Trong Trường ca Đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết: “Đất là nơi Chim về/Nước là nơi Rồng ở/Lạc Long Quân và Âu Cơ/Sinh ra đồng bào ta trong bọc trứng/ Những ai đã khuất/Những ai bây giờ/Yêu nhau và sinh con đẻ cái/Gánh vác phần người đi trước để lại/ Dặn dò con cháu chuyện mai sau/Hằng năm ăn đâu làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ...”. Ngày Giỗ Tổ của người Việt Nam ta là ngày Mười tháng Ba âm lịch - ngày Quốc giỗ.
Tự hào dân tộc, gắn kết cộng đồng
Gần 10 năm trước, vào lúc 18 giờ 9 phút (giờ Việt Nam, ngày 6/12/2012), UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Quyết định của UNESCO công nhận Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nêu rõ, hồ sơ đáp ứng các tiêu chuẩn để được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định cũng nêu cụ thể: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.
Vào thời điểm đó, ông Phạm Cao Phong - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam bày tỏ: “Việc thế giới công nhận di sản này đánh giá cao tính nhân văn của các dân tộc ở Việt Nam là tục lệ thờ cúng tổ tiên. Đây như là một biểu tượng khuyến khích các dân tộc cũng có hành vi tương tự như vậy. Và một điểm nữa là tín ngưỡng này thể hiện tính đoàn kết của các cộng đồng. Trong tiếp xúc với chúng tôi bên lề cuộc họp, tất cả các đại biểu đều đánh giá cao tính nhân văn hồ sơ này của chúng ta”.
Khi phát biểu trước Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 sau khi Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận, ông Hoàng Dân Mạc - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ nhấn mạnh: Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hóa và tâm linh bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng cam kết với Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 rằng: Việt Nam sẽ làm hết sức mình thực hiện nghiêm túc Công ước 2003 để cùng với cộng đồng trao truyền, thực hành, giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy giá trị di sản này để di sản mãi trường tồn cùng dân tộc xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cũng vào thời điểm đó, theo Đại sứ Dương Văn Quảng - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận thể hiện sự đánh giá cao của thế giới đối với đời sống tâm linh của con người Việt Nam, thể hiện qua sự thờ cúng tổ tiên. Các thế hệ Vua Hùng đã lập nên nước Việt Nam, chúng ta coi Vua Hùng là tổ tiên chúng ta và chúng ta có ngày Quốc giỗ. Điều đó cũng chứng tỏ sức sống của văn hóa Việt Nam, chứng tỏ rằng văn hóa Việt Nam có khả năng hội nhập thế giới nói chung và vào nền văn hóa thế giới nói riêng.
Lễ hội Đền Hùng trong dòng chảy thời gian
Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ các Vua Hùng đã chiếm vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời Vua Lê Thánh Tông và đời Vua Lê Kính Tông năm 1601, sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, ghi rằng: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần... vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi”.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình Bộ Lễ lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc lễ. Điều này được tấm bia lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận. Như vậy, kể từ đó, Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng Tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng các Vua Hùng. Ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý kính cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người để lại câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan.
Vào năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư xác định là ngày lễ lớn trong năm. Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6/11/2001 về nghi lễ nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.
Ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch). Và cho đến ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hàng năm, vào dịp này con dân Đất Việt đều hướng về Phú Thọ, nơi thờ tự các Vua Hùng với lòng thành kính biết ơn. Người không đến được thì vái vọng, thắp nén tâm nhang cho tổ tiên. Người có điều kiện tới tận nơi thắp hương cho các bậc Vua Hùng mà lòng rưng rưng xúc cảm. Đồng bào ta ở xa Tổ quốc dịp này cũng tìm cách về Đất Mẹ, kính ngưỡng các Vua Hùng. Không ai không xúc động, tự hào mình là người Việt Nam, là con rồng cháu tiên, là hậu duệ của các Vua Hùng.
Thật xúc động khi tới nay trên đất nước ta không chỉ có ở Phú Thọ mới có nơi thờ cúng Vua Hùng, mà nhiều địa phương cũng xây dựng những khu tưởng niệm rất khang trang và trang nghiêm. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, có ít nhất 3 ngôi đền thờ Vua Hùng. Ngôi đền thứ nhất tại Thảo Cầm Viên, xây dựng năm 1926, sau năm 1954 công trình chính thức mang tên đền Quốc Tổ Hùng Vương. Ngôi đền có bình đồ hình vuông, mang phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn với bộ mái chồng diêm, tạo thành ba tầng mái cong. Ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, ở đây đều tổ chức lễ dâng hương. Năm 2015, UBND TPHCM xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố cho công trình này.
Một khu đền tưởng niệm các Vua Hùng nữa nằm trên một quả đồi cao hơn 20m thuộc Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc rộng hơn 400ha (phường Long Bình, quận 9), cách trung tâm TPHCM khoảng 30km. Công trình được hoàn thành năm 2009. Ngay lối vào đền Hùng là quảng trường vuông vức rộng 4.000m2, nền có hình mặt trời mô phỏng mặt trống đồng Đông Sơn.
Còn tại đầu con hẻm 22/93, đường Trần Bình Trọng, phường 1, quận 5 là một ngôi đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được sơn vàng nổi bật. Đây là đền thờ “dân lập”, làm nơi người dân trong khu vực thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương. Trong đền có bức tranh sơn dầu cỡ lớn về khu di tích lịch sử Đền Hùng ở thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cạnh đó là bảng chữ viết tay sơn đỏ về nguồn gốc dân tộc Việt Nam cùng nhiều bức hoành phi câu đối khơi gợi truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân ta.
Thật hiếm có quốc gia nào trên thế giới lại có một ngày giỗ chung như Việt Nam - ngày Quốc giỗ thành kính các Vua Hùng. Ngày Quốc giỗ gắn kết tấm lòng người Việt, tâm hồn người Việt, tinh thần và ý chí của người Việt Nam ta. “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, câu ca dân gian ấy qua bao đời nay nhắc người Việt Nam có chung một nguồn cội, rằng mình “là dân một nước, là con một nhà”.
Đúng vào dịp Lễ Giỗ Tổ năm nay, đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ được khánh thành. Đền được khởi công vào giữa năm 2019, quy mô hơn 3,9 ha gồm các hạng mục chính như: đền thờ, nhà điều hành, nghi môn, nhà bia, sân đường, cây xanh, thảm cỏ... Điểm nhấn của công trình là đền thờ chính với hình tượng trống đồng cách điệu 18 cánh cung điêu khắc hoa văn đại diện cho 18 đời Vua Hùng, được bao quanh bởi hồ nước. Đền thờ chính cao 19,5 m, hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho Trời và Đất. Bao quanh đền thờ chính là 54 khối cột hình trụ cao 4,5m, đường kính 1m; kết thành vòng tròn trong hồ điều hòa, các trụ cột tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.