Khi đường đi còn khó khăn, những trạm y tế di động trên lưng lạc đà đã mang theo niềm hy vọng đến với những cộng đồng vùng sâu vùng xa tại đất nước Kenya.
Những trạm y tế di động trên lưng lạc đà
13 con lạc đà băng qua vùng đất khô hạn đầy bụi bặm cùng với 7 người đàn ông mặc đồng phục màu vàng sáng và 3 nhân viên y tế. Trên lưng chúng chất đầy những thùng thuốc, bặng gạc và các sản phẩm y tế giúp người dân kế hoạch hóa gia đình. Những con lạc đà này được xem như một phòng khám sức khỏe di động, mang hệ thống y tế đến tận nơi giúp đỡ cho những cộng đồng sống tại vùng hẻo lánh.
Khi những con lạc đà tới những khu dân cư xa xôi, tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em nơi đây đều đã xếp thành một hàng dài chờ nhân viên dỡ đồ đạc, dọn bàn khám và dựng lều. Trong số những người đang chờ đợi có Jacinta Peresia, người lần đầu tiên gặp những nhân viên y tế di động cách đây sáu năm, sau một lần cô suýt mất mạng khi sinh đứa con thứ 11, cô con gái tên là Emali.
Chồng của Peresia đã do dự không muốn cho cô nhận bất kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nào, nhưng trải nghiệm cận kề cái chết đã khiến anh thay đổi ý định và khuyến khích Peresia nói chuyện với các y tá. Sau đó, cô đã được sử dụng biện pháp tránh thai.
“Tôi cứ thế sống mà không biết rằng tránh thai là một lựa chọn an toàn để lập kế hoạch cho gia đình và có số con mà tôi có thể thoải mái chăm sóc. Nghèo đói và sức khỏe ngày càng yếu đã buộc chúng tôi phải đưa ra lựa chọn này”, Peresia chia sẻ.
Khó khăn chồng chất tại các cộng đồng vùng hẻo lánh
Peresia sống ở Lekiji, một ngôi làng hẻo lánh nằm giữa sông Ewaso và Nanyuki trong vùng cây bụi gai ở miền trung Kenya, cách thị trấn gần nhất, Nanyuki khoảng 80 km. Đây là khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và di sản tiền sử phong phú với niên đại hàng triệu năm, nhưng ở thời điểm hiện tại nguồn tài nguyên thiên nhiên lại đang dần cạn kiệt.
Không có gì lạ khi thấy người dân nơi đây tranh giành nguồn nước và đồng cỏ với đàn voi. Thiếu cơ hội kinh tế đang tạo ra nhiều áp lực hơn đối với con người và hệ sinh thái vốn đã rất mong manh này. Không có trường cấp trung học đồng nghĩa với việc hầu hết trẻ em đều kết thúc chương trình giáo dục chính thức ở bậc tiểu học. Hôn nhân ở tuổi vị thành niên là rất phổ biến, đặc biệt là đối với trẻ em gái.
Tại đây, việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe rất tốn kém và trong trường hợp khẩn cấp, dân làng buộc phải đi bộ hàng giờ để đến cơ sở y tế gần nhất. Đối với phụ nữ, việc thiếu thốn cơ sở vật chất, thêm vào đó là tư tưởng lạc hậu của xã hội đã khiến họ không thể kiểm soát được sức khỏe sinh sản của mình.
Tổ chức Health Africa Trust (hay còn gọi là Chat) đã xây dựng nên các hoạt động tiếp cận chăm sóc sức khỏe di động tới những cộng đồng như Lekiji. Đường đi không phải là rào cản lớn nhất đối với công việc của họ. Nếu họ không thể đến các khu vực hẻo lánh bằng ô tô, họ có thể sang một hình thức vận chuyển cũ hơn: lạc đà. Trong ba năm qua, Chat đã tiếp cận hơn 100.000 người dân với các thông điệp thay đổi tập trung vào kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bệnh Lao, HIV và Covid-19 trên 14 quận ở Kenya. Khoảng 37.000 phụ nữ đã lựa chọn các phương pháp kế hoạch hóa gia đình lâu dài hơn.
Elizabeth Kibatis, 19 tuổi, là hình mẫu cho những phụ nữ trẻ khác ở Lekiji, đặc biệt là những người bạn cùng trang lứa. Cô đã làm việc với Chat để cung cấp thông tin và xóa tan những lầm tưởng xung quanh việc kế hoạch hóa gia đình. Kibatis thuyết phục những phụ nữ và trẻ em gái khác về lợi ích của việc kiểm soát cơ thể chính mình và khả năng chăm sóc con cái của họ. Cô ấy rõ ràng đã tạo nên một tác động không nhỏ. Khi các trường học đóng cửa do đại dịch Covid-19, chỉ có một nữ sinh từ Lekiji mang thai. Điều này đã làm đảo lộn một xu hướng ở Kenya: trong thời gian ba tháng giãn cách do đại dịch, gần 150.000 bé gái tuổi vị thành niên tại quốc gia này đã mang thai.
“Khi thế giới thay đổi, chúng ta cũng cần thay đổi”
Trọng tâm cách tiếp cận của Chat là gắn kết nhu cầu sức khỏe của con người với thiên nhiên, nâng cao nhận thức về việc cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên có thể làm xấu đi tình trạng sức khỏe của con người và nghèo đói có thể có tác động tiêu cực như thế nào đối với môi trường sống.
Peresia đã nhận thấy rằng mọi người bị ốm thường xuyên hơn trước đây. Trẻ em đang bị các vấn đề về dạ dày, mà cô ấy tin rằng là do nước bùn mà chúng buộc phải uống từ giếng đào thủ công ở lòng sông khô cạn. Mức độ căng thẳng thì ngày một tăng cao vì không còn đồng cỏ cho gia súc.
“Môi trường đã bị phá hủy. Con người đã chặt nhiều cây hơn do nhu cầu về nhiên liệu đun nấu, số lượng đồng cỏ ngày càng ít ỏi và đôi khi những dòng sông trở nên khô cạn. Chúng tôi thường phải cố gắng đào tìm nước ở những lòng sông khô cạn, nhưng nước ở đó rất bẩn. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Đó chính là do biến đổi khí hậu. Vào ban ngày, có cảm giác như mặt trời đã xuống thấp và gần chúng ta hơn. Cây cối bắt đầu chết khô do nắng nóng cực độ. Nếu cây cối biến mất, thì chúng ta còn lại gì nữa?”.
Hôm nay, Peresia đã khuyến khích các con chỉ sinh đủ số con mà chúng có thể chăm sóc tốt. Cô quả quyết: “Tôi nói với tất cả các con của mình, đặc biệt là các cậu bé rằng hai là đủ!” Peresia đã học được cách nhận ra mối liên hệ giữa con người, sức khỏe, môi trường sống và các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà họ phụ thuộc vào.
“Khi thế giới thay đổi, chúng ta cũng cần thay đổi,” Peresia khẳng định và tự hào khoe 11 cây xanh mà cô đã trồng để giúp đỡ những nỗ lực tái trồng rừng trong cộng đồng của cô.