Khi Maria Callas qua đời, vợ người tình của cô là Giuseppe di Stefano, đã thốt ra những lời lạ thường: “Maria đã giết mình một cách vô thức”... Maria không vi phạm điều cấm kị của Thiên chúa giáo và không tự sát; chỉ đơn giản là cô đã hoàn toàn chán sống. Cô ấy đã dừng sống. Cô đã trống rỗng; cuộc sống đã mất hết ý nghĩa đối với cô ấy. Năng lượng sống cũng biến mất. Cô thấy chẳng còn động lực gì để hát và để sống; chẳng để làm gì nữa cả...
Maria Callas (4/12/1923-16/9/1977) được đánh giá là một trong những giọng ca opera vĩ đại nhất thế kỷ XX. Cô sinh ra ở Manhattan (New York) trong một gia đình gốc Hy Lạp. Sớm bộc lộ thiên bẩm thanh nhạc, cô đã bị người mẹ đối xử một cách bất công và khắc nghiệt vì quá muốn con gái mình biến thành hiện thực những ước mơ nghệ thuật mà bà đã không đạt được. Maria đã phải trải qua những kèm cặp rất sớm và rất nặng nề. Có lẽ vì những ký ức tuổi thơ không mấy vui vẻ đó đã biến Callas thành người lữ hành đơn độc cả đời lận đận trên những lối mòn sa mạc của tình yêu...
Người chồng đầu tiên của Callas là nhà tư sản giàu có Giovanni Batista Meneghini, hơn cô 28 tuổi, một người vô cùng yêu thích nghệ thuật opera. Họ thấy nhau lần đầu tại Verona năm 1947 và đã phải lòng nhau ngay. Như cá gặp nước... Năm 1949, hai người tổ chức đám cưới. Meneghini ngay lập tức bán đi cơ nghiệp riêng của mình và dồn hết tâm sức vào việc chăm lo cho việc biểu diễn của vợ. Ông được coi như là ông bầu ruột của Maria cho tới năm 1959, khi họ li dị nhau. Chính trong giai đoạn còn hương nồng lửa đậm giữa hai người, sự nghiệp ca nhạc của Maria đã có thêm nhiều điều kiện để thăng hoa, với hàng loạt vai diễn ấn tượng trên các sân khấu lớn... Cũng phải nói rằng, xét thuần túy về chất giọng thì Maria không phải là người có chất giọng đẹp nhưng cô lại có một kỹ thuật biểu diễn thanh nhạc hết sức mê hoặc và diệu kỳ, khiến người nghe như lạc vào một thế giới thần tiên khác lạ...
Thế rồi, đường quang đang đi vẫn thích đâm quàng bụi rậm, Maria lại phải lòng nhà triệu phú hàng hải Aristotle Onassis khi hai vợ chồng cô được mời tới dự một bữa tiệc thượng lưu do ông này tổ chức tháng 9-1957 mừng sinh nhật của nữ nhà báo Elsa Maswell tại Venezia. Tình trong như đã, họ nhớ tới nhau ngay từ những phút tiếp xúc đầu tiên. Mùa xuân năm 1959, cũng tại Venezia, hai người lại gặp nhau trong một vũ hội. Sau đó, Onassis đã tới xem chương trình biểu diễn của Callas ở London rồi mời cô cùng chồng lên chơi du thuyền Christina của mình. Sức hấp dẫn kinh dị của Onassis khiến cho giữa cô và nhà triệu phú đã bùng cháy ngọn lửa yêu đương nồng nhiệt. Tháng 11-1959, Callas chính thức chia tay với Meneghini và công khai cặp kè cùng Onassis. Nhà tỉ phú cũng bỏ người vợ tình nghĩa tào khang của mình và bà này cho tới cuối đời đã không bao giờ tha thứ cho ông ta cái tội phản bội đó. Maria đã có được trong vòng tay mình người đàn ông mà cô hằng khao khát. Và cô đã rất dễ dàng buông bỏ người chồng cũ từng hết lòng lo lắng cho cô và sự nghiệp thanh nhạc của cô. Cũng không có ai nỡ nặng lời quở mắng cô về việc này vì tất cả đều biết, Maria chỉ đơn giản đi theo tiếng gọi hoang dã và thuần khiết của tình yêu. Cô gần như bỏ bẵng sự nghiệp âm nhạc đang ở trên đỉnh cao chót vót của mình để dành thời gian cho Onassis. Về sau, cô nhớ lại: “Sau khi gặp Onassis, đời tôi trở nên tràn đầy sức sống. Tôi biến thành một người đàn bà khác hẳn”...
Cũng phải nói rằng, khác với người chồng đầu của Maria, Onassis hoàn toàn dửng dưng trước nghệ thuật opera. Chính ông ta nhiều lần đã đề nghị diva thôi biểu diễn và cuối cùng cũng buộc được Maria chiều theo ý ông ta. Và cũng khác với Meneghini, ông ta rất không chung thủy trong tình yêu. Cả thèm chóng chán, ông ta lại bắt đầu dấn thân vào các cuộc ngoại tình bất tận của mình như ngựa quen đường cũ. Ông ta không còn cư xử đàng hoàng với Maria nữa và công khai hạ nhục cô, như cô từng bị như thế thời thơ ấu bởi bà mẹ không thuần tính của mình. Và khi cô có mang - ở tuổi 43 -, ông ta đã bắt cô phải phá thai. Thực ra, rất khó buộc một người phụ nữ ở độ tuổi này tự nguyện từ bỏ đứa con trong bụng mình, đặc biệt nếu người phụ nữ đó lại là một danh ca hoàn toàn đủ sức tự nuôi mình một cách sang trọng, nên cô không muốn. Thoạt tiên thì Maria cũng có vẻ như không muốn phá thai, nhưng rồi cô lại gật đầu vì thực sự cô chỉ muốn giữ Onassis ở bên cạnh mình (có nhà viết tiểu sử cho rằng, thực ra, Maria đã sinh ra được một cậu con trai nhưng đứa bé đã mất ngay sau khi chào đời ngày 30-3-1960). Để “khen thưởng” cho sự ngoan ngoãn của diva, nhà triệu phú Hy Lạp đã mua tặng Maria một tấm áo lông thú đắt tiền...
Tuy nhiên, rốt cuộc thì sự hy sinh của Maria cũng không giữ chân được lâu nhà cự phú đào hoa. Onassis đã bỏ cô để cưới vợ goá của vị Tổng thống Mỹ thứ 35, bà Jacqueline Kennedy. Maria hay biết tin này từ các phương tiện truyền thông. Diva đau đớn ê chề đến mức bị mất giọng và không còn hát được như trước kia nữa... Những lần gặp lại vụng trộm với Onassis không thể làm lành những vết thương đã quá sâu trong trái tim nhạy cảm của diva...
Thất vọng vì tình yêu, Maria đã tìm quên lãng trong những thử nghiệm nghệ thuật khác. Cô đã tham gia bộ phim “Medea” của đạo diễn lừng danh Pazolini nhưng bộ phim này đã không thu được thành công về doanh thu. Cô cũng thử sức trong vai trò đạo diễn trên sân khấu nhà hát ở Turino và giảng dạy về thanh nhạc tại New York.
Tuy nhiên, nỗi buồn mệt mỏi không ngừng đeo bám trái tim diva...
Thế rồi, Maria lại có hạnh ngộ làm quen với cặp vợ chồng Di Stefano. Giuseppe vốn cũng là một nam ca sĩ opera. Anh rất thông cảm với hoàn cảnh khi đó của Maria và muốn giúp cô bằng mọi cách vực lại sự nghiệp của mình. Công việc bắt đầu tiến triển tốt. Vợ của Giuseppe cũng đã rất cố gắng hỗ trợ cho Maria. Cho tới khi chị biết diva lại có chuyện mèo mỡ với chồng chị. Và nổi máu Hoạn Thư, chị đã công khai nói bóng gió tới mối quan hệ ngoài luồng đó khi trả lời phỏng vấn báo chí. Thật đáng tiếc vì trước đó họ đã dường như rất thân thiết với nhau. Vợ của Guiseppe từng dược coi là bạn ruột của Maria... Và chị đã viết cho diva một bức thư đầy trách móc, chúng ta vốn là bằng hữu cơ mà! Cô từng biết đối với tôi, chồng tôi là tất cả! Tôi sống cũng chỉ để dâng hiến cho anh ấy thôi. Sao cô nỡ lòng nào mà hành xử như vậy! Cô thực là... Lá thư đầy đau khổ và thất vọng đó, thực khó có thể ai trả lời... Và Maria đã không viết hồi âm...
Rốt cuộc thì Guiseppe cũng bỏ rơi Maria. Đơn giản là mệt mỏi vì những rắc rối. Hơn nữa, thực tình thì anh cũng không yêu cô, chỉ đơn giản là trong những khoảnh khắc nhất định, anh đã không cầm lòng được, chuyện như thế không hiếm xảy ra trong đời. Và Maria lại phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc. Con đường nghệ thuật của cô cũng bị suy thoái và ngập tràn trong các vụ tai tiếng...
Chuyện này thực kỳ lạ - một diva giàu có và lừng danh, mà luôn luôn bị bỏ rơi. Thế nhưng đó là sự thực. Maria có rất nhiều tiền, đồ nữ trang quý giá và nhiều áo lông thú đắt giá. Những áo lông thú có thể ru ấm cho cô trong những đêm đông dài giá lạnh để coi ngồi ngắm những ngón tay dài đeo đầy nhẫn kim cương. Nhưng cô lại không giữ được người thân nào cả. Và giọng hát huyền diệu cuối cùng cũng bỏ cô đi. Mãi mãi...
Đây là câu chuyện buồn về những đêm dài đằng đẵng và về một vụ “tự sát vô thức”, khi người ta không biết sống để làm gì và vì ai nữa.
Sau khi Aristotle Onassis chết tháng 3/1975, những năm cuối đời, Maria Callas định cư ở Paris và gần như “cấm cung” trong căn hộ của mình, lảng tránh mọi cuộc tiếp xúc với bên ngoài. Cô qua đời ngày 16/8/1977 ở tuổi 53. Nguyên nhân dẫn tới cái chết này cho tới nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo thông tin chính thức, cô đã mất vì bị ngừng tim...
Xác diva được hỏa thiêu và bình tro được mai táng tại nghĩa trang Pere Lachaise. Sau vụ bình tro của cô bị ăn trộm và mãi mới tìm lại được, theo di nguyện của cố diva, di cốt của cô đã được rắc xuống biển Egee. Tại nghĩa trang Pere Lachaise chỉ còn mỗi cái bình tro rỗng...
Không có tình yêu thì không thể nào sống được...