Sau 5 ngày diễn ra sôi nổi, hôm nay (ngày 12/11) Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội (Haniff VI) sẽ chính thức khép lại bằng lễ bế mạc và trao giải. Bên cạnh một “bữa tiệc” điện ảnh, Liên hoan còn mang đến những kỳ vọng cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
“Bữa tiệc” điện ảnh
Diễn ra từ ngày 8 đến 12/11, với sự tham gia của 123 bộ phim đến từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, không thể phủ nhận Haniff VI đã trở thành ngày hội của ngành điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh triển lãm “Bối cảnh quay phim là các di tích, di sản văn hóa của Hà Nội”, Liên hoan đã mở màn bằng bộ phim “Hoa nhài” của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia.
Không chỉ “mở màn” bằng dấu ấn rất Hà Nội, bộ phim “Hoa nhài” còn ghi nhận sự “tái suất” của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh năm nay đã ở tuổi ngoài 80 tuổi. Càng đặc biệt hơn khi phim được quay và hoàn thành trong hai năm dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Đây cũng là bộ phim gấp rút được hoàn thành và trở thành phim mới duy nhất của điện ảnh Việt Nam được chọn tham dự ở hạng mục phim dài trong khuôn khổ Haniff VI. “Hoa nhài” là bức tranh lắp ghép khắc họa cuộc sống của người Hà Nội những năm 2000, thời điểm rất xa trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thông điệp về sự hàn gắn bởi lòng tốt của con người trong đời sống thị thành những tháng năm ấy lại rất gần với chúng ta của hôm nay, những người vừa bước qua rạn vỡ và biến cố của đại dịch…
Haniff VI còn tạo dấu ấn với sự góp mặt của hàng loạt bộ phim “bom tấn”, có thể kể đến Bố già, Chị Mười Ba 2, Ba ngày sinh tử, Phượng cháy, Tiệc trăng máu, Em và Trịnh… của điện ảnh Việt Nam ở chương trình phim Việt Nam đương đại. Hay Tình bạn (Bỉ) giải Grand Prix, Liên hoan phim Cannes 2022; 107 bà mẹ (Slovakia) giải Horizons - Kịch bản xuất sắc, Liên hoan phim Venice 2021; Vợ của người du mục (Australia) Giải thưởng lớn của Ban giám khảo, Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương; Phép màu (Rumani) giành giải phim quốc tế Liên hoan phim Warsaw (Ba Lan) 2021… trong chương trình phim toàn cảnh điện ảnh thế giới. Khoảnh khắc mùa hè, Nhà môi giới, Tổ của chim ruồi, Thi ca, Thiêu đốt… trong chương trình tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc.
Gắn kết điện ảnh với du lịch
Có thể nói, sau 2 năm ảnh hưởng của Covid-19, sự trở lại của Haniff VI là cơ hội “vàng” trong việc quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam đến bạn bè thế giới. Trong khuôn khổ sự kiện, tại Hội thảo “Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa”, với sự tham gia của các đại biểu trong nước và quốc tế đều khẳng định, phim ảnh hấp dẫn sẽ lôi kéo, dẫn dắt công nghiệp thời trang và du lịch; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia. Vì vậy, điện ảnh Việt nên học hỏi các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, đưa những nét văn hóa đặc sắc, hiện đại vào các bộ phim để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống cũng như hiện đại của đất nước.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải bày tỏ, Huế đã triển khai rất nhiều hoạt động quảng bá nhưng so với ngôn ngữ điện ảnh thì vẫn “không ăn thua”. Ông nói, điện ảnh lan tỏa giá trị văn hóa, di sản rất lớn, hơn tất cả các phương thức truyền tải khác. Điện ảnh là phương tiện quảng bá hữu hiệu. Các địa điểm xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh nổi tiếng đều tạo trend và những cơn sốt: Ví dụ, sau khi phim Mắt biếc được chiếu, Huế có café Mắt biếc, có cây ngô đồng trở thành điểm checkin nổi tiếng khi đến Huế. Bối cảnh tại Huế có không gian uy nghi, trầm mặc, thơ mộng, lãng mạn hấp dẫn và thu hút người xem, khiến người xem tìm về với cảnh vật, thiên nhiên, con người Huế.
Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cũng bày tỏ, Huế đã xuất hiện trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng như Đông Dương, Cô gái trên sông, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu… Trong thời gian ông công tác ở Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, mỗi năm đón 30-40 đoàn làm phim, Trung tâm đều miễn vé cho các đoàn làm phim vào làm tại các di tích cố đô. Huế xác định điện ảnh là nền công nghiệp văn hóa chủ lực của địa phương. “Vì vậy, chính sách của địa phương là tạo mọi điều kiện cho các nhà làm phim đến Huế, xây dựng phim trường lớn. Những đoàn làm phim đến Huế làm bối cảnh cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Huế cũng phát triển du lịch MICE. Có cơ sở vật chất rất tốt phục vụ cho du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện. Chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người đến Huế” - ông Hải nói.
Đồng quan điểm, đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền, nhà sản xuất phim Kiều chia sẻ, với vai trò nhà làm phim, chúng tôi luôn trăn trở đi tìm những bối cảnh quay phim để có thể thể hiện được nội dung phim cũng như quảng bá được những giá trị văn hóa, cảnh quan của đất nước mình. Kiều, Lạc giới, Giấc mơ Mỹ… luôn chú trọng quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Đi đến đâu, từ Huế đến Cao Bằng chúng tôi cũng đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi để có được những cảnh quay đẹp nhất và bởi vậy, khi công chiếu, mỗi bộ phim trở thành một “sứ giả” để thu hút khán giả, đặc biệt là khách quốc tế háo hức với cảnh đẹp của Việt Nam, rất muốn đến Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Việt Nam - Hàn Quốc đang có những hợp tác mạnh mẽ về công nghiệp điện ảnh. Dựa trên những kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc cũng như thực tiễn hợp tác điện ảnh giữa hai bên, Việt Nam cần: Tạo sự đồng cảm của khán giả từ những bộ phim hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc; Công nghiệp hóa điện ảnh Việt Nam thông quá chuyển giao công nghệ làm phim; Trở thành thành viên thứ 17 trong mạng lưới Hội đồng Điện ảnh châu Á (AFCNet) có trụ sở tại Busan (Hàn Quốc); Tăng cường hợp tác đào tạo điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, những gợi mở này có thể sẽ mang đến những thể nghiệm mới trong hợp tác sản xuất phim giữa hai nước Việt - Hàn từ đó đặt nền móng cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.