Hiện nay, sản phẩm thanh long chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái đến các chợ đầu mối. Với việc được cấp mã số vùng trồng, Hợp tác xã hi vọng sẽ mở rộng thị trường, tiếp cận được những thị trường khó tính, cao cấp hơn cho trái thanh long.
Ngày 12/4, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng quyết định cấp mã số vùng trồng cho 13,7 ha thanh long ruột đỏ ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà. Đây là mã số vùng trồng đầu tiên được cấp cho cây ăn trái tại Lâm Hà.
Được biết, thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng dự kiến 400 tấn/năm/ha. Hợp tác xã phát triển theo chuỗi liên kết trao đổi, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ lắp đặt hệ thống thiết bị tưới nước, bón phân tự động cho hộ thành viên theo nhu cầu.
Theo đó, việc được cấp mã số vùng trồng sẽ mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho Hợp tác xã và bà con nông dân như việc chuẩn hóa quá trình chăm sóc và quản lý cây trồng; quản lý được diện tích trồng, số lượng cây trong vườn, đưa ra được quy trình chuẩn trong chăm sóc cây trồng; giúp theo dõi lịch sử chăm sóc cây, cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất.
Hiện nay, sản phẩm thanh long chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái đến các chợ đầu mối. Với việc được cấp mã số vùng trồng, Hợp tác xã hi vọng sẽ mở rộng thị trường, tiếp cận được những thị trường khó tính, cao cấp hơn cho trái thanh long.
Hiện nay trên địa bàn huyện Lâm Hà có hơn 200 hộ trồng thanh long với diện tích gần 100 ha. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi ha người dân đạt lợi nhuận từ 200 - 240 triệu đồng/năm.