Văn hóa

Kỳ vọng một mùa lễ hội an vui

Minh Quân 23/12/2023 07:52

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý lễ hội của địa phương trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan.

anhcover.jpg
Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: Quang Vinh.

Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng kế hoạch, chủ động chuẩn bị các điều kiện để phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán; niêm yết công khai giá dịch vụ; triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.

anh-1-bai-tren.jpg
Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: Quang Vinh.

Sẵn sàng cho ngày khai hội

Tết đến Xuân về cũng là dịp nhiều lễ hội trong nước được tổ chức thu hút hàng vạn du khách thập phương đến tham gia. Nhằm hướng tới một mùa lễ hội an vui, lành mạnh, thời gian qua nhiều địa phương cũng chính thức “khởi động” khi ban hành các kế hoạch trong công tác tổ chức.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương; đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền giữ gìn an ninh trật tự - an toàn xã hội, giao thông đi lại thuận tiện, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường tại lễ hội cần được duy trì suốt 3 tháng hội. Chủ hộ kinh doanh cần phải được tập huấn, hướng dẫn các nội dung quy định, cũng như công khai giá, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có thu để tránh trường hợp chèo kéo khách, giá cả phải minh bạch. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cần nghiên cứu, tính toán để có điểm nhấn về hoạt động văn hóa nghệ thuật tạo sản phẩm công nghiệp văn hóa; nghiên cứu sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng cho Lễ hội chùa Hương 2024.

Hướng tới mùa lễ hội đền Trần 2024, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức sự kiện ở quy mô cấp tỉnh. Theo đó, phần lễ hội sẽ bao gồm nhiều nghi lễ truyền thống, như: Lễ tế mở cửa đền; lễ dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần; lễ rước nước... Hoạt động phần hội gồm: Thi têm trầu cánh phượng; thi pháo đất; giao lưu các câu lạc bộ chèo; thi cỗ cá; liên hoan hát văn; thi gói bánh chưng; thi viết thư pháp... Ngoài ra, ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động giao lưu các câu lạc bộ bóng chuyền nam; thi vật cầu; thi kéo co và tổ chức giải cờ tướng (cờ biển).

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế sẽ được tổ chức trong 3 ngày (từ 15/3 - 17/3/2024). Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch như: Lễ tế, Lễ dâng hương, Lễ phóng ngư - thả điểu; Triển làm, trưng bày sinh vật cảnh; Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2024; Giải chọi dê; Các giải thể thao như bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co... Các trò chơi dân gian; Hội diễn văn nghệ quần chúng; Hội trại Thanh niên; Hội chợ thương mại du lịch; khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đình Hả và dâng hương tại đền thờ Lương Văn Nắm; công trình Đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế; Đình Ba tầng mái...

Được xem là “điểm nóng” của mùa lễ hội đầu năm, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã tiến hành kiểm tra một số lễ hội có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các lễ hội gắn với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và lễ hội có tính ảnh hưởng vùng như Lễ hội Phật Tích, hội Lim, lễ hội đền Bà Chúa Kho, lễ hội đền Đô... kịp thời chấn chỉnh, xử lý, nhắc nhở những hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh môi trường, thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi qui định.

anhthaybaichinh.jpg
Lễ hội đua bò ở An Giang. Ảnh: Quang Vinh.

Tháo gỡ những bất cập

Công tác tổ chức lễ hội trong những năm qua đã dần đi vào nề nếp, với nhiều cách làm mới trong công tác tổ chức. Đặc biệt, việc Bộ VHTTDL đã ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” được xem là “bước ngoặt” quan trọng để Ban tổ chức lễ hội các địa phương áp dụng thống nhất các giải pháp trong tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm xây dựng môi trường văn hóa lễ hội. Bên cạnh đó, cố gắng chuẩn hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, là thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương.

Tuy nhiên, giữa các quy định và việc áp dụng vào thực tế vẫn là một hành trình dài khi những bất cập cố hữu như tình trạng ùn tắc, chặt chém, biến tướng trong các hoạt động văn hóa tâm linh vẫn luôn rình rập… gây ảnh hưởng xấu đến các giá trị truyền thống của lễ hội.

Một số địa phương vẫn tổ chức lễ hội rườm rà, tốn kém, phô trương hình thức kém hiệu quả, chưa có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo nhân dân. Việc tổ chức lễ hội chưa kết hợp được với các hoạt động thương mại - du lịch, chưa tổ chức được các dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch hoặc có tổ chức nhưng còn đơn giản, không hấp dẫn du khách. Không những vậy việc cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu lượng khách ngày càng tăng nhất là những ngày hội chính, gây áp lực nơi tổ chức lễ hội, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra không đảm bảo an ninh trật tự.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài, những hành vi tiêu cực trong lễ hội về bản chất, đều do người tham gia chưa hiểu biết thấu đáo bản chất văn hóa của lễ hội. Chính vì vậy, cốt lõi là làm tốt công tác tuyên truyền, để công chúng hiểu được những thông điệp văn hóa mà người xưa muốn truyền lại qua lễ hội. Các chương trình tuyên truyền cũng cần tổ chức thường xuyên, hiệu quả, với sự phối hợp của nhiều cơ quan và các bộ ngành, chứ không chỉ rầm rộ vào dịp đầu Xuân. Cùng với đó là các biện pháp quản lý phù hợp, linh hoạt theo sự biến đổi của thực tế đời sống.

TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng còn một xu hướng khác là lễ hội được mở rộng về không gian và thời gian. Có những lễ hội không còn là hội làng mà mở rộng thành lễ hội vùng, liên vùng. Về mặt thời gian, có lễ hội kéo dài đến cả tháng. Điển hình như lễ hội chùa Thầy ở huyện Quốc Oai. Hiện lễ hội này được tổ chức trong suốt tháng 3 âm lịch. Xưa kia, mục đích của người dân đến dự các lễ hội truyền thống là nhằm cầu mong “người yên vật thịnh” với niềm tin về “cái thiêng”. Ông Sơn cũng cho rằng, sự biến đổi của lễ hội là bình thường do đó cần có giải pháp để quản lý hiệu quả. Bên cạnh công tác tổ chức phải đề cao yếu tố cộng đồng thì cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa ở các lễ hội theo một số nguyên tắc cơ bản như: Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản lễ hội theo hướng phát triển bền vững; bảo vệ tính đặc sắc, đa dạng của các thành tố văn hóa của lễ hội, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật ẩm thực, các trò chơi...

anh-theo-box-bai-tren.jpg

Theo GS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, việc áp dụng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống có thể mang lại hiệu quả tích cực và giúp tạo ra môi trường lễ hội lành mạnh hơn; cung cấp các nguyên tắc cơ bản để xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, việc thực thi và giám sát việc tuân thủ bộ tiêu chí là rất quan trọng, không kém phần xây dựng chính bộ tiêu chí này. Chỉ khi cả hai khía cạnh này hoạt động một cách thống nhất, hài hòa, chúng ta mới có thể thực sự đạt được môi trường lễ hội lành mạnh và phát huy những giá trị văn hóa, lan tỏa thông điệp tích cực của lễ hội đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng một mùa lễ hội an vui