Để hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vượt qua dịch bệnh, có vốn để quay vòng tái sản xuất, các ngân hàng đã hợp lực cùng nhau tung ra với 300.000 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng dành nguồn tiền này để cho DN vay vốn, cùng với đó ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay nợ cũ, gia hạn nợ cũ cho DN.
Thời gian qua các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. 4 ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) mạnh dạn điều chỉnh lãi suất giảm từ 1,5-2%/năm. Chưa hết, các ngân hàng tầm trung và nhỏ khác chủ động tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất.
Hiện các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng lãi suất cho vay tối đa đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 5%/năm. Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 1-2%/năm so với đầu năm. Trong khi đó, ở biểu bảng lãi suất huy động, lãi suất vẫn đứng ở mức khá cao. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiền gửi ở kỳ hạn một năm với lãi suất 8,48%/năm. NamABank với mức lãi suất 8,3%/năm, các ngân hàng NCB, VietcapitalBank, Bảo Việt bank lần lượt có mức lãi suất là 8,2%/năm, 8%/năm, và 7,95%/năm...
Ở kỳ hạn chín tháng dẫn đầu vẫn là Ngân hàng SCB với mức lãi suất 8,18%/năm, tiếp sau là NamABank (8,05%/năm), CBBank (8%/năm), NCB (7,95%/năm)... Ở kỳ hạn sáu tháng, dẫn đầu là Ngân hàng VietABank (8,1%/năm), SCB (8,03%/năm), NCB (7,7%/năm), VietCapitalBank (7,5%/năm).
Ông Phạm Thanh Hà-Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều Ngân hàng Trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái. Trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho NHNN trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Ngày 13/5 vừa qua NHNN quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.
Giới chuyên gia kỳ vọng, khi NHNN và các TCTD chủ động giảm lãi suất sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành là một tín hiệu tích cực cho thị trường, nền kinh tế, đặc biệt là đối với các DN đang vay vốn. Thông qua giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu…), NHNN sẽ hỗ trợ phần nào chi phí vốn cho các ngân hàng, dù số lượng ngân hàng tiếp cận nguồn vốn này từ NHNN là không nhiều.
Việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất ở cả chiều huy động và cho vay ở các kỳ hạn từ đầu năm đến nay có thể sẽ tạo ra mặt bằng lãi suất mới trong năm nay hay không? Vậy lãi suất cho vay có tiếp tục được giảm sâu?
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất tại Việt Nam sẽ khó giảm sâu; nếu lạm phát năm 2020 của Việt Nam giữ ở mức 3% là quá tốt và thông thường, lãi suất huy động được cộng thêm biên độ khoảng 2% từ mức lạm phát để giữ chân khách hàng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng vẫn còn "nuôi" khoản nợ xấu từ nhiều năm trước chưa giải quyết xong...
Trong khi đó TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phân tích, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã sớm đưa ra chủ trương cắt giảm lãi vay. Song lãi suất cũng phải theo xu hướng thị trường, bởi bản thân ngân hàng thương mại là một DN, nên khó có thể giảm lãi suất cho vay khi chi phí đầu vào khó sụt giảm.
Ở góc độ khác, nhìn vào biểu bảng lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài cho thấy, ngân hàng vẫn đang neo lãi suất cao. Một khi lãi suất huy động các kỳ hạn dài chưa giảm thì lãi suất cho vay cũng khó giảm sâu hơn được. Bởi chi phí vốn cao thì lãi suất cho vay ít dư địa giảm.
Ngoài ra, do cộng đồng DN đang khó khăn, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn tương lai và nợ xấu trong quá khứ cộng dồn lại. Ngân hàng đối diện với mối nguy nợ xấu cao. Điều này khiến cho ngân hàng phải chi khoản lớn để trích lập dự phòng rủi ro. Lãi suất cho vay khó giảm.