Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đang nhận hồ sơ đăng ký sơ bộ Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số make in Viet Nam” năm 2022. Qua 3 năm tổ chức, với các tiêu chí xuyên suốt là sản phẩm công nghệ thông tin sáng tạo tại Việt Nam, có tính ứng dụng cao, giải được các “bài toán” về công nghệ của Việt Nam, giải thưởng đã nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Đại - đồng sáng lập kiêm giám đốc vận hành Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Azota (giải Vàng sản phẩm thu hẹp khoảng cách số năm 2021) cho biết: Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu khiến cho các trường học liên tục phải đóng cửa vào giữa năm 2021, đội ngũ sáng lập của Azota quyết tâm xây dựng một sản phẩm có khả năng đổi mới phương pháp giảng dạy truyền thống của giáo viên Việt Nam và giúp họ thích ứng với môi trường giảng dạy trực tuyến.
Hiện, theo giám đốc vận hành của DN này thì đã có hơn 700.000 giáo viên và 10 triệu học sinh sử dụng sản phẩm của Azota chỉ chưa đầy một năm sau khi công ty ra mắt. Vào giai đoạn cao điểm, công ty phục vụ hơn 6 triệu người dùng mỗi tháng, tương đương 30% tổng số giáo viên và học sinh trên khắp Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Anh - đại diện Công ty TNHH Cốc Cốc cho biết, do đáp ứng được đúng nhu cầu của người dùng Việt, công cụ tìm kiếm Cốc Cốc thu hút 574 triệu lượt truy vấn hàng tháng và luôn đứng thứ hai tại Việt Nam với thị phần phát triển ổn định.
Nhìn vào biểu đồ thống kê DN và doanh thu theo lĩnh vực của DN ICT trong 5 năm trở lại đây (2017- 2021), có thể thấy số lượng DN sản xuất phần cứng điện tử chỉ chiếm 7,62% trong tổng số các DN ICT nhưng doanh thu chiếm tới 80%. Trong khi DN sản xuất phần mềm chiếm 26,87% nhưng doanh thu chỉ chiếm khoảng 4,1%.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TTTT) cũng thừa nhận thực tế: Trong khoảng 70.000 DN ICT, số lượng DN sản xuất phần cứng khoảng 7,6%, thế nhưng các DN sản xuất phần cứng phần lớn là các DN FDI có doanh thu rất khổng lồ.
Theo ông Tuyên, DN của người Việt phần lớn là DN vừa và nhỏ, tuy số lượng nhiều nhưng quy mô khiêm tốn; vì thế, doanh thu cũng chỉ chiếm khoảng 26,9%. Tuy nhiên, lĩnh vực phần cứng điện tử là lĩnh vực đòi hỏi nhiều thứ mà Việt Nam muốn cũng không phải dễ thực hiện.
Ở lĩnh vực phần mềm, Việt Nam đang có ưu thế rất mạnh đặc biệt về nhân lực. Người Việt làm chủ công nghệ nhanh và ta đang trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu phần mềm trên thế giới (năm 2021 Việt Nam xuất khẩu phần mềm đứng thứ 6 thế giới), trở thành đối tác hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc. Hai năm vừa qua, DN Việt sản xuất phần mềm đã vươn ra mạnh ở thị trường Bắc Mỹ.
“Trong thời gian tới chúng ta vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển thế mạnh của mình là phát triển phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Nhưng đồng thời cũng sẽ kêu gọi các DN nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực phần cứng”, ông Tuyên cho hay.
Trong lĩnh vực phần cứng, theo ông Tuyên, chúng ta cần xác định sẽ làm vừa tầm của mình và đồng thời có những nghiên cứu về công nghệ mới. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị từng bước về vốn, công nghệ… để có thể tăng tốc; tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các chuỗi giá trị của các cường quốc, các DN đa quốc gia về lĩnh vực phần cứng điện tử.