Lãi suất tiếp tục tăng nóng

H.Hương 18/11/2022 07:08

Lãi suất tiếp tục được đẩy lên cao khi có ngân hàng đưa ra mức lãi suất tiết kiệm lên tới 11,7%. Cuộc đua lãi suất càng về cuối năm càng nóng.

Lãi suất ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng.

Mốc mới được thiết lập

Cuộc đua lãi suất tiết kiệm ngân hàng (NH) tiếp tục nóng khi một số nhà băng tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn trong đợt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm giữa tháng 11. Chẳng hạn tại NH TMCP An Bình (ABBank), với những khách hàng gửi lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi tiết kiệm 10,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cao nhất được ABBank áp dụng là 11,7%/năm ở kỳ hạn 15 tháng.

Đây là mức lãi suất cao nhất thị trường và được thực hiện theo chương trình ưu đãi diễn ra ngắn hạn và áp dụng dành cho đối tượng khách hàng giới hạn, với hạn mức giới hạn và kỳ hạn gửi lên tới 15 tháng (không áp dụng cho các kỳ hạn ngắn hơn).

Sau đợt tăng lãi suất vào hồi đầu tháng 10, bước sang tháng 11 và vào giữa thời điểm tháng 11, nhiều NH đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất, trong đó có thể kể đến như NH TMCP Bắc Á, NH TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)...

Trong khi đó TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã đẩy lãi suất huy động lên 9,75%/năm dành cho các kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng. Lãi suất kỳ hạn từ 7 đến 12 tháng dao động từ 9,4-9,65%/năm. Kỳ hạn 6 tháng lãi suất hiện là 9,35%/năm. NH này cũng áp dụng cộng thêm 0,5% cho các khách hàng gửi tiền tiết kiệm là người cao tuổi. Như vậy tính ra, mức lãi suất 10%, 11% đã là mức lãi suất khá phổ biến trong hệ thống NH hiện nay.

Tuy nhiên còn điều đáng lưu ý nữa là ngoài tăng lãi suất tiết kiệm các khoản tiền gửi có kỳ hạn, NH cũng đua lãi suất ở tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

Cụ thể nếu như trước đây, lãi suất loại tiền gửi không kỳ hạn đa phần ở mức 0,1 - 0,2%/năm, thì nay được đẩy lên kịch trần 1%/năm tại các NH. Trong biểu lãi suất dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ ngày 8/11 mới đây, lãi suất tiền gửi tài khoản thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn) của NH OCB đã tăng khá mạnh so với khảo sát hồi cuối tháng 10. Theo đó, mức tối đa 1%/năm áp dụng cho gói tài khoản OCB - Invest & OCB – Invest Pro.

Sacombank cũng vừa thay đổi biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong tuần qua. Hiện, lãi suất tài khoản thanh toán với số dư 20 triệu đồng trở xuống là 0,3%/năm, trên 20 triệu đến 100 triệu đồng là 0,5%/năm và trên 100 triệu đồng là 1%/năm.

Tương tự, ngày 9/11, Sacombank điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân, trong đó lãi suất áp dụng cho tài khoản thanh toán có số dư trên 100 triệu đồng là 1%/năm, trên 20 triệu đến 100 triệu đồng là 0,5%/năm và số dư 20 triệu đồng trở xuống là 0,3%/năm.

Đáng chú ý lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ngoài áp dụng cho số dư trên tài khoản thanh toán, hiện còn được áp dụng cho các khoản tiền gửi tiết kiệm rút một phần trước hạn. Do đó, lãi suất loại tiền gửi này tăng mạnh sẽ có lợi cho cả người gửi tiền có kỳ hạn lẫn không kỳ hạn, đồng thời cũng giúp NH hút tiền gửi ở các kỳ hạn khác.

Diễn biến phức tạp

Với diễn biến thị trường thời gian qua, trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSE) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022. Lý do là nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; thanh khoản thị trường chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng; nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Với những yếu tố trên, KBSE dự báo: “Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 1-1,5%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%”. Theo đánh giá trong báo cáo vừa phát hành của khối nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), với mức điều chỉnh trên thị trường, mặt bằng lãi suất đã cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid – 19 khoảng 50 -100 điểm cơ bản. Việc tăng lãi suất này không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường, tuy nhiên diễn biến lãi suất huy động ở các NHTMCP vẫn còn khá phức tạp. Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều NH đã về lại mức trước đại dịch Covid - 19, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

Giới chuyên gia cũng dự báo, dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào diễn biến áp lực các yếu tố bên ngoài, lạm phát trong nước và áp lực mất giá của tiền đồng.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, NHNN tăng lãi suất vừa để giữ chân dòng vốn ngoại, vừa để đảm bảo thanh khoản hệ thống. Bởi nếu lãi suất quá thấp, NH không huy động được vốn thì thanh khoản sẽ gặp khó khăn, đồng thời sẽ nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực. Tất nhiên, tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến phục hồi, tăng trưởng kinh tế, song trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể vừa ổn định vĩ mô, vừa tăng trưởng kinh tế cao.

Ông Huân cũng dự báo lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nên doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để ứng phó.

Theo đánh giá trong báo cáo vừa phát hành của khối nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), với mức điều chỉnh trên thị trường, mặt bằng lãi suất đã cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid – 19 khoảng 50 -100 điểm cơ bản. Việc tăng lãi suất này không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường, tuy nhiên diễn biến lãi suất huy động ở các NHTMCP vẫn còn khá phức tạp. Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều NH đã về lại mức trước đại dịch Covid - 19, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãi suất tiếp tục tăng nóng