Bằng những chiêu trò quảng cáo trên mạng xã hội, một số thẩm mỹ viện không phép hoặc mạo danh cơ sở uy tín đã thu hút nhiều người tìm đến để nâng mũi, cắt mí, căng da, tiêm filler…Thế nhưng, đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy một số người sau khi mất cả chục đến trăm triệu đồng làm đẹp thì lại phải vào bệnh viện để xử lý hậu quả.
Hậu quả khôn lường
Đang có nhu cầu xăm mày và căng da, thì thấy quảng cáo qua mạng xã hội “cơ sở Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội uy tín, giá cả phải chăng, bác sĩ Bệnh viện 108 trực tiếp làm…” nên chị Nguyễn Thị M. liền liên lạc theo số điện thoại ghi trên đó.
Sau khi nghe nhu cầu của chị, nhân viên Thẩm mỹ này tư vấn giá cả và không quên nhấn mạnh rằng: Yên tâm, đây là cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, do bệnh viện đông quá nên mở thêm cơ sở. Các bác sĩ hoàn toàn là người của bệnh viện ra đây phối hợp phẫu thuật… Thấy vẫn chưa yên tâm, chị M. hỏi một số người quen thì được biết Bệnh viện 108 chỉ khám, chữa bệnh tại một cơ sở số 1, phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) và không có cơ sở 2.
Không may mắn như chị M., bà Nguyễn Thị T. ở Hải Dương sau khi sửa cung mày và nâng mũi tại Thẩm mỹ viện 108 (quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) thì bị hoại tử nghiêm trọng. Theo lời bà kể, trước đây do bị tai nạn giao thông dập sống mũi nên bà T. đi nâng mũi một lần, sau thời gian thấy mũi tẹt xuống nên phải lần 2 tại cơ sở này. Thế nhưng sau khi cắt chỉ rồi mà mặt mũi vẫn sưng vù, loét hết cả thịt ra nên bà phải tìm đến bệnh viện công để xử lý hậu quả của ca phẫu thuật hỏng.
Là người điều trị cho bà T., PGS. TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khi thực hiện mổ để giải quyết tình trạng hoại tử đã phát hiện ra bên trong mũi của bà T. có 2 sống mũi bằng nhựa. Đây là nguyên nhân khiến mũi của bà bị nứt toác và hoại tử. Không chỉ bà T. nhiều trường hợp sau khi làm đẹp tại các spa khác cũng bị tai biến phải vào bệnh viện công để điều trị.
Thời gian qua, tại TP HCM cũng xảy ra nhiều trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở làm đẹp trên địa bàn. Riêng trong năm 2019, trong 3 ca tai biến được báo cáo, có 2 trường hợp tử vong. Nguyên nhân do sốc thuốc mê, sử dụng thuốc tê quá liều lượng trong phẫu thuật; một ca sốc thuốc kháng sinh được cấp cứu điều trị khỏi kịp thời. Một trường hợp cũng được ghép vào ca tử vong do xăm, xăm trên người lớn tuổi, đồng thời do tai biến mạch máu não…
Bác sĩ Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP HCM cho biết các cuộc phẫu thuật có xâm lấn da như phun, xăm, tiêm filer; đặc biệt các loại liên quan đến phẫu thuật như nâng ngực, hút mỡ chỉ được thực hiện tại bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều cơ sở làm đẹp hiện nay vẫn tiến hành dù không được cấp giấy phép.
Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tiêm filler không rõ nguồn gốc hoặc kỹ thuật tiêm có vấn đề nên bị hoại tử da, bắt buộc phải rạch da xử lý để lại sẹo, mất thẩm mỹ. Theo các bác sĩ, biến chứng nguy hiểm nhất của việc tiêm silicon là gây thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi gây hôn mê, tử vong.
Đừng vội nghe lời quảng cáo
Về cơ sở mạo danh Bệnh viện 108, theo Trung tướng, Giáo sư Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì bệnh viện chỉ khám, chữa bệnh tại một cơ sở là số 1, phố Trần Hưng Đạo và không có cơ sở 2. Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho biết chưa lần nào tham gia khám chữa bệnh tại Thẩm mỹ viện này.
Ngay khi phát hiện hàng loạt sai phạm của Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất và phát hiện: Cơ sở này thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn gây chảy máu, không đúng với ngành nghề đã đăng ký. Cơ quan chức năng đã xử phạt khung cao nhất 50 triệu đồng và thu hồi đăng ký kinh doanh. Ngày 30/3, UBND quận Nam Từ Liêm cũng có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có hình thức xử lý ngăn chặn khi xuất hiện trang facebook của cơ sở này.
BS Nguyễn Mạnh Cường- Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, Sở Y tế vừa phối hợp Công an TPHCM kiểm tra đột xuất 19 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trá hình. Sai phạm nhiều nhất là cơ sở có giấy phép làm đẹp thông thường như hớt tóc, chăm sóc da, spa thông thường nhưng lại thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ…Trong khi đó, theo quy định, chỉ có phòng khám hoặc bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mới được thực hiện các can thiệp xâm lấn cơ thể còn thẩm mỹ viện, spa thì không được cấp phép.
Những cơ sở bị buộc đóng cửa và xử lý như vừa nêu có thể nói chỉ là những phát hiện bề nổi. Vẫn còn không ít cơ sở làm đẹp, spa vì lợi nhuận sẵn sàng bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Cơ sở không có bác sỹ chính quy, không có chứng chỉ hành nghề; điều dưỡng viên chưa được đào tạo, hệ thống trang thiết bị sơ sài... nhưng lại thực hiện nhiều ca phẫu thuật đòi hỏi tay nghề cao như cắt mí, nâng mũi, nâng ngực. Và hậu quả là những ca tai biến nghiêm trọng phải nhập viện. Vì vậy, người dân nếu có nhu cầu làm đẹp cũng nên tìm hiểu kỹ các cơ sở, bệnh viện uy tín, đừng vì cả tin, ham rẻ mà “tiền mất, tật mang”.