Sau các chỉ đạo quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã chững lại và hạ nhiệt trong những ngày gần đây.
Ngay khi các tổ chức tín dụng đồng thuận không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm, hàng loạt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh các tỉnh ra văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn nghiêm túc thực hiện cam kết. Theo ghi nhận của phóng viên, một số nhà băng đã điều chỉnh biểu lãi suất mới.
Chẳng hạn BaoViet Bank đưa lãi suất tiền gửi tại quầy về mức cao nhất còn 9,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng so với mức lãi suất cao nhất lên tới 10,2-10,3%/năm áp dụng trước đó. Còn với lãi suất tiền gửi online đối với khách hàng cá nhân duy trì mức 9,75-9,8%/năm kỳ hạn 11-13 tháng.
Tại Saigonbank áp dụng biểu lãi suất huy động mới giảm mạnh khoảng 0,4 - 1 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó lãi suất cao nhất tại ngân hàng này giảm từ 10,5% xuống 9,5%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm xuống 9,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm xuống 9,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng giảm xuống 9,4%/năm.
Tại MSB, ngân hàng này cũng điều chỉnh giảm 0,4 điểm % lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Ở kỳ hạn từ 13 - 36 tháng, mức lãi suất tiết kiệm giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm.
Trước đó, ngày 15/12, NHNN có văn bản yêu cầu ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho NHNN. Mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO), ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh này.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, việc các ngân hàng đồng thuận giữ mức lãi suất tiền gửi tối đa không quá 9,5%/năm, cũng như đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng là những giải pháp hỗ trợ thiết thực.
Ông Nguyễn Thiên Hoàng - Phó tổng giám đốc BIDV cho hay, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của BIDV chỉ tăng 3,4%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, chủ yếu do ngân hàng này vẫn cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Theo ông Hoàng, các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất đầu vào thì lãi suất đầu ra mới có cơ hội giảm xuống.
Trên thực tế, thời gian gần đây, NHNN và các ngân hàng liên tục có những động thái tích cực để khơi thông dòng vốn. Ngoài việc ghìm cương lãi suất huy động, với việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% trong hơn 3 tuần cuối năm sẽ có khoảng 240 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Các ngân hàng cũng đã tích cực giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Tính đến nay, đã có ít nhất 16 ngân hàng thương mại công bố các chương trình giảm lãi suất với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.
Trong văn bản mới nhất, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay. NHNN sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.