Lại thêm mỏ đá hành dân

Hạnh Nguyên 31/10/2015 07:15

Hàng chục năm sống gần mỏ đá Hoàng Hà và Trường Hồng (xã Xuân Lĩnh, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) người dân ở xóm 2, xã Xuân Lĩnh hứng đủ những hệ lụy do các mỏ đá này mang lại. Không những đời sống tinh thần của người dân ở đây bị đảo lộn do ô nhiễm bụi, tiếng ồn mà ngay cả những ngôi nhà đang che chở cho họ hàng ngày cũng bị nứt toác khiến người dân hết sức bất an.

Lại thêm mỏ đá hành dân

Gần hết phép nên mỏ đá Hoàng Hà "tận thu".

Sống trong lo sợ

Những ngày gần đây, người dân ở xóm 2, xã Xuân Lĩnh đứng ngồi không yên. Họ phải cầm đơn đến gõ cửa các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh để kêu cứu. Theo phản ánh của người dân, hàng chục năm nay họ phải sống trong lo sợ, bất an vì mỏ đá Hoàng Hà ở trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm nứt nhà dân, thậm chí là làm bị thương người đi đường. Mặt khác, người dân nhường đất làm màu cho mỏ đá hoạt động, nhưng đến nay chưa nhận được đồng tiền đền bù nào.

Chị Đậu Thị Thao, một người dân ở đây nói trong bức xúc: “Hàng ngày dân chúng tôi phải chịu tiếng ồn do nổ mìn, tiếng máy xay đá, bụi bặm bao phủ không thể nào mà chịu nổi. Ngay cả khi ăn cơm cũng phải đóng cửa, nếu không bụi sẽ bám vào thức ăn, ngủ thì giật mình thon thót. Mỗi lần mỏ đá nổ mìn nghe tiếng động rất lớn, nhà cũng bị rung rồi nứt nẻ khắp nơi”.

Anh Nguyễn Thành Luân chia sẻ: “Nhà bị nứt thì đã đành, khi họ nổ mìn thì đá bay tung tóe khắp nơi, rơi cả vào vườn, có khi cục đá to rơi trúng nhà làm bể ngói. Khi đó chúng tôi kêu đại diện Công ty Hoàng Hà đến, nhưng họ nói “thông cảm” nên chúng tôi cũng cho qua. Trước đây, anh Thành người trong xóm đang trên đường về nhà, khi đi qua khu vực gần mỏ thì có cục đá rơi trúng đầu làm anh ấy bất tỉnh, dân xung quanh đã đưa đi bệnh viện may mắn là không chết người. Chủ mỏ cũng đến hỏi thăm.

Năm 2009, gia đình anh Nguyễn Tiến Ngạn tích góp được 400 triệu đồng cất được ngôi nhà khang trang. Vui mừng chưa được bao lâu thì giờ đây nhà nứt nẻ khắp nơi. Theo anh, không chỉ mỏ đá Hoàng Hà mà mỏ Trường Hồng ở gần đó cũng ảnh hưởng lớn đến người dân nơi đây.

Anh kể: “Có lần nghe tiếng mìn nổ mạnh, ngồi ở tầng dưới chúng tôi nghe tiếng roàng roạc, đi tìm ở tầng một không thấy gì nhưng lên tầng hai thì thấy gần trần nhà nứt một dãy rất to, dài, cảm giác như có thể rơi bất cứ lúc nào. Khi chúng tôi hỏi mỏ Trường Hồng thì được biết lần đó họ cho thử nghiệm loại mìn DK5 nên gây rung chấn mạnh, họ cũng đến xem vết nứt nhà tôi nhưng rồi không có động thái gì”.

Còn anh Nguyễn Quyết Tiến thì ngậm ngùi rằng những năm gần đây người trong xóm chết vì ung thư ngày càng nhiều mà toàn độ tuổi chủ yếu từ 50 trở lại, nhà anh có 3 người chết vì ung thư là bố, mẹ và bác ruột của anh.

Cầm một tập đơn trên tay, ông Nguyễn Văn Minh (59 tuổi) tâm sự:“Chúng tôi già rồi, có bị bệnh hay chết đi cũng không sao, chỉ tội thế hệ trẻ, ngày nào cũng phải hít khói bụi, thuốc mìn. Cứ sáng sớm cả làng phải thức trẻ con dậy nếu không mìn nổ chúng sẽ giật mình thon thót. Ở đây hầu như nhà nào cũng có trẻ con, chúng bị ốm suốt, đi khám bác sĩ đều kết luận là bị viêm phổi, đứa nào đứa nấy còi cọc rất tội nghiệp”.

Theo quan sát của PV, mỏ đá Hoàng Hà và Trường Hồng không những gần đường tránh QL1A mà còn ngay cạnh khu dân cư xóm 2, vì vậy hàng chục hộ dân xóm 2 bị bao phủ bởi những lớp bụi trắng xóa.

Mỏ “tận thu”, xã tìm cách “bù” lại cho dân

PV đem những phản ánh của người dân xóm 2 lên hỏi chính quyền xã Xuân Lĩnh thì ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh thừa nhận: “Việc người dân phản ánh là có thật. Ở khu vực đó có khoảng 20 hộ bị ảnh hưởng. Họ phản ánh thứ nhất là nổ mìn không đúng giờ quy định, thứ hai là lượng thuốc nổ quá lớn, thứ ba là bụi bặm, tiếng ồn, thứ tư là doanh nghiệp nổ mìn làm nứt nhà”.

Cũng theo ông Sỹ, thời gian gần đây, người dân kêu nhiều là do các mỏ gần hết hạn cấp phép nên tranh thủ làm ngày, làm đêm. Lượng mìn thì được cơ quan chức năng cấp theo quy định hằng ngày, nhưng do mỏ tập trung khoan, sau đó dồn mấy ngày mới nổ một lần nên rung chấn mạnh, ảnh hưởng đến người dân.

Từ sự phản ánh của người dân xóm 2, cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và xã đã kiểm tra. Khi kiểm tra thì đạt chuẩn, nhưng khi không kiểm tra thì cứ như thế…? Xã tiếp thu ý kiến của bà con nhân dân, làm việc với doanh nghiệp và đề xuất với cơ quan chức năng có biện pháp thanh, kiểm tra.

Về vấn đề bồi thường đất sản xuất cho dân, ông Nguyễn Tiến Sỹ trần tình: Đây là đất màu, giao cho dân sản xuất từ năm 1994, năm 2003 chuyển đổi ruộng đất thì chia lại, nhưng từ năm 2005 người dân bỏ hoang không sản xuất.

Năm 2008 giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đầu tư thì đất này đã thuộc xã quản lý, do dân bỏ hoang không quan tâm đến, nên tiền bồi thường đưa vào ngân sách xã.

Từ 2008 - 2013 dân không có ý kiến gì, nhưng khi có Dự án đường tránh QL1A đi qua, một số hộ dân được đền bù, thấy vậy người dân thôn 2 mới đòi bồi thường.

Ông Sỹ nói:“Tiền thì đưa vào ngân sách rồi, ngân sách sử dụng rồi, giờ nhân dân đòi lại, xã cũng nói thật là đòi bồi thường thì không đúng, giờ xã đang tìm mọi biện pháp “có phần nào đó” để hỗ trợ lại, giảm bớt thiệt thòi cho bà con nhân dân.

Còn trách nhiệm của mỏ đá trên diện tích đất đó thì họ đã thực hiện đầy đủ rồi”…!? Tuy nhiên, người dân thôn 2 lại khẳng định là khi giao đất cho doanh nghiệp người dân đang trỉa lạc. “Khi đó, lạc thì có nhà mới đúc, có nhà đúc mọc lên rồi, nhưng nhổ đi, thực tế là họ có cho mỗi hộ mấy chục nghìn chi đó” - anh Nguyễn Thành Luân nói.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang có kế hoạch quy hoạch lại khu vực sản xuất các mỏ đá trên địa bàn xã Xuân Lĩnh và thị xã Hồng Lĩnh, vì vậy những người dân nơi đây đang kỳ vọng các ngành chức năng, chính quyền địa phương có cách làm phù hợp để người dân “an cư lạc nghiệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lại thêm mỏ đá hành dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO