Lãi suất cho vay có giảm được không?

H.Hương 17/12/2021 06:30

Dư địa còn lại để giảm lãi suất cho vay trong tháng cuối năm 2021 không còn. Vậy năm 2022 lãi suất sẽ đi như thế nào trong khi cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn mong được tiếp cận nguồn vốn có chi phí thấp.

Ngân hàng phải tiết giảm chi phí

Sau một thời gian dài sụt giảm doanh thu, thậm chí doanh thu âm, cộng đồng DN cho rằng, khó khăn về nguồn vốn khiến DN khó triển khai các kế hoạch phục hồi sản xuất.

Ông Trần Văn Lê, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh cho hay, trong hoạt động của DN, năm 2021 dòng tiền “ra” nhiều hơn “vào” đã là một sự bất cập. Do đó, DN phải làm sao để cân đối được dòng tiền, cắt giảm những chi phí không cần thiết. Ông Lê chia sẻ DN mong muốn được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn cho rằng, để giảm được lãi suất cho vay, trước hết, ngân hàng phải cắt giảm chi phí đầu vào cũng như tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh trong thời gian qua, khiến huy động tiền gửi tiết kiệm ngân hàng giảm, nên lãi vay khó giảm sâu.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean phân tích, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đã khiến doanh thu DN sụt giảm, lợi nhuận âm, dòng tiền như oxy đối với DN. Tuy nhiên, đa phần các DN không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo. Nếu muốn được giải ngân DN phải đảm bảo: không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo…

Ông Việt mong muốn DN được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp để duy trì, củng cố lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ về khó khăn chậm thu hồi dòng tiền của DN. Trên thực tế thì chuỗi cung ứng trong 2 năm qua có xu hướng kéo dài thời gian chuyển động.

Nếu như trước đây là 60 ngày thì nay là từ 90-120 ngày nên DN gặp khó khăn kép, bản thân không sản xuất được để tạo ra dòng tiền nhưng dòng tiền lại về trễ hơn so với bình thường.

Chủ tịch Vinatex cho rằng những chính sách về hỗ trợ nguồn vốn thực sự rất quan trọng cho các DN, nhất là các DN có quy mô lao động lớn như ngành dệt may để phục hồi được sản xuất, phục vụ các đơn hàng và trả lương cho người lao động khi dòng tiền của khách hàng chưa về kịp.

Giảm lãi suất thêm 1% trong năm 2022?

Nhìn nhận lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng cho thấy, dù có ảnh hưởng xấu khiến chuỗi cung ứng một vài ngành hàng bị đứt gãy, sức mua giảm nhưng có một điểm thuận lợi đó là nền tảng vĩ mô ổn định. Năm 2021 ngay cả bị tác động mạnh nhưng nền tảng vĩ mô không bị xói mòn, kể cả khi có lo ngại về cán cân thương mại quốc tế nhưng dòng vốn vẫn chảy vào, nhập khẩu đầu năm tăng mạnh nhưng 11 tháng lại thặng dư trở lại, dự trữ ngoại hối vẫn cao.

Thậm chí, so với Thái Lan hay Indonesia thì Việt Nam trong đợt dịch này chưa phải dùng ngoại tệ hỗ trợ kinh tế và chống dịch, do đó, gói hỗ trợ cho sang năm sẽ không làm xói mòn ổn định vĩ mô. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng, khi kinh tế vĩ mô ổn định, hoàn toàn có cơ sở để bàn đến các chính sách tiền tệ. Nhiều chuyên gia đề xuất ngân hàng có thể giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.

Tuy nhiên, để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét một số giải pháp như điều chỉnh các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn), cho phép sự cạnh tranh nhất định về cung cấp tín dụng ở nhóm các ngân hàng tốt nhằm hạ lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét việc điều chỉnh tạm thời các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng nhằm hỗ trợ cho việc huy động và cho vay.

Về việc ngân hàng có kế hoạch giảm tiếp lãi suất cho vay trong năm 2022, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết: “Để tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm 2022 phụ thuộc phần lớn vào chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Bởi hiện nay, ngân hàng đã dùng tất cả những dư địa có thể như trích lợi nhuận và tiết giảm chi phí để giảm lãi vay hỗ trợ DN và người dân. Quan điểm của ngành ngân hàng là không giảm cào bằng, khách hàng nào khó khăn nhiều thì sẽ hỗ trợ nhiều hơn và ngược lại”.

Nói thêm với phóng viên, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu như việc miễn, giảm thuế là sự chia sẻ và hỗ trợ rất thiết thực của nhà nước đối với cộng đồng DN thì việc tăng cơ hội tiếp cận vốn cho DN với lãi suất thấp là cách tiếp máu hiệu quả.

“Dù mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đối với một số lĩnh vực ưu tiên khá thấp nhưng không phải DN nào cũng được tiếp cận. Khi DN được vay vốn giá thấp thì chi phí sản xuất giảm đi, DN có thể lấy phần kinh phí tiết kiệm được để tăng trả tiền lương cho lao động”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Trường Đại học Full Bright), có thể kỳ vọng năm tới có gói chính sách để phục hồi kinh tế mà ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định vĩ mô, quy mô lớn nhưng cũng chỉ ở mức độ không làm xói mòn nền tảng vĩ mô, vẫn kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kích cầu và hỗ trợ phục hồi phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách tài khóa thay tiền tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãi suất cho vay có giảm được không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO