nhiều thay đổi về cách thức tổ chức. Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Đền Sóc Đàm Thận Thắng cho biết, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã quán triệt tinh thần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tham gia lễ hội, tránh tình trạng chen chúc nhau. Năm nay, các trò chơi dân gian, quầy hàng trưng bày nông phẩm sẽ trở lại. Với tinh thần khẩn trương, chủ động của ban tổ chức sẽ cố gắng hạn chế những bất cập đề có mùa lễ hội trọn vẹn, thành công, không để xảy ra rủi ro đáng tiếc.
Cũng theo thông tin từ ban tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, đến nay kế hoạch tổ chức cũng đã được hoàn tất. Điểm nhấn của lễ hội là Lễ tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc lâm Huyền Quang Tôn giả (1334-2023). Bên cạnh nghi lễ truyền thống, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc còn có nhiều chương trình đặc sắc hứa hẹn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Mới đây, UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) cũng tổ chức tập huấn cho hơn 50 chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia chế biến, sản xuất, kinh doanh tại các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uốngtại khu vực diễn ra lễ hội Yên Tử 2023 và trên địa bàn xã Thượng Yên Công. Bên cạnh đó, UBND TP Uông Bí cũng đã thông qua kế hoạch tổ chức lễ khai hội, đón khách thăm quan Yên Tử 2023…
Đảm bảo một mùa lễ hội an toàn
Cùng với sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cũng đã có văn bản gửi các đơn vị quản lý văn hóa các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đề nghị ngành văn hóa các địa phương chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định…. Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, với mùa lễ hội 2023, Bộ VHTTDL khuyến khích các địa phương tổ chức theo hướng thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
“Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát hiện xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm” - bà Hương nói.
Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) Đặng Văn Cảnh cho biết, Lễ hội Chùa Hương năm 2023 sẽ có nhiều đổi mới để đáp ứng được nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách. Trong đó chú trọng đến công tác quảng bá hình ảnh Chùa Hương thân thiện, mến khách. Người tham gia phục vụ du khách phải văn minh, lịch thiệp. Công tác an ninh trật tự, vận chuyển du khách trên dòng Suối Yến phải được quan tâm. Kiên quyết xử lý các hàng quán kinh doanh không chấp hành quy định của ban tổ chức lễ hội, trên các tuyến đường phải đảm bảo thông thoáng, an toàn, xanh sạch, đẹp.