Những ngày này đi qua khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại thấy cảnh đào xới vỉa hè lên, lát lại. Nếu gạch vỉa hè đã cũ quá, vỡ nát, lồi lõm thì lát lại đã đành, đằng này vỉa hè tại khu vực “trường đại học đầu tiên” của đất nước vẫn còn rất chắc chắn.
Do tính chất đặc biệt của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên việc sửa chữa, tôn tạo cần hết sức thận trọng, không được “làm mới”, “trẻ hóa” di tích mà phải bảo đảm nét cổ xưa đượm màu thời gian. Loại gạch lát vỉa hè ở đây đã đáp ứng được đòi hỏi đó. Nhưng thật đáng tiếc, gạch lát vỉa hè xung quanh khu vực này vẫn còn rất tốt, nhưng lại bị đào lên, thay mới. Lấy ví dụ ngay chính ngôi nhà của mình, nếu như gạch lát còn tốt như thế thì không ai lại bỏ đi. Vì nó lãng phí, tốn kém đến vô lý.
Nhân đây cũng cần nói lại rằng, việc đào xới vỉa hè ở Hà Nội có lẽ nhiều hơn so với bất cứ thành phố nào khác trong cả nước. Thời điểm nào trong năm, đây đó cũng đều thấy đào xới, nhất là cuối năm thì mật độ lại càng dày hơn. Vỉa hè chỉnh trang, nâng cấp mới được vài năm, tốn kém bao nhiêu tiền nhưng lại quyết tâm làm mới. Lại tốn kém, lại bất tiện.
Làm cho bộ mặt thành phố đẹp hơn, ai cũng muốn cả. Nhất là dịp vào năm mới, thành phố khang trang hơn, trong đó có những tuyến vỉa hè đẹp mắt là cần thiết. Nhưng nào cứ phải đào lên lát mới trong lúc vật liệu vẫn còn tốt mới là cách làm đúng. Tiết kiệm được chừng nào tốt chừng ấy, nhưng cũng rất quan trọng là việc giữ gìn vệ sinh sạch đẹp cho vỉa hè. Sau nhiều chiến dịch ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” thì tới nay hầu như tất cả các vỉa hè đều đã bị chiếm dụng làm chỗ để xe máy, kể cả ô tô và cũng là nơi buôn bán nhộn nhịp không kém những khu chợ dân sinh là mấy.
Không chỉ “mất vỉa hè” mà còn mất cả vệ sinh khi rác thải vứt vô tội vạ. Người qua đường xả rác, người sống ở đó cũng xả rác. Công nhân vệ sinh môi trường có nhưng không xuể, nói không ai nghe.
Trở lại với việc đào vỉa hè lên lát lại, có lẽ cần thiết nhất phải là việc xây dựng ý thức vệ sinh công cộng, bảo vệ mỹ quan cho thành phố. Việc này không tốn kém, không gây bất tiện mà chính là sự văn minh, văn minh đô thị. Chính quyền có “làm mới liên tục” vỉa hè đi chăng nữa nhưng không xây dựng được ý thức của người dân thì cũng không tới đâu. Những năm trước còn thấy những tấm bảng ghi rõ tuyến đường này do phụ nữ phường quản lý, tuyến đường kia do thanh niên phường quản lý..., nay hầu như không còn. Phải chăng ý thức bảo vệ môi trường, mỹ quan chung không những không được nâng lên mà lại đi xuống; trong khi việc đào xới lát lại vỉa hè thì vẫn diễn ra liên miên.