Kinh nghiệm của TPHCM về công tác giám sát, phản biện là luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó trọng tâm hướng về cơ sở, gần dân hơn. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của người dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Tập trung vào những vấn đề nóng
Thống kê của Ủy ban MTTQ TPHCM cho thấy, 8 năm qua, hệ thống MTTQ thành phố đã tổ chức giám sát được gần 5.000 cuộc. Nội dung giám sát hướng đến những vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm. Cụ thể: MTTQ các quận 1, 2, 3, 4, 8, thành phố Thủ Đức, Bình Thạnh… tổ chức giám sát công tác quản lý và cấp phép xây dựng trên địa bàn, giám sát lập lại trật tự lòng đường, lề đường; giám sát việc tuyển, chọn công dân nhập ngũ. MTTQ các quận 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân… tiến hành giám sát đối với UBND quận thực hiện “Trách nhiệm giải trình với người dân”, tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của quận và phường; MTTQ quận 12 giám sát việc xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình công cộng, giám sát về công khai các dự án chậm triển khai và kết quả xử lý trên địa bàn quận.
Về hoạt động phản biện xã hội, hệ thống MTTQ TPHCM đã tổ chức được gần trên 600 hội nghị phản biện, điển hình như: Dự thảo đề án Quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM đến năm 2025; dự thảo ban hành Quy định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn TPHCM; dự thảo Quyết định thay thế các quy định hiện hành liên quan đến hạn chế và cấp phép cho xe ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội đô TPHCM; MTTQ quận 1 tổ chức Hội nghị phản biện đối với dự thảo Đề án “Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp”…
Theo ông Lý Ngọc Thạch - Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TPHCM, qua giám sát đã phát hiện những vấn đề còn hạn chế, sai phạm. Trên cơ sở đó đã kiến nghị chính quyền các cấp điều chỉnh và có giải pháp khắc phục, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được tiếp thu và phản hồi tích cực.
Nâng cao hiệu quả sau giám sát của Mặt trận
Bà Võ Thị Kim Hồng - Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TPHCM đề nghị, Mặt trận cần tăng cường giám sát, phản biện; cần có tiếng nói trước và tiếng nói của Mặt trận cần phân tích đầy đủ lý, tình để thuyết phục bên được giám sát, phản biện.
“Hiện nay, không phải ai cũng hiểu hết được vai trò của Mặt trận, do vậy cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, giải thích; Mặt trận cần hướng về cơ sở, hướng về địa bàn dân cư, để người dân hiểu và tin Mặt trận hơn” - bà Hồng mong muốn.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng, để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả, các cấp ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào việc thực hiện các chương trình, đề án đã được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo và các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2020 - 2025, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
“Đặc biệt, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của mỗi cấp, mỗi địa phương” – ông Hải gợi mở.
(Còn nữa)