Mặc dù chỉ mới đưa vào hoạt động chưa được một tuần, nhưng trạm thu phí Cai Lậy (thị xã Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang đã bị nhiều tài xế lưu thông qua tuyến đường này phản đối, than Trời vì mức phí cao bất thường.
Trạm thu phí Cai Lậy.
Tuyến đường đặt trạm thu phí (BOT) này là tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy, chỉ dài chừng 12,02 km nhưng mức phí là 35.000 ngàn đồng/lượt, cao gấp nhiều lần mức phí của các tuyến đường khác trong khu vực.
Một tài xế xe tải thường xuyên chạy tuyến Cần Thơ - TP HCM: “Nếu đi từ TP HCM về phải qua 2 trạm thu phí đường bộ là đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và trạm thu phí Cai Lậy.
Nếu cùng trọng lượng xe là dưới 2 tấn (hoặc xe dưới 12 chỗ) thì mức phí cao tốc chỉ có 40 ngàn đồng cho tuyến đường 62 km mà tuyến đường tránh Cai Lậy có 12,02 km đã thu tới 35 ngàn đồng.
Đặc biệt, nếu cao tốc có tới 3 làn ôtô riêng biệt 1 chiều thì tuyến đường Cai Lậy chỉ có 2 làn xe, lại dành cho cả xe máy nên tốc độ lưu thông rất thấp, khó khăn.
Vì thế, tôi thấy việc áp dụng mức thu phí như vậy là chưa tương xứng, vì tuyến đường xây dựng quá ngắn, lại hẹp nhưng mức phí thì rất cao”.
Anh cũng cho biết thêm, tuy nhiên, đó mới là mức thu phí thấp nhất qua trạm Cai Lậy, bởi mức cao nhất dành cho các xe container lên đến 180 ngàn đồng/lượt/xe.
Chi li hơn, một số tài xế còn cho biết, nếu chia số tiền ứng với mỗi km đi qua thì mức phí ở tuyến đường tránh Cai Lậy cao gấp hơn 10 lần tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, trong khi chất lượng lại thấp hơn!
Chính vì mức thu phí cao bất thường nên nhiều tài xế xe tải đã tìm cách di chuyển qua các đường liên huyện, liên tỉnh ở khu vực này để né trạm thu phí.
Cụ thể, nhiều tài xế khi di chuyển từ TP HCM về miền Tây đã né qua các tuyến đường 63 và 67 bằng cách đi dọc tuyến QL1A, gần tới trạm thu phí thì rẽ vào tuyến đường trên.
Mặc dù không thuận tiện bằng đường thu phí nhưng 2 tuyến đường này cũng là đường nhựa, chiều rộng chừng 10m nên khá nhiều tài xế đã chọn theo cách này.
Đặc biệt, do bất bình vì trạm thu phí này, nhiều tài xế xe tải khi qua trạm đã trả tiền bằng các tờ tiền lẻ mệnh giá thấp (200, 500 hay 1.000 đồng) để “làm khó” nhân viên trạm thu phí.
Hoặc nhiều tài xế còn cho tiền vào bịch ni-lông, chai nhựa để kéo dài thời gian thanh toán, gây khó khăn cho nhân viên.
Mặc dù hiện nay chưa có các chế tài để ngăn chặn tình trạng này, nhưng đại diện chủ đầu tư cho biết sẽ báo cáo các hành vi này với công an địa phương để tìm cách xử lý, ngăn chặn.
Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, liên danh Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1, đây là dự án được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã được chính quyền địa phương và bộ chủ quản chấp thuận.
Để thực hiện dự án này, chủ đầu tư đã bỏ ra tổng chi phí khoảng 1.400 tỷ đồng nên mức thu phí như hiện nay là hợp lý, đã được Bộ Tài chính phê duyệt, thông qua.