Lá chắn ‘thép trắng’

Tinh Anh 01/06/2021 06:50

Trong suốt 4 làn sóng đại dịch Covid-19 tính đến thời điểm này, cả xã hội đã chung sức, đồng lòng phòng chống dịch, trải qua mọi gian lao vất vả. Song, gian khổ nhất vẫn là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y bác sĩ. Họ xứng đáng được xã hội tri ân với lòng biết ơn sâu sắc, bởi đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cộng đồng.

Mới đây, được nghe câu chuyện cảm động của một nữ bác sĩ đang ở vùng dịch Bắc Giang phải vắt sữa bỏ đi trong khi con nhỏ ở nhà khát sữa, tôi thực sự cảm thấy sống mũi cay cay. Chị đang phải nuôi con nhỏ, nhưng vì sự an toàn của cộng đồng xã hội đã không hề ngần ngại vác ba lô lên đường tăng cường cho Bắc Giang chống dịch.

Ai có thể không rung cảm, khi được biết chi tiết dù con còn nhỏ dại, chị không có thời gian để mà thương cảm, để mà nhớ nhung bởi khối lượng công việc quá lớn, cường độ công việc quá căng thẳng. Chỉ trong những phút giải lao ngắn ngủi, chị mới có thể nghĩ về đứa con thơ khi mà bầu ngực căng cứng vì tức sữa. Chị biết, đứa trẻ đang thèm sữa mẹ.

Và ai có thể vô cảm trước việc một đứa trẻ chưa đầy hai tuổi òa khóc, đòi bế khi thấy mẹ nó trên tivi, chứ không phải ở ngoài đời thực. Tất nhiên rồi, con trẻ đâu đã có nhận thức để mà phân biệt trên tivi hay người thật, nó chỉ biết đó là hình ảnh thân thương của mẹ nó và nó có nhu cầu được ôm ấp, bế bồng. Có đứa trẻ nào lại không thích được gần mẹ?

Câu chuyện của người nữ bác sĩ trên chỉ là một trong vô số những câu chuyện cảm động diễn ra trong thực tế. Còn rất nhiều những hình ảnh mà xem xong chúng ta chỉ muốn khóc. Chắc ai đã “chơi” facebook thì chí ít cũng từng một lần được chứng kiến hình ảnh các y bác sĩ nằm vạ vật dưới đất, dọc hành lang, dựa cột cửa ngủ ngon lành.

Những hình ảnh ấy há chẳng hơn ngàn mỹ từ mà báo chí truyền thông có thể dùng để ca tụng sự hy sinh vất vả của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch sao? Những hình ảnh đó không khiến trái tim của chúng ta rỉ máu ư? Đau xót lắm, thương các anh, các chị lắm, nhưng biết làm sao hơn khi mà “giặc dịch” còn chưa bị dẹp yên.

Còn đó hình ảnh cao đẹp của khá nhiều nữ bác sĩ tự nguyện cắt tóc, cạo trọc đầu trước khi lao vào tâm dịch để giải cứu đồng bào khỏi cơn nguy khốn. Với phái nữ mái tóc thướt tha mềm mại chính là một phần trong vẻ đẹp của họ. Vậy mà các nữ y bác sĩ sẵn sàng hy sinh vẻ đẹp hình thức cá nhân, dành phần đẹp tâm hồn cho người dân, cho xã hội.

Khi cắt tóc, cạo trọc đầu, các chị không phải muốn mọi người chú ý, cũng chẳng phải tỏ ra ta đây này nọ. Chỉ đơn giản là các chị không muốn mái tóc làm ảnh hưởng tới tốc độ làm việc, làm SARS-CoV-2 phát tán ra cộng đồng nhờ “ẩn nấp” tại đó. Có nữ nhân nào khi cắt đi mái tóc yểu điệu thướt tha mà không nuối tiếc, mà không đau lòng cơ chứ?

Song, vì công việc, vì sự an toàn của cộng đồng xã hội, các nữ y bác sĩ sẵn lòng bỏ qua vẻ đẹp bên ngoài để dành toàn tâm toàn ý cho cuộc chiến đấu với đại dịch. Đến hạnh phúc cá nhân, gia đình, đến con nhỏ còn đang khát sữa... các chị còn có thể tạm gác qua một bên để lên đường chiến đấu, thì một mái tóc đâu có nề hà gì.

Không chỉ có các nữ chiến binh blouse trắng hy sinh, các nam bác sĩ cũng đã có những cống hiến hết mình cho trận chiến một mất một còn với đại dịch. Chẳng phải mới cách đây chưa lâu, hai nam bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đã gục xuống vì kiệt sức trong khi đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đó sao?

Từ khi đại dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta, có khá nhiều bác sĩ đã phải làm việc tới kiệt sức khi phải chạy đua với thời gian trong việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Tất nhiên khối lượng công việc nhiều, trong khi nhân lực lại thiếu là nguyên nhân chính dẫn đến quá tải. Song, bộ đồ bảo hộ cũng chính là nguyên nhân gây suy kiệt sức khỏe.

Trong cái nắng nóng tới trên 40 độ C như những ngày qua, chúng ta mặc quần áo cộc tay còn chảy mồ hôi thành giọt. Trong khi đó, đội ngũ y bác sĩ phải “đóng bộ” với đồ bảo hộ kín mít từ trên xuống dưới, lại còn làm việc vất vả có khi xuyên đêm, làm sao có thể chịu được, không suy kiệt sức lực mới là chuyện lạ.

Vẫn biết để phòng tránh việc lây lan Sars-CoV-2 cho chính các y bác sĩ, cũng như phát tán virus ra cộng đồng thì việc mặc bộ đồ bảo hộ là bắt buộc không thể khác. Song, thiết nghĩ ngành y tế cũng cần có sự nghiên cứu vật liệu thay thế, để làm sao vừa đảm bảo phòng chống dịch, nhưng cũng không gây trở ngại, ảnh hưởng tới sức khỏe y bác sĩ.

Hoặc giả, nếu không thể thay thế vật liệu làm bộ đồ bảo hộ, cần có “chiến lược, chiến thuật” mới để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y bác sĩ. Chẳng hạn, có thể tăng cường nhân lực để đảm bảo mỗi nhân viên y tế chỉ phải làm việc trong thời gian nhất định rồi sau đó sẽ được thay thế bằng người khác.

Như vậy, đội ngũ y bác sĩ vừa không phải làm việc với cường độ quá cao và khối lượng công việc quá nhiều, mà còn tránh được tác hại của bộ đồ bảo hộ. Bộ đồ bảo hộ chỉ có thể mặc trong một thời gian cố định, nếu cứ diễn nó suốt cả ngày thì không thể tránh khỏi sự suy kiệt thể lực do mất nước, do sốc nhiệt và tỷ lý do khác.

Song, cải tiến bộ đồ bảo hộ, thay đổi cách làm việc, giảm cường độ và khối lượng công việc... cũng chỉ là giải pháp tạm thời “chữa phần ngọn”. Nếu “cuộc chiến” này kéo dài sẽ tổn hao nghiêm trọng nguyên khí của đội ngũ y bác sĩ. Khi đó sẽ vô cùng nguy hại cho xã hội, bởi các anh các chị chính là lá khiên chắn an toàn cho cộng đồng. Khi lá chắn bị thủng, e rằng sẽ khó giữ được cân bằng trận chiến, chứ đừng nói đến giành thắng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá chắn ‘thép trắng’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO