Là cây một cội, là sông một nguồn

TUỆ PHƯƠNG 27/04/2022 18:18

Sau hai năm phải trì hoãn nhiều hoạt động cộng đồng vì dịch bệnh Covid-19, năm nay Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được trang trọng tổ chức ở khắp mọi nơi trên thế giới, dù là ở châu Âu như Pháp, Đức, Séc... hay châu Á như Thái Lan, Campuchia…

Người Việt tại Liên bang Nga hướng về cội nguồn nhân ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu.

Ngày Quốc giỗ đã qua nhưng dư âm sẽ còn đọng lại mãi trong lòng những kiều bào xa xứ. Lần đầu tiên sau hai năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, một đoàn kiều bào 31 người đã về đất Tổ đúng dịp 10/3. Cùng lúc ấy, ở khắp nơi trên thế giới những hoạt động kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được tổ chức, từ những quốc gia có đông người Việt sinh sống, hay ở những địa bàn chỉ có vài trăm người Việt. Giỗ Tổ, một lần nữa minh chứng, dù ở đâu, thì người Việt vẫn là con Lạc, cháu Hồng.

Chung một cội nguồn

Hầu như quốc gia nào cũng có những giai thoại, truyền thuyết về nguồn gốc của mình. Nhưng hình thức thờ cúng tổ tiên của người Việt lại có một vị trí đặc biệt. Đó là sức sống bền bỉ qua năm tháng, đó là hình thức kết nối cộng đồng, gia đình, dòng họ và cả dân tộc. Câu chuyện Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng khiến mỗi người luôn có suy nghĩ, dù ở đâu, thì người Việt đều là “con một nhà”. Sau hai năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, năm 2022 này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức một đoàn kiều bào 31 người hành hương về đất Tổ, Phú Thọ. Với những kiều bào sống xa quê hương, đây là dịp hiếm hoi để họ trực tiếp được hòa chung không khí thờ cúng Vua Hùng trên quê hương. Mọi người ai cũng hồi hộp khi được về với miền linh địa…

Trong đoàn, có nhiều người thuộc những lứa tuổi khác nhau nhưng chị Trần Thị Thanh Ngọc (sinh sống Bỉ) đã đi cùng con gái trong cuộc hành hương đặc biệt này. Với gia đình chị, đất Việt ở xa, nhưng quê hương, tổ tiên luôn ở trong lòng. Bởi bé Ngọc Minh, con gái chị, đã lớn lên bằng những câu chuyện kể về quê hương.

Trong những câu chuyện mà mẹ Ngọc Minh kể, không thể thiếu câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ làm vợ, sinh ra bọc trăm trứng. Bởi thế, lớn lên giữa trời Âu, nhưng Ngọc Minh luôn tự hào về quê hương đất Việt của mình. “Khi còn ở Bỉ, Ngọc Minh đã luôn háo hức khi chọn trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam để bày tỏ niềm tự hào về văn hóa Việt. Hôm nay, tôi rất xúc động khi hai mẹ con được hòa vào dòng người hành hương hướng về cội nguồn, được đi qua những bậc đá từ đền Mẫu Âu Cơ, đền thờ Lạc Long Quân đến đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng… Tôi mong rằng, chuyến đi sẽ giúp bồi đắp những kiến thức về lịch sử hào hùng của dân tộc, gìn giữ truyền thống, dòng máu Việt Nam trong con gái tôi”, chị Thanh Ngọc chia sẻ.

Chị Tạ Thùy Liên là một trường hợp đặc biệt khác. Chị vốn sinh ra lớn lên ở Phú Thọ, rồi định cư tại Singapore. Chuyến hành hương là một cuộc trở về với chị. Chị Liên cho biết: “Tôi đã chờ đợi chuyến hành hương khá lâu sau hai năm dịch bệnh. Chuyến hành hương về cội nguồn này rất ý nghĩa, tiếp thêm năng lượng, niềm tin và sức mạnh cho cá nhân tôi. Cũng qua chuyến đi này, tôi cảm nhận một sự gắn kết bền chặt và linh thiêng từ nguồn cội đối với đồng bào người Việt Nam ta trên khắp thế giới. Tôi rất mong muốn truyền tải tinh thần và cảm xúc này đến cộng đồng người Việt ở Singapore nói riêng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung để chúng ta cùng nhau chung sức chung lòng, đóng góp cho sự phục hồi phát triển kinh tế đất nước”.

Giá trị của cuộc hành hương lớn hơn những gì chúng ta biết. Sau chuyến trở về này, những câu chuyện về tình đoàn kết, về văn hóa Việt, về những khó khăn thử thách đất nước trải qua sẽ lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt. Đó là động lực để gắn kết hơn nữa cộng đồng, để huy động sức mạnh cộng đồng trong đóng góp xây dựng quê nhà.

Người Việt Nam tại Nhật Bản "sum vầy" trong dịp Giỗ Tổ Vua Hùng.

Muôn dặm một nhà

Sau hai năm phải trì hoãn nhiều hoạt động cộng đồng vì dịch bệnh Covid-19, năm nay Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được trang trọng tổ chức ở khắp mọi nơi trên thế giới, dù là ở châu Âu như Pháp, Đức, Séc... hay châu Á như Thái Lan, Campuchia… Từ năm 2018, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã vận động thực hiện Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu nhằm phối hợp tổ chức thống nhất Ngày Giỗ tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu. Năm nay cũng là năm Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu diễn ra ở quy mô lớn với 42 nước tham gia.

Một trong những điểm cầu năm nay là tại CHLB Đức. Nơi diễn ra các nghi thức tưởng nhớ các Vua Hùng là chùa Phổ Đà. Được tham gia Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương toàn cầu - Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu là một vinh dự của người Việt trên đất Đức. Trong không khí linh thiêng, mọi người không chỉ nhớ về nguồn cội, mà còn ôn lại lời căn dặn của Bác Hồ khi xưa, khi về thăm đền Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bà Phạm Quỳnh Nga, Trưởng ban tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cho biết: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nhất là việc Giỗ Tổ được tổ chức toàn cầu giúp các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước nhớ về cội nguồn, tổ tiên, góp phần giáo dục và gìn giữ giá trị truyền thống, văn hóa lâu đời Việt Nam.

Cũng tại châu Âu, cộng đồng người Việt tại Hungary là một cộng đồng nhỏ, nhưng một buổi lễ trang trọng đã diễn ra với sự tham dự của hàng trăm bà con. Trong không khí đầm ấm, mọi người cùng ôn lại đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ôn lại nguồn cội “con Lạc, cháu Hồng”. Thật tình cờ, ông Phùng Kim San - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary lại là người con đất Tổ Phú Thọ. Nhờ thế, ông còn đem đến cho mọi người nhiều câu chuyện, nhiều phong tục xung quanh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” – Di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh năm 2012.

Bên cạnh những câu chuyện về nguồn cội, về đạo lý uống nước nhớ nguồn, câu chuyện giúp nhau trong hoạn nạn, trong dịch bệnh Covid-19, hay tình đồng bào trong giúp đỡ người chạy từ Ukraine là điều được nhắc đến nhiều nhất trong Lễ Giỗ Tổ năm nay. Đó cũng chính là biểu hiện sinh động của truyền thống “là dân một nước, là con một nhà”, dù người Việt sinh sống ở bất cứ nơi đâu.

Từ năm 2015 đến nay, Dự án ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã trở thành cầu nối văn hóa đặc biệt kết nối hàng triệu kiều bào Việt và bạn bè quốc tế từ gần 100 nước trên thế giới. Vượt qua khoảng cách địa lý, tất cả đều hướng tới sự đoàn kết, hướng về Tổ quốc, cội nguồn thiêng liêng của dân tộc qua ngày giỗ tổ Hùng Vương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Là cây một cội, là sông một nguồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO