Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1082/CĐ-TTg, về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Được biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7/2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).
Đáng chú ý, không ít bộ, cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp như: Đại học Quốc gia TP HCM (0,56%), Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (0,95%), Bộ Ngoại giao (2,57%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (2,67%)... Về phía địa phương: Bắc Kạn mới giải ngân được 8,37%, Quảng Bình (15,46%), Cao Bằng (15,84%), Đắk Lắk (15,86%)…
Từ thực tế ấy, nếu nhìn vào kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, thì không khỏi không lo ngại.
Đầu tư công là dòng vốn rất lớn, trọng tâm, trọng điểm, được xác định là đòn bẩy của cả nền kinh tế. Không những thế, khi dòng vốn này khơi thông sẽ tạo ra sự năng động cho nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, cũng là góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Với Việt Nam ở ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, thì nguồn vốn đầu tư công có được còn là sự chắt chiu tích cóp, dành dụm, là nguồn vốn ưu tiên. Vì thế, tỷ lệ giải ngân thấp cũng sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh cả nước tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội dài ngày thì việc giải ngân, sử dụng các dòng vốn gặp khó khăn. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đó không phải nguyên nhân chính mà cơ bản nằm ở chỗ hạn chế của công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập...
Ở đây, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Nếu người đứng đầu thiếu quyết tâm, thiếu đôn đốc thì dễ dẫn đến tắc nghẽn dòng vốn. Bên cạnh đó, việc xử lý thiếu kiên quyết những trường hợp chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công cũng là nguyên nhân gây ách tắc.
Dù khó khăn nhưng những tháng còn lại của năm 2021 nhất thiết phải đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công. Đồng tiền chỉ phát huy tác dụng tốt nhất khi nó được lưu thông. Nếu dòng vốn đầu tư công “nằm trong kho” thì mất ý nghĩa. Không thể “có tiền không biết tiêu”.
Chỉ vài năm trước thôi, vốn đầu tư công lúc nào cũng thiếu, nơi nào cũng cần vốn. Nói thế không phải bây giờ không cần vốn, mà câu chuyện lại là có tiền mà không sử dụng.
Đó là nghịch lý cho dù đã tính đến những yếu tố khách quan. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
“Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công” - Công điện 1082 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.