Nhờ đức tính cần cù chịu khó, ông Lê Văn Cững (cựu chiến binh, 62 tuổi, Lâm Đồng) đã phát triển chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Lê Văn Cững không ngại chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi thỏ giúp bà con lối xóm phát triển kinh tế.
Đến xóm Bến Tre, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) không khó để tìm đến nhà cựu chiến binh Lê Văn Cững, bởi sự “nổi tiếng” của ông trong việc chăn nuôi thỏ. Cần cù, chịu khó, dám mạnh dạn thay đổi là những gì mà người dân ở xóm nói về quyết tâm vượt khó làm giàu của người cựu chiến binh này.
Ông Lê Văn Cững chia sẻ, cũng như bao gia đình lập nghiệp trên vùng đất Nam Tây Nguyên này, ban đầu gia đình ông chủ yếu sống dựa vào cây cà phê. Tuy nhiên, sức khỏe của ông không thể chiến thắng địa hình đồi núi của vùng đất cao nguyên.
Tình cờ một lần xem chương trình truyền hình về nuôi thỏ, ông liền quan tâm tới mô hình này. Sau một thời gian khá dài nghiên cứu sách, báo, người cựu chiến binh quyết định lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và tìm đến một số trang trại nuôi thỏ để thực tế tìm hiểu.
Cuối năm 2010, ông quyết định thử nghiệm với 2 cặp thỏ giống (trị giá 600.000 đồng) đầu tiên. Sau một thời gian nuôi thử, cặp thỏ giống bắt đầu sinh sôi phát triển và tăng đàn. Nhưng nuôi thỏ với người mới bước vào nghề như ông không hề đơn giản, đàn thỏ có lúc bị dịch bệnh.
Không nản chí, ông Cững lại chạy ngược xuôi tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi và phát triển đàn thỏ quy mô lớn để về áp dụng cho đàn thỏ của gia đình. Từ kinh nghiệm đúc kết được sau lần thất bại, đến nay, trang trại thỏ của ông đã lên đến hơn 700 con.
Hiện nay, đàn thỏ của ông còn có 100 con thỏ mẹ, mỗi con đẻ từ 8 - 10 con/tháng. Trang trại của ông mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng trăm kg thỏ thịt, cùng với thỏ mẹ và thỏ giống. Với đầu ra và giá bán ổn định, mỗi năm, gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.
“Nuôi thỏ thì không khó, nhưng phải kiên trì vì thỏ cũng rất dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi. Vì thế cần nắm bắt được chính xác những biểu hiện các bệnh của con thỏ để có giải pháp phòng chống và điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần chăm sóc và có chế độ ăn uống hợp lý, nguồn thức ăn phải đảm bảo. Khâu vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng, luôn phải sạch sẽ, mùa lạnh phải được giữ ấm”, ông Cững chia sẻ.
Không chỉ phát triển chăn nuôi trong gia đình mà ông Cững còn giúp những người hàng xóm đồng hương cải thiện đời sống. Đồng thời, kiêm luôn kỹ thuật viên hướng dẫn tận tình, thuốc men mỗi khi thỏ bệnh. Ông Cững nói, chỉ cần họ chịu khó, kiên trì chăn nuôi thì ông sẵn sàng giúp mà không ngại ngần.
Từ một cựu chiến binh mất sức khỏe, đến nay ông Cững đã trở thành một lão nông nuôi thỏ “lành nghề”. Hiện nay, ngoài thị trường tiêu thụ huyện Lâm Hà và TP Đà Lạt, ông Cững cũng đang mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc.
Hỏi về ông Cững, người dân trong xóm ai cũng khâm phục ý chí vươn lên của cựu chiến binh này. Ông Võ Văn Tài, trưởng xóm Bến Tre (xã Đạ Đờn) là người chứng kiến toàn bộ quá trình vươn lên thoát nghèo của ông Cững cho biết: “Người dân ở xóm Bến Tre trước nay vẫn chủ yếu trồng cà phê, ông Cững là người đi tiên phong trong việc thoát nghèo bằng cách chăn nuôi thỏ.
Phải nói ông Cững là một người có ý chí, dám mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế. Nhờ đức tính cần cù của người lính Bộ đội Cụ Hồ, từ hai bàn tay trắng ông Lê Văn Cững đã vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, cũng đã có một vài gia đình ở địa phương học tập theo mô hình chăn nuôi của ông Cững và đã bước đầu cho thu nhập ổn định”.